Những hành trình của lòng biết ơn
Một trong những điều những người làm báo Pháp luật Việt Nam tự hào trong hành trình 35 năm qua, rằng trong hệ sinh thái của mình, chúng tôi đã xây dựng được những 'dải' quan trọng, nhân văn, trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của Báo – đó là công tác xã hội.
1. Trên những sườn núi xa, ở những vùng quê khó khăn hay ở hải đảo xa xôi, đến nay, hàng chục “Mái ấm Tư pháp” đã được xây nên từ tấm lòng của người làm báo PLVN và đồng hành của các Mạnh Thường quân, đưa đến cho cán bộ tư pháp cơ sở sự sẻ chia ấm lòng và niềm tin vững vàng vào cuộc sống.
Nhận “Mái ấm Tư pháp” từ Báo không giữa tháng 7/2019, anh Hồ Văn Lập (SN 1983), cán bộ tư pháp xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã vô cùng xúc động. Gắn bó với ngành Tư pháp từ năm 2012, công tác ở huyện miền núi xa xôi của tỉnh Quảng Trị, cuộc sống đã khó càng khó hơn với anh Lập khi vợ công việc không ổn định, con gái năm 2017 bị ngã gãy xương, viêm nhiễm nặng, phải nghỉ học, triền miên điều trị tại bệnh viện.
“Món quà này giúp gia đình tôi được ở trong căn nhà đàng hoàng hơn, tránh mưa, tránh gió” - anh Lập chia sẻ với chúng tôi trong một ngày tháng Bảy gió Lào miền Trung - “Lớn hơn nữa là sự sẻ chia từ các anh chị em cán bộ, phóng viên Báo PLVN và các đồng nghiệp ngành Tư pháp, giúp tôi tiếp tục cố gắng kiên định bước tiếp trong công việc tôi đã lựa chọn”.
Hàng chục “Mái ấm Tư pháp” không chỉ giúp các cán bộ Tư pháp cơ sở vững tâm, vững chí, vững niềm tin, mà còn đem hạnh phúc đơn sơ nhưng to lớn đến cho chính những người làm báo PLVN. Những hành động nhỏ, những câu chuyện nhỏ từ trái tim đến trái tim, từ tấm lòng đến tấm lòng, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực, để cuộc sống trở nên ý nghĩa đối với cả người trao đi và người nhận về.
2. Hẳn là khi đứng giữa nước và trời, nắng và gió Kiên Giang, nhìn cờ Tổ quốc tung bay trên những con tàu chuẩn bị ra khơi, Phó Tổng biên tập Trần Đức Vinh và nhiều cán bộ, phóng viên Báo PLVN cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào. Bởi, trên hải trình bám biển quê hương, người ngư dân mang theo tình cảm và sự đồng hành của người làm báo, gửi qua những lá Quốc kì tung bay trong gió.
Một hoạt động xã hội đã thành truyền thống, một phần quan trọng trong hoạt động của Báo PLVN nhiều năm qua, đó là chương trình "Chung tay xóa nghèo pháp luật hướng về biên giới, biển đảo". Trong chương trình này, nhiều năm qua, hàng ngàn lá cờ Tổ quốc, nhiều ngôi nhà tình nghĩa, công trình trường, trạm, nhà văn hóa, hàng trăm suất học bổng, sổ tiết kiệm… đã được những người làm báo PLVN trân trọng trao tận tay các ngư dân bám biển, các thầy cô bám bản, chiến sĩ biên phòng bảo vệ biên giới, biển đảo, đồng bào nghèo và các cháu học sinh hiếu học trên nhiều vùng biên giới, hải đảo của Tổ quốc.
Thế nên, hình ảnh Lý A Dinh và hàng trăm bạn nhỏ trường Tiểu học số 1 Nà Nhạn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) mừng vui xúng xính trong chiếc áo đồng phục màu trắng còn nguyên nếp gấp do Đoàn công tác Báo PLVN tặng trong Chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật hướng về biên giới, biển đảo” tại tỉnh Điện Biên đã gieo vào lòng những người làm báo PLVN niềm hạnh phúc nho nhỏ, vun dần lên tình cảm ấm áp qua từng chuyến đi trên hành trình xóa nghèo pháp luật mà Báo PLVN đã và đang thực hiện.
Nhiều năm nay, Chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật hướng về biên giới, biển đảo” là một trong số rất những hoạt động xã hội của Báo với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, động viên các chiến sĩ đang canh giữ bình yên biên giới, các em học sinh nghèo, các gia đình đang nỗ lực vượt khó.
Bí thư Đảng ủy xã Mường Đăng Lò Văn Sáng kể với chúng tôi, từ ngày công trình Nhà văn hóa mà Báo PLVN tặng cho hai bản xa, xã có điều kiện tổ chức sinh hoạt cộng đồng. Theo ông Sáng, từ những Nhà văn hóa đó, một cửa sổ ra cuộc sống rộng lớn ngoài kia mở ra rõ nét hơn trong giấc mơ của không ít em nhỏ…
3. Dù đi hàng trăm chuyến đi mỗi năm, nhưng có một chuyến đi mà mỗi người làm báo PLVN vẫn chờ đợi, đó là chuyến đi tri ân miền Trung tháng Bảy và chúng tôi gọi đó là “Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn”.
Trên hành trình đến với những địa danh lịch sử, đến với đất và người miền Trung dũng cảm, kiên cường, chúng tôi được bày tỏ lòng biết ơn và được cảm nhận giá trị của cuộc sống. Những bài học lịch sử từ cuộc sống đã góp phần tu dưỡng đạo đức cho đội ngũ cán bộ phóng viên, mà như Tổng Biên tập Đào Văn Hội nói “đi để thấy những vất vả, lo toan của mình hàng ngày là nhỏ bé, đi để tri ân những người đã ngã xuống vì đất nước, đi để sống nhân ái, nhân văn hơn”.
“Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn” đó đang là gạch nối, là mối liên kết giữa mỗi người làm báo PLVN với trách nhiệm đối với cuộc sống này, giữa các thế hệ cán bộ, phóng viên trong đại gia đình PLVN, giữa chúng tôi và các thế hệ tương lai…
Và trong hành trình 35 năm, chúng tôi tiếp tục những chuyến đi với lòng biết ơn cuộc đời cho chúng tôi những ngày tươi đẹp, biết ơn con người cho chúng tôi ấm áp yêu thương, và lan tỏa những năng lượng tích cực vì cuộc sống này, lan tỏa những thông điệp đầy nhân văn của tờ Báo PLVN "Vì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", tờ báo được Đảng tin, dân yêu, doanh nghiệp đồng hành.
“Lòng biết ơn có thể làm các ngày thường thành lễ tạ ơn, làm các công việc thường ngày thành niềm vui và thay đổi cơ hội bình thường thành phước lành” – William Arthur Ward (nhà giáo dục, tác gia).
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/nhung-hanh-trinh-cua-long-biet-on-490596.html