Những hạt nhân khơi 'mỏ vàng' đất dốc
Cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiên phong đi đầu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. Họ là những nông dân tiêu biểu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất với nhiều cách làm mới, sáng tạo. Nhiều gia đình trở nên giàu có nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm với thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Qua giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh, chúng tôi đến huyện Yên Châu, tìm gặp nông dân Nguyễn Khánh Toàn, xã Phiêng Khoài, người có khả năng làm cho cây mận ra quả trái vụ, rải vụ. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Toàn kể: Cây mận ở Phiêng Khoài đã giúp nhiều nông dân xóa đói, giảm nghèo. Nhưng sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, có năm thời tiết không ủng hộ, sản lượng mận cũng giảm đi đáng kể; năm được mùa, tiêu thụ không xuể, mận lại rớt giá. Chính vì vậy tôi đã quyết tâm đi học tập kinh nghiệm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để “điều khiển” cây mận ra quả theo ý muốn.
Từ năm 2019, với kỹ thuật rải vụ, ông Toàn đã làm cho cây mận ra hoa lệch vụ từ 3-4 tháng, quả mận trái vụ giá bán cao gấp 3-5 lần chính vụ. Bên cạnh đó, ông Toàn đã đầu tư nhà lưới để bảo vệ vườn mận không bị thiệt hại do mưa đá; lắp bộ cảm biến kiểm soát, giám sát 24/24 giờ các chỉ tiêu môi trường liên quan, cảnh báo các chỉ số về yếu tố tự nhiên và kết nối qua “app” trên điện thoại thông minh, từ đó có thể điều chỉnh chế độ tưới kết hợp bổ sung dinh dưỡng kịp thời theo nhu cầu của cây. Nhờ áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm mận của gia đình ông tăng 30% so với trước đây. Toàn bộ sản lượng quả không đủ cung ứng theo đơn đặt hàng. Hiện 3 ha mận hậu mang lại thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm cho gia đình, chưa kể các loại cam, bưởi xen canh cũng bắt đầu cho thu hoạch.
Đến xã Cò Nòi (Mai Sơn), nơi có những cánh đồng mía bạt ngàn, những vườn na trĩu quả, gặp anh Bùi Văn Lộc, HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh, người đang sở hữu 7 ha na Thái với doanh thu bình quân 600 triệu đồng/ha. Dẫn chúng tôi thăm vườn, anh Lộc giới thiệu: Trước đây, diện tích 7 ha này gia đình tôi trồng chủ yếu là nhãn và giống na địa phương, nhưng tôi nghĩ, mình sống bằng nghề nông nghiệp thì phải “chọn cây, gửi đất”, phải lựa cây nào hợp thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả kinh tế cao thì trồng. Sau nhiều lần nghiên cứu, năm 2015, tôi đã lặn lội vào tận Đồng Nai để mua 50 cây giống na Thái về ghép vào thân cây na bản địa. Sang năm thứ 3 thì cây bắt đầu đậu quả và cho thu hoạch.
Theo anh Lộc, ưu điểm của giống na Thái là khả năng kháng sâu bệnh, chịu úng, chịu hạn cao, quả ít hạt, mắt na sáng mịn, thịt dai, dẻo, rất thơm ngon, ngọt, khi chín không bị nứt vỏ, quả to gấp 3-4 lần na thường; mỗi quả có trọng lượng từ 0,6-1,4kg. Tùy vào việc chăm sóc, mỗi cây cho thu từ 30-60 kg quả/năm. Thành công ngoài mong đợi, anh Lộc tiếp tục lai ghép mở rộng thêm 2.000 cây sau đó. Vụ na năm nay, gia đình anh Lộc ước thu khoảng 70 tấn, trừ chi phí sẽ thu về khoảng 3 tỷ đồng.
Những tỷ phú, triệu phú nông dân như ông Toàn, anh Lộc xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp các miền quê của Sơn La. Điểm chung của họ là đức tính chăm chỉ, kiên trì, chịu khó, mạnh dạn tìm lối đi riêng, họ đã làm cho đất cằn nở hoa, làm lên những cánh đồng trăm triệu, trang trại tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, những nông dân sản xuất giỏi còn thôi thúc và lan tỏa ý chí vươn lên, vượt khó làm giàu đến nhiều hộ dân trong vùng. Họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất với các hội viên nông dân ở địa phương để cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Điển hình như ông Nguyễn Khánh Toàn, năm 2019 đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát với 17 thành viên, trồng 35 ha mận hậu và 17 ha cây ăn quả. Năm 2021, tổng doanh thu từ cây ăn quả của HTX đạt trên gần 8,5 tỷ đồng, trừ chi phí, bình quân mỗi hộ xã viên thu nhập gần 400 triệu đồng; ngoài ra còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động địa phương, với mức tiền công 6 triệu đồng/người/tháng.
Còn anh Bùi Văn Lộc đã kết hợp với với 22 hộ gia đình khác thành lập HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh, thâm canh 40 ha na và xoài. Doanh thu trung bình khoảng 250-300 triệu đồng/ha na dai và 400-450 triệu đồng/ha na Thái. Hay ông Lê Danh Phúc, bản C5, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) đã vận động các hộ dân trong vùng ứng dụng tiến bộ KHKT để sản xuất nhãn trái vụ; xây dựng 20 lò sấy long nhãn công nghệ cao đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu...
Ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: Các hộ nông dân sản xuất giỏi chính là những hạt nhân nòng cốt trong tổ chức lại sản xuất, thành lập mới HTX, tổ hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã thành lập mới 106 HTX với 360 thành viên là hội viên nông dân, góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, liên kết sản xuất, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; có trên 28.000 hộ nông dân được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; trong đó, có gần 1.500 hộ cấp tỉnh và cấp Trung ương. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã đại diện cho người nông dân ký hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo ra vùng sản xuất tập trung, có sản lượng lớn, phát huy thế mạnh của vùng, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng của Sơn La.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, tư duy đổi mới, những nông dân Sơn La đã và đang từng ngày biến đồng đất của mình thành “mỏ vàng”, không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động, góp sức làm giàu cho quê hương.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhung-hat-nhan-khoi-mo-vang-dat-doc-47367