Những hệ lụy của xuất cảnh trái phép

PTĐT - Những ngày qua, dư luận trong nước và thế giới đang xôn xao, bàng hoàng xót thương trước vụ việc 39 người chết trong container tại Essex (Anh). Thêm một lần nữa 'làn sóng' xuất cảnh trái phép, trở thành lao động 'chui', cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài thời gian qua trên phạm vi cả nước...

Kỳ 1:Cái giá của sự đánh đổi !!!

Người lao động trong tỉnh tìm kiếm cơ hội xuất khẩu lao động tại các sàn giao dịch việc làm.

Người lao động trong tỉnh tìm kiếm cơ hội xuất khẩu lao động tại các sàn giao dịch việc làm.

PTĐT - Những ngày qua, dư luận trong nước và thế giới đang xôn xao, bàng hoàng xót thương trước vụ việc 39 người chết trong container tại Essex (Anh). Thêm một lần nữa “làn sóng” xuất cảnh trái phép, trở thành lao động “chui”, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài thời gian qua trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hệ lụy khôn lường mà người lao động gặp phải trên hành trình xuất ngoại. Nhiều lao động đã phải trả giá đắt cho những chuyến đi “chui” với giấc mộng đổi đời ở miền đất hứa bên kia bờ ảo vọng.

Canh bạc số phận

Cách đây chục năm, anh Hoàng Đình Hà (sinh năm 1991) ở khu Xuân Hương, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập nghe theo lời người quen bỏ việc làm thuê ở Hà Nội mức lương 300 nghìn đồng/tháng để sang Trung Quốc lao động với mức lương cao gấp hàng chục lần. Thời điểm đó, xã Lương Sơn rộ lên phong trào đi lao động “chui” ở Trung Quốc với khoảng 600 người. 7 năm lao động “chui” ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đối với anh Hà là quãng thời gian sống cơ cực, nơm nớp lo sợ về những rủi ro có thể ập đến bất kỳ lúc nào. Anh Hà chia sẻ: “Thấy mọi người đi thì mình cũng đi thôi chứ chẳng biết người ta dẫn mình đi đâu, giao cho ai vì không biết tiếng. Thế nên tôi đánh liều một phen và xác định là “được ăn cả, ngã về không”. Sang đó, tôi làm thuê cho xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em mỗi ngày làm việc 16 giờ không có ngày nghỉ và được trả 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do thường xuyên bị chủ nợ lương nên tôi cũng không nhớ nổi đã bao lần phải thay đổi nơi làm việc. Hơn nữa, vì là lao động trái phép, không có giấy tờ gì nên mỗi khi bị cảnh sát Trung Quốc phát hiện, nhốt vào Trại tỵ nạn rồi trục xuất về nước. Nhưng do về quê không biết làm gì nên tôi lại tìm cách sang, cứ thế trong 7 năm là 4-5 lần vượt biên”. Giờ đây, anh Hà đã bỏ dở giấc mơ đổi đời vì nhận ra quá nhiều nguy cơ để tập trung chăn nuôi phát triển kinh tế nơi quê nhà.
Trong quá trình tiếp xúc với các gia đình có con em xuất cảnh trái phép, lao động “chui” ở Trung Quốc, chúng tôi đã chứng kiến không ít cảnh “đầu bạc tiễn đầu xanh” đẫm nước mắt. Giữa năm 2017, người thân của Đặng Mạnh H, sinh năm 2000, ở khu 12, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao xót xa biết tin em tử nạn ở Trung Quốc. Theo lời rủ của nhóm bạn, đầu năm 2017, H xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc mà gia đình không hay biết. Sau khi sang được hơn 1 tháng em mới gọi điện về báo cho bố mẹ yên tâm sẽ tìm việc làm ăn và gửi tiền về, thế nhưng vì gây gổ đánh nhau mà đã phải mất mạng nơi biên giới. Còn trường hợp của em Phạm Ngọc A, sinh năm 2000, ở xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng thì sang Trung Quốc hành nghề mại dâm và cũng bị đánh chết…Qua tìm hiểu của chúng tôi, những người lao động “chui” ở nước ngoài luôn phải sống trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi. Gần 10 năm đi Thái Lan lao động trái phép bằng visa du lịch, vợ chồng anh Nguyễn Văn Phương ở khu 4, xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn đã có không ít lần bị lực lượng tầm luật (công an) thành phố Udon Thani, Thái Lan xử phạt và trục xuất về nước, nhưng đến nay vẫn cố bám trụ làm ăn trái phép bên nước bạn. Vợ chồng anh làm đủ nghề từ bán thịt khô, gói giò, mổ gà đến bán thịt lợn… để có tiền gửi về quê nuôi con ăn học. Anh Phương thở dài: “Lúc nào chúng tôi cũng ở trong tâm trạng nơm nớp lo lắng bị tầm luật “hỏi thăm”. Có tháng họ đến vài lần, tùy mức độ kinh doanh lớn nhỏ mà chi “lót tay” để được yên ổn làm ăn. Cuộc sống chui lủi cực nhục lắm vì mình là lao động bất hợp pháp nên phải phiền lụy họ, có thể nay còn ở đây mai đã bị tống về nước”. Rủi ro mất việc làm, trục xuất về nước như vợ chồng anh Phương là tình trạng phổ biến của lao động “chui” trên đất nước Thái Lan hiện nay.

Anh Hoàng Đình Hà (bên trái) ở khu Xuân Hương, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập kể về chặng đường lao động, sống chui lủi suốt 7 năm tại Trung Quốc.

Anh Hoàng Đình Hà (bên trái) ở khu Xuân Hương, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập kể về chặng đường lao động, sống chui lủi suốt 7 năm tại Trung Quốc.

“Góc khuất” trên thị trường xuất khẩu lao độngNhững năm gần đây, nhu cầu về lao động phổ thông của nhiều quốc gia tăng cao, vì vậy lao động Việt Nam nói chung trong đó có tỉnh Phú Thọ đã mở hướng đi xuất khẩu lao động. Ước tính từ năm 2013 đến hết năm 2018, toàn tỉnh có gần 16.500 trường hợp đi xuất khẩu lao động ở trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Lượng kiều hối mỗi năm người lao động ở nước ngoài gửi về từ 20-30 triệu USD, song, vì nhiều nguyên nhân, vẫn có nhiều lao động xuất cảnh trái phép để làm “chui” ở nước ngoài. Tại thị trường Trung Quốc, Thái Lan, số lao động “chui” đã giảm nhiều so với vài năm trước, nhưng hiện vẫn còn khoảng 500 lao động, trong đó khoảng 80% lao động ở Trung Quốc. Các địa phương có đông lao động “chui” ở Trung Quốc như: Yên Lập 132 người, Hạ Hòa 98 người, Tân Sơn 77 người, Đoan Hùng 32 người… Công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc chủ yếu thông qua giới thiệu, hướng dẫn của người thân, hàng xóm, bạn bè đã xuất cảnh trước đó và qua các đối tượng môi giới trên mạng xã hội. Để tránh sự quản lý của chính quyền địa phương và lực lượng công an, số công dân này thường liên hệ bằng điện thoại, qua mạng Facebook hẹn gặp nhau tại khu vực biên giới rồi được môi giới đưa đi qua đường tiểu ngạch, không làm các thủ tục xuất nhập cảnh, không qua cửa khẩu theo quy định. Vì vậy, người lao động dễ bị xâm hại như quỵt tiền công, đẩy về nước theo các lối mòn hay khi xảy ra tai nạn lao động không được bảo vệ quyền lợi, bồi thường thiệt hại. Chi phí đi Trung Quốc thấp, thủ tục gọn nhẹ, thu nhập cao hơn so với ở quê nhà, thường từ 5-8 triệu đồng/tháng. Công việc chính là làm ở trang trại, xưởng may, làm đồ chơi trẻ em, lắp ráp điện tử tại xưởng tư nhân, khai khoáng… thuộc hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Đến nay, chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số người đi Thái Lan lao động bất hợp pháp bằng visa du lịch. Chỉ tính riêng xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn - nơi từng có đông người đi Thái Lan nhất tỉnh những ngày này câu chuyện về lao động đi “du lịch” vẫn nóng. Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn xã có hơn 100 người đang làm việc tại Thái Lan, tất cả đều đi theo con đường du lịch. Đồng chí Nguyễn Hồng Thao - Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: “Năm 2014 là năm cao điểm với hơn 200 lao động rủ nhau sang Thái Lan làm việc bất hợp pháp. Theo quy định, đi du lịch trong thời hạn 3 tháng nên những người này cứ đi vài tháng rồi về thăm nhà sau đó lại sang nên rất khó theo dõi, quản lý. Mặc dù làm việc ở Thái Lan lương thấp hơn nhiều so với thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng người dân lựa chọn đi Thái Lan vì chi phí thấp, thủ tục lại đơn giản, không mất thời gian chờ đợi”. Được biết lao động đi Thái Lan chủ yếu ở độ tuổi từ 30-40, hầu hết là lao động phổ thông ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi gặp nhiều khó khăn về lao động, việc làm. Mục đích đi lao động tại Thái Lan là để có thêm thu nhập những lúc rảnh rỗi, nông nhàn. Lao động tỉnh ta nhập cảnh vào Thái Lan theo diện miễn thị thực áp dụng cho khách du lịch. Họ làm việc chủ yếu ở khu vực gần cửa khẩu Lào và Thái Lan, một số đi sâu vào các tỉnh miền Nam Thái Lan để tìm việc làm. Công việc chính là giúp việc gia đình, làm thuê tại nhà hàng, bán hàng rong ở các địa điểm du lịch… với mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng. Hiện, chưa có thống kê đầy đủ về số người sang Thái Lan lao động trái phép nhưng chắc chắn một điều, dù làm việc gì không theo đường “chính ngạch” trên đất khách, người lao động cũng có thể gặp rủi ro bất cứ lúc nào mà không được chính quyền can thiệp, hỗ trợ.Ngoài lao động “chui” ở Trung Quốc, làm việc trái phép tại Thái Lan, hiện toàn tỉnh còn trên 300 người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong tổng số hơn 1.000 lao động làm việc tại quốc gia này (chiếm 27,5%) và hơn 40 lao động ở Nhật Bản tuy đã hết hạn hợp đồng nhưng không về nước. Tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Nhật Bản diễn ra từ nhiều năm nay bởi đây là hai thị trường mang lại nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với các thị trường khác. Khi người lao động phá hợp đồng hoặc trốn ra ngoài làm tự do có thể thu nhập sẽ cao hơn so với làm trong công ty, doanh nghiệp bởi họ có cơ hội tìm công việc làm thêm giờ. Song, lương cao cũng đồng nghĩa với nhiều rủi ro ập đến bất cứ lúc nào. Họ có thể bị công an bắt giữ ngay tại nơi làm việc hoặc trên đường đi làm, đi chơi. Có nhiều chủ sử dụng lao động bất hợp pháp thanh toán tiền lương chậm nên người lao động dễ mất hết tài sản nếu bị bắt đành ngậm ngùi trở về quê tay trắng, nhiều quyền lợi của người lao động bị chủ xem nhẹ. Không chỉ dừng lại ở những vấn đề về việc làm hay thu nhập, những rủi ro khi đi lao động trái phép, cư trú bất hợp pháp còn xảy ra với muôn hình vạn trạng: Người vướng vòng lao lý, người rủi ro về tài chính, thậm chí có người còn mất cả mạng sống của mình. Rủi ro cứ xảy ra, nhưng dòng người thì vẫn cứ ra đi với những giấc mơ đổi đời mà chưa bao giờ họ chịu nhận ra quyết định hiếu thận trọng, sai lầm của mình sẽ trực tiếp phát sinh hệ lụy, rủi ro nơi đất khách.Kỳ 2: Cần nhiều giải pháp căn cơ

Hồng Nhung - Huy Thắng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/201911/nhung-he-luy-cua-xuat-canh-trai-phep-167585