Những 'hạt sạn' trên truyền hình

Vụ việc chương trình truyền hình thực tế Cuộc đua kỳ thú 2019 trong thử thách ở tập 6 có những hành động ảnh hưởng đến dải san hô tại tỉnh Phú Yên, một lần nữa cho thấy sự cẩn trọng của nhà sản xuất và khâu kiểm duyệt khắt khe của nhà đài chưa bao giờ là thừa.

Hình ảnh gây phản ứng của Cuộc đua kỳ thú trong thử thách có ảnh hưởng đến môi trường biển

Hình ảnh gây phản ứng của Cuộc đua kỳ thú trong thử thách có ảnh hưởng đến môi trường biển

Lỗi sai không nên có

Trong tập phát sóng mới nhất của Cuộc đua kỳ thú có một thử thách đội chơi phải lặn xuống biển và tìm đến khu vực chương trình quy định để xem đề bài toán, sau đó lên bờ cát giải đề. Sự việc sẽ không có gì đáng nói nếu phần đề bài toán đó gồm khung sắt và những cục tạ bằng bê tông không được đặt lên khu vực dải san hô sống. Không ít ý kiến khán giả trên mạng xã hội cho rằng, sơ suất này không đáng và không nên có. Không chỉ trách đơn vị sản xuất, khán giả cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của phía đơn vị phát sóng bởi khâu kiểm duyệt chưa được thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ. “Một chương trình phát sóng trên truyền hình quốc gia mà lại sơ ý đến thế, có thể làm hại dải san hô”, một khán giả để lại bình luận trên fanpage.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên những hạt sạn không đáng có như vậy xuất hiện trên sóng truyền hình. Chương trình truyền hình ăn khách Nhanh như chớp cũng không ít lần bị khán giả phát hiện đưa ra câu hỏi và đáp án sai. Trước đó, chương trình Nữ hoàng quyến rũ từng bị khán giả phản ứng, bởi trong một thử thách yêu cầu thí sinh mặc bikini và có những động tác tạo dáng chụp hình có phần phản cảm trước ống kính. Chương trình Ngôi sao tình yêu cũng từng bị khán giả phản ứng khi có hình ảnh thí sinh ăn mặc hở hang trên sóng truyền hình. Một chương trình về hẹn hò đình đám là The Bachelor Vietnam (Anh chàng độc thân) cũng từng gây ra nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều khi có không ít chi tiết được cho là không phù hợp với văn hóa Việt. Mới đây nhất, chương trình Model Kid Vietnam (Người mẫu nhí Việt Nam) hiện đang lên sóng cũng liên tiếp là chủ đề bàn luận sôi nổi từ việc thí sinh trang điểm, ăn mặc như người lớn; hình phạt các giám khảo dành cho thí sinh hay những màn đấu khẩu của giám khảo khiến các em nhỏ phải bật khóc. Chương trình này hiện cũng đang vướng vào tranh cãi liên quan đến vấn đề bản quyền và trước mắt đang phải tạm ngưng phát sóng tập 3.

Không thể dễ dãi

Ngay sau sự việc nói trên, trên fanpage chính thức của chương trình, ban tổ chức đã gửi lời xin lỗi đến những khán giả yêu mến Cuộc đua kỳ thú và tỉnh biển Phú Yên, trong đó có đoạn viết: “Khi thực hiện tập 6, thử thách ban đầu đưa ra là thí sinh sẽ bơi qua các dải san hô thật đẹp, rồi đến dải đá và cát để xem đề bài và lên bãi cát thực hiện thử thách. Tuy nhiên, do tình hình thực tế mực nước thay đổi và nước biển bị đục nên để đảm bảo có thể mang đến những hình ảnh quay phim rõ nhất và để thí sinh quan sát dễ hơn, ê kíp chương trình đã mắc sai lầm khi dời vị trí để đề bài từ khu vực cát và đá dưới biển lên khu vực dải san hô. Chúng tôi hiểu việc làm đó là sai và xin gửi lời xin lỗi chân thành với khán giả và tỉnh Phú Yên, cũng như xin rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này để những chuyện như vậy sẽ không được phép xảy ra nữa”.

Ê kíp cũng khẳng định, khi làm việc với thí sinh ở các khu vực thiên nhiên có rừng núi, luôn nhắc nhở và ghi trong mật thư về vấn đề bảo vệ môi trường; đồng thời làm việc với những nhóm hoặc công ty chuyên ngành để thu dọn rác, bảo vệ môi trường sau mỗi chặng đua. “Biết lắng nghe, nhận lỗi và sửa sai thì khán giả vẫn sẽ luôn ủng hộ”, “Hoan nghênh tinh thần cầu thị của ban tổ chức chương trình, rất đáng quý”, “Mong ban tổ chức xem lại để các mùa sau không tiếp diễn nữa. Bảo vệ thiên nhiên, môi trường, các sinh vật biển vẫn là hàng đầu”… là những ý kiến của khán giả. Họ cũng mong muốn một chương trình phát sóng trên truyền hình quốc gia cần ê kíp thật sự chuyên nghiệp, có những am hiểu về biển để hiểu rõ những tác động đối với thiên nhiên, môi trường…

Đúng như chia sẻ của nhiều khán giả, với những hạt sạn của các chương trình truyền hình, trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị sản xuất. Nếu có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, làm việc chỉn chu và chuyên nghiệp, lường trước được hậu quả… những hình ảnh như thế sẽ không thể xuất hiện trên sóng truyền hình. Cũng cần đặt vai trò, trách nhiệm của các đài truyền hình. Nếu những nền tảng mở như YouTube, quy trình kiểm duyệt còn quá nhiều kẽ hở để các nội dung chưa thật sự chỉn chu, thiếu lành mạnh, có ảnh hưởng xấu đến khán giả… vẫn phát tán rộng rãi thì với các đài truyền hình, khâu kiểm duyệt nội dung càng cần được thực hiện chặt chẽ, nghiêm khắc hơn bao giờ hết.

Có sai phải nhận lỗi và sửa sai, đó là điều tất yếu. Khi quyền và trình độ thưởng thức của khán giả ngày càng cao, một điều tất yếu họ luôn đòi hỏi chất lượng của các chương trình phải được nâng lên mỗi ngày. Thực tế có không ít chương trình đã bị khán giả quay lưng, thậm chí tẩy chay chính bởi những lỗi sai như thế. Bài học đó luôn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự.

HẢI DUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-hat-san-tren-truyen-hinh-610409.html