Những hệ lụy đang xảy ra với quốc gia khai thác tiền điện tử lớn thứ hai thế giới

Nga đã trở thành quốc gia khai thác tiền điện tử lớn thứ 2 trên thế giới, tuy nhiên các hoạt động khai thác đang kéo theo nhiều hệ lụy cho quốc gia này…

Các hoạt động khai thác tiền điện tử trái phép đang nở rộ tại Nga - Ảnh minh họa.

Các hoạt động khai thác tiền điện tử trái phép đang nở rộ tại Nga - Ảnh minh họa.

Nga, các công ty khai thác tiền điện tử đang hoạt động mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Quốc gia này cũng đã trở thành nơi khai thác tiền điện tử đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Mỹ.

Gần đây, Cộng hòa Dagestan của Nga đã kêu gọi các biện pháp cứng rắn hơn đối với những người khai thác tiền điện tử bất hợp pháp hay còn gọi là hoạt động “khai thác xám”. Những công ty khai thác tiền điện tử này thiết lập ở những khu vực có mức giá năng lượng thấp và tận dụng cơ sở hạ tầng năng lượng dành cho mạng lưới trong nước. Chưa dừng lại ở đó, các hoạt động khai thác đã gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng và tìm cách trốn tránh luật pháp bằng cách xây dựng các cơ sở khai thác bên dưới lòng đất.

Vào tháng 7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng mất điện nếu Chính phủ không kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác tiền điện tử. Ông Putin chia sẻ: “Chúng ta cần phải đưa ra những quyết định đúng đắn và kịp thời, đặc biệt là những quyết định mang tính hệ thống ở cấp độ luật liên bang. Tôi đã đưa ra chỉ thị để quản lý việc khai thác tiền kỹ thuật số ở Nga, bao gồm cả các vấn đề về thuế”.

Tiền điện tử thường được người Nga đang sinh sống ở nước ngoài sử dụng để vượt qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm ngăn cản họ tiếp cận các dịch vụ ngân hàng thông thường. Bên cạnh đó, tiền điện tử cũng được dùng để tài trợ cho quân đội Nga.

Các doanh nghiệp và khu dân cư mới sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện nếu các trang trại khai thác tiền điện tử tiếp quản toàn bộ công suất năng lượng và các dự án đầu tư sẽ bị tạm dừng, theo hãng tin Ria.

Hoạt động khai thác tiền điện tử cực kỳ tiêu tốn năng lượng, gây ra thách thức về cung cấp điện không chỉ ở Nga mà còn diễn ra ở Mỹ. Mức tiêu thụ năng lượng của tất cả các tài sản tiền điện tử cộng lại nằm trong khoảng từ 0,4% đến 0,9% mức sử dụng điện toàn cầu hàng năm, tương đương 120 đến 240 tỷ kilowatt giờ mỗi năm. Công ty năng lượng Just Energy của Canada đã báo cáo rằng đó là nhiều năng lượng hơn mức mà các trung tâm dữ liệu trên thế giới sử dụng cộng lại. Hơn 2% năng lượng của Mỹ hiện dành cho việc khai thác tiền điện tử.

Những người khai thác tiền kỹ thuật số đã bị giám sát chặt chẽ trên toàn thế giới trong những năm gần đây vì các máy đào cần năng lượng lớn để giải các câu đố phức tạp liên quan đến phần cứng chuyên dụng hoạt động suốt ngày đêm và ngốn điện.

Thủ tướng Dagestan, ông Abdulmuslim Abdulmuslimov nói thêm rằng chính quyền cần chú ý hơn đến việc khai thác tiền điện tử bất hợp pháp sau vụ cháy trạm biến áp ở thủ đô do mức tiêu thụ tăng đột biến do các công ty khai thác tiền điện tử gây ra.

Abdulmuslimov cho biết: “Các chủ sở hữu cơ sở khai thác tiền điện tử bất hợp pháp đang nghĩ ra các phương pháp mới để ‘lách luật’ – họ cài đặt các trang trại khai thác dưới lòng đất”. Chính phủ Dagestan đã công bố đoạn phim cho thấy các nhà điều tra đang kiểm tra cơ sở khai thác tiền điện tử trong một hang động ngầm tạm thời với hàng chục quạt để làm mát máy tính.

Theo các nguồn truyền thông địa phương, Bộ Năng lượng Nga đang tìm cách đưa ra các quy định mới cho phép họ cắt nguồn cung cấp điện của quốc gia cho những người khai thác tiền điện tử bất cứ khi nào họ muốn.
Cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ Năng lượng, Evgeny Grabchak, cho biết Bộ đang tìm cách tạo ra một danh mục người tiêu dùng mới hoàn toàn.

Tin tức này được đưa ra khi Nga đang tìm cách hợp pháp hóa tiền điện tử, bao gồm việc hợp pháp hóa hoạt động khai thác tiền điện tử để nỗ lực nhằm hạn chế các biện pháp trừng phạt và ngăn chặn tình trạng mất điện do các cơ sở khai thác bất hợp pháp gây ra.

Vào tháng 7 năm 2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: “Sự tăng trưởng không kiểm soát được trong mức tiêu thụ điện để khai thác tiền điện tử có thể dẫn đến thiếu điện ở một số khu vực nhất định. Và điều này đã được ghi nhận ở vùng Irkutsk, Buryatia, Hồ Baikal, trở thành những điểm nóng khai thác tiền điện tử bất hợp pháp.”

Cuối cùng, chính phủ Nga đang xem xét cấm khai thác tiền điện tử ở một số khu vực nhất định của Nga, nơi cơ sở hạ tầng không thể đáp ứng được sự mở rộng nhanh chóng của các cơ sở khai thác và dự kiến sẽ được ban hành vào đầu tháng 11.

Quỳnh Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhung-he-luy-dang-xay-ra-voi-quoc-gia-khai-thac-tien-dien-tu-lon-thu-hai-the-gioi.htm