Những hạt nhân truyền cảm hứng

Với thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu về dịch bệnh cúm mùa, Phòng thí nghiệm cúm, Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) được vinh danh với Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019. Trong đó, những nhà khoa học nữ là hạt nhân nòng cốt đóng góp cho thành tích này, truyền cảm hứng cho phụ nữ Việt Nam phấn đấu vươn lên, tự tin hội nhập để cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

Tập thể cán bộ Phòng thí nghiệm cúm, Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) được vinh danh với Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019.

Tất cả vì sức khỏe cộng đồng

Đón chúng tôi tại nơi làm việc là PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó Trưởng khoa Vi rút. Gương mặt các chị không tươi tắn như thường có ở những người được nhận giải thưởng, thậm chí còn in vết hằn từ chiếc khẩu trang N95 bảo hộ của phòng thí nghiệm. Từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, khi dịch Covid-19 hoành hành, cuộc sống của các chị và đồng nghiệp Khoa Vi rút bị đảo lộn, phải thay nhau bám trụ trong phòng thí nghiệm “săn bắt” con vi rút corona, tác nhân gây nên dịch nguy hiểm cho cộng đồng.

Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương chính là đơn vị đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng vi rút corona mới hồi tháng trước, góp phần quan trọng vào nỗ lực của ngành Y tế Việt Nam trong công cuộc chống dịch. Chia sẻ về hành trình nghiên cứu và phân lập thành công vi rút corona chủng mới, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cho biết: Nhiệm vụ của đơn vị là phải giải mã được vi rút gây bệnh Covid-19 là SARS-CoV-2 để có đầy đủ thông tin về nó. Từ đó mới so sánh xem giữa chủng ở Trung Quốc với chủng phát hiện ở Việt Nam có bị biến đổi gì không.

Có 9 mẫu bệnh phẩm dương tính được lựa chọn để làm xét nghiệm. Trong số này, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp và cảm quan, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 2 bệnh phẩm để nuôi cấy trên 2 mẫu tế bào được cung cấp bởi phòng thí nghiệm của Trường Đại học Nagasaki (Nhật Bản). Kết quả, sau 72 giờ nghiên cứu, phân lập, các nhà khoa học Việt Nam đã nhìn thấy hình hài con vi rút corona trong phòng thí nghiệm.

Việc nuôi cấy và phân lập thành công vi rút corona chủng mới trong phòng thí nghiệm là cơ sở quan trọng để bắt đầu rất nhiều bước nghiên cứu khác, như liệu pháp điều trị, phát triển sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và sản xuất vắc xin phòng bệnh.

Tuy nhiên, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cho biết, công trình mà tập thể cán bộ nữ của khoa đăng ký để nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 tập trung vào dịch bệnh cúm mùa. Mục tiêu của công trình là giảm nguy cơ, ảnh hưởng của dịch cúm nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới.

Vi rút cúm mùa là căn nguyên chính gây viêm đường hô hấp cấp và lưu hành quanh năm tại Việt Nam. Nhiều năm qua, Phòng Thí nghiệm cúm của Khoa Vi rút tập trung nghiên cứu tìm hiểu đặc điểm vi rút cúm, vật chủ (người, động vật) và các yếu tố môi trường tác động đến sự tiến hóa, sự nổi trội nguy hiểm của vi rút cúm, đặc biệt là khả năng lây truyền của vi rút cúm A từ động vật sang người. Phát triển và hoàn thiện các phương pháp giám sát, phát hiện nhanh các tác nhân vi rút gây nhiễm trùng nổi trội: Cúm mùa, cúm gia cầm với khả năng tiềm tàng lây nhiễm cho người hoặc gây đại dịch, từ đó cho phép đánh giá nguy cơ và xây dựng biện pháp ứng phó.

Theo đánh giá của Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, với các kết quả đã đạt được, các nhà khoa học nữ của Phòng Thí nghiệm cúm, Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đứng đầu là PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đã thành công trong việc kết nối, hệ thống những thành tựu nghiên cứu tại Việt Nam và phát triển lý thuyết khoa học, đi từ vi rút cúm tới chế phẩm vắc xin cúm mùa và vắc xin cho đại dịch cúm. Kết quả đó được ghi nhận trong 207 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế, trong đó 141 bài được đăng trên tạp chí quốc tế…

“Giải thưởng cao quý này với chúng tôi là sự tiếp nối những thành tích và truyền thống tốt đẹp mà 20 năm trước các thầy của chúng tôi đã đạt được. Đây là ghi nhận kết quả nghiêm túc của tập thể Phòng Thí nghiệm cúm những năm qua trong lĩnh vực y học dự phòng thường ít được xã hội quan tâm”, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai chia sẻ.

Phía sau những thành công

Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương là một trong những cơ sở khoa học đứng đầu cả nước trong lĩnh vực y học dự phòng. “Bệnh nhân” của họ không phải người bệnh, mà là những con vi rút ở kích thước siêu vi, ẩn chứa trong các mẫu bệnh phẩm. Đây là một công việc nguy hiểm vì chỉ cần một sơ sẩy nhỏ, các mẫu bệnh phẩm phát tán vi rút ra ngoài thì cán bộ xét nghiệm sẽ là người bị lây nhiễm đầu tiên.

Phòng Thí nghiệm cúm, Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hiện có 9 cán bộ nữ trên tổng số 12 cán bộ. Các chị đều có ít nhất 10 năm kinh nghiệm, được đào tạo về an toàn sinh học, rất thuần thục khi phân tích, đặc biệt đều đã trải qua cảm giác nguy hiểm khi nghiên cứu nhiều về cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, đại dịch cúm H1N1 năm 2009, vi rút MERS Cov năm 2012, dịch Ebola... Phụ nữ làm khoa học có những lợi thế như cẩn thận, tỉ mỉ, không nóng vội nhưng đây là công việc rất vất vả. Suốt ngày trong phòng thí nghiệm, đối diện với hiểm nguy, trong khi công việc với gia đình họ vẫn phải chu toàn.

Thời điểm Covid-19 bùng phát, cả Khoa Vi rút gần như không có ngày nghỉ, kể cả lễ, Tết. Mọi người phải thay nhau làm việc trong phòng “An toàn sinh học cấp 3”. Để làm việc trong căn phòng đặc biệt này, các nghiên cứu viên phải đạt những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt về sức khỏe. Áp lực không khí trong phòng luôn là áp lực âm. Khi bước chân vào đây, họ phải mặc đồ bảo hộ từ đầu đến chân, đeo thêm một lớp kính bảo hộ, thậm chí phải đeo 2 lớp găng tay, dùng khẩu trang N95 rất khó thở và phải thay phiên nhau để có thể hoàn thành công việc. “Những lúc như vậy, chúng tôi không được phép từ chối, làm việc bằng năng lực tối đa. Có những người có con nhỏ nhưng vẫn hết lòng vì công việc khiến chúng tôi rất trân trọng”, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cho biết.

Đằng sau sự trọn vẹn với công việc là những hy sinh thầm lặng về sở thích, niềm vui cá nhân của mỗi nữ cán bộ. Khó khăn chưa bao giờ hết, nhưng các chị chưa từng nghĩ đến hai từ “bỏ cuộc”. “Lựa chọn nghề này, chúng tôi xác định sẽ đối mặt nhiều nguy cơ nhưng với 21 năm gắn bó cùng phòng thí nghiệm, đến giờ bản thân tôi đã vượt qua những mối lo và xác định sẽ tiếp tục gắn bó với công việc”, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng bày tỏ.

Gửi một lời khuyên đến thế hệ trẻ theo đuổi con đường làm khoa học, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai nhắn nhủ: “Nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản ở Việt Nam không dễ, nhưng nếu đã theo đuổi thì mỗi người hãy dành tình yêu để gắn bó lâu dài với công việc”.

Chia vui với đồng nghiệp, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nói: “Các cán bộ nữ Phòng Thí nghiệm cúm đã vừa đảm đương chu toàn việc nhà, vừa hoàn thành xuất sắc công việc chuyên môn. Với việc được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019, họ là những hạt nhân nòng cốt truyền cảm hứng cho phụ nữ Việt Nam phấn đấu vươn lên, tự tin hội nhập để cống hiến hết mình cho Tổ quốc”.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/960379/nhung-hat-nhan-truyen-cam-hung