Những hệ thống vũ khí Mỹ gửi cho Ukraine trong viện trợ mới nhất có gì đặc biệt?
Trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 21/12, Tổng thống Joe Biden đã công bố đợt viện trợ quân sự mới trị giá 1,8 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm cả tên lửa đất đối không Patriot.
Gói viện trợ 1,8 tỷ USD bao gồm khoảng 1 tỷ USD vũ khí từ các kho của Lầu Năm Góc và 800 triệu USD tài trợ thông qua Sáng kiến Viện trợ An ninh Ukraine dưới hình thức cung cấp đạn dược, đào tạo và các hỗ trợ khác.
Theo AP, đợt viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự mới nhất này của Mỹ dành cho Ukraine sẽ mở rộng khả năng của quân đội Ukraine và giúp Kiev tiếp tục thực hiện các cuộc phản công nhằm đẩy lùi lực lượng Nga.
Động thái này cũng cho phép Tổng thống Biden thực hiện cam kết của mình đối với một trong những yêu cầu cấp bách nhất của Tổng thống Zelensky, đó là cung cấp hệ thống phòng không Patriot.
Ngoài khoản viện trợ được công bố hôm 21/12, Quốc hội Mỹ sẵn sàng phê duyệt thêm 45 tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine. Khoản tiền này là một phần trong dự luật viện trợ khổng lồ của chính phủ Mỹ nhằm hỗ trợ Ukraine không chỉ trong năm 2023 mà trong một số trường hợp tới năm 2025.
Dưới đây là một số hệ thống Mỹ cung cấp cho Ukraine trong gói viện trợ mới nhất.
Hệ thống phòng không Patriot
Trong nhiều tháng, Tổng thống Zelensky và các quan chức Ukraine khác đã đề nghị Mỹ cung cấp hệ thống tên lửa dẫn đường đất đối không Patriot để có thể đánh chặn tên lửa của Nga.
Giới chức Mỹ hôm 21/12 cho biết họ sẽ lấy một hệ thống Patriot từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc và gửi tới Ukraine, đánh dấu một sự thay đổi trong tính toán của Washington. Họ đã thảo luận chi tiết về quyết định chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine, song không tiết lộ công khai với lý do lo ngại về vấn đề an ninh.
Trước đó, Mỹ vẫn đắn đo về việc cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine do lo ngại động thái này có nguy cơ leo thang căng thẳng trên chiến trường, khi nhiều khả năng đón nhận phản ứng đáp trả mới của Nga. Bộ Ngoại giao Nga đã nói rõ rằng việc cung cấp Patriot cho Ukraine sẽ là “một động thái khiêu khích khác của Mỹ”, điều có thể thúc đẩy một phản ứng từ Moscow.
Ngoài ra, một lý do khiến Mỹ chần chừ trước quyết định này là liệu Ukraine có thể vận hành tốt hệ thống Patriot nếu không có lính Mỹ hỗ trợ tại chiến trường hay không.
Quân đội Mỹ sẽ phải huấn luyện lực lượng Ukraine cách sử dụng và bảo trì hệ thống này. Một quan chức quốc phòng cấp cao nói rằng khóa huấn luyện sẽ bắt đầu sớm và sẽ kéo dài vài tháng. Theo các quan chức Mỹ, chương trình hướng dẫn sẽ diễn ra tại khu vực huấn luyện Grafenwoehr ở Đức.
Tính tới nay, hệ thống tên lửa đất đối không Patriot được xem là tên lửa tiên tiến nhất mà phương Tây gửi tới Ukraine. Một hệ thống Patriot gắn trên xe tải sẽ gồm tối đa 8 bệ phóng, mỗi bệ phóng có thể chứa 4 tên lửa. Patriot là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng với tầm bắn xa nhất từ 70-160km, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết với trần bay của mục tiêu lên đến 24km.
Tuy nhiên, Patriot cũng có một số hạn chế và các quan chức Mỹ thừa nhận chỉ riêng hệ thống này sẽ không thể thay đổi cục diện cuộc xung đột ở Ukraine. Hệ thống Patriot có tầm bắn xa nhưng chỉ có thể bao phủ một khu vực hạn chế. Tên lửa đánh chặn hiện tại của Patriot có giá khoảng 4 triệu USD mỗi quả và các bệ phóng có giá khoảng 10 triệu USD.
Với mức giá đó, việc sử dụng Patriot để bắn hạ các máy bay không người lái hoặc tên lửa đạn đạo nhỏ hơn mà Nga đang sử dụng ở Ukraine là không hiệu quả hoặc tối ưu về mặt chi phí.
Quan chức quốc phòng cấp cao cho biết hệ thống Patriot sẽ bổ sung cho các hệ thống phòng không khác của Ukraine và sẽ được tích hợp vào hệ thống phòng thủ nhiều lớp của đất nước này.
Hệ thống vệ tinh liên lạc
Các quan chức Hoa Kỳ chưa đưa ra thông tin chính thức về việc mua hệ thống liên lạc vệ tinh thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), tổ chức cung cấp kinh phí mua vũ khí và thiết bị từ các nhà cung cấp thương mại.
Hôm 21/12, vị quan chức quốc phòng cấp cao cho biết một phần trong số tiền viện trợ 850 triệu USD thông qua USAI sẽ được sử dụng cho các hợp đồng nhằm tăng cường năng lực hiện có của Ukraine. Quan chức này nói rằng do các cuộc đàm phán hợp đồng đang diễn ra, Lầu Năm Góc chỉ có thể tiết lộ rằng họ đang thảo luận với một số nhà cung cấp hệ thống vệ tinh liên lạc.
Tuy nhiên, các quan chức khác của Mỹ thừa nhận rằng động thái này có thể sẽ khiến Ukraine dễ bị tổn thương sau khi người sáng lập SpaceX, Elon Musk, cho biết công ty của ông không còn khả năng cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh Starlink miễn phí.
Tỷ phú Elon Musk đã đưa các thiết bị đầu cuối cung cấp Internet từ vệ tinh Starlink đầu tiên tới Ukraine chỉ vài ngày sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở nước láng giềng hồi cuối tháng 2. Tính đến tháng 10, đã có hơn 2.200 hệ thống vệ tinh Starlink có quỹ đạo thấp cung cấp Internet băng thông rộng cho Ukraine.
Trước đó, ông Musk từng phàn nàn về việc gặp khó khăn trong việc gánh vác chi phí duy trì hoạt động của dịch vụ Internet vệ tinh của quân đội Ukraine, đồng thời kêu gọi Lầu Năm Góc chi trả một phần chi phí.
John Ferrari, một thành viên cấp cao và chuyên gia về không gian tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết, các thiết bị đầu cuối và kết nối vệ tinh họ đã cung cấp cho Ukraine “là yếu tố thay đổi cuộc chơi” trong việc cho phép quân đội và cơ sở hạ tầng của Ukraine tiếp tục hoạt động.
Mặc dù thông báo viện trợ chưa nói rõ về hệ thống vệ tinh liên lạc cũng như không đề cập đến Starlink, chuyên gia Ferrari cho biết sẽ khó đưa hệ thống thiết bị đầu cuối vệ tinh của các công ty khác vào chiến trường ở Ukraine vì chúng thường không hoạt động tốt khi kết hợp với nhau.
Bom tấn công trực diện phối hợp
Bom tấn công trực diện phối hợp (Joint Direct Attack Munition – JDAM) cũng là loại vũ khí lần đầu tiên Lầu Năm Góc cung cấp cho Ukraine.
Về cơ bản, JDAM là những quả bom “ngu ngốc” rơi tự do nặng từ 226kg đến hơn 900kg đã được sửa đổi thành bom “thông minh” bằng cách gắn đuôi và bộ điều hướng. Bộ thiết bị này có tác dụng làm tăng độ chính xác cho bom và có thể sử dụng được trong mọi điều kiện địa hình cũng như thời tiết.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết JDAM “sẽ cung cấp cho Không quân Ukraine khả năng tấn công chính xác nâng cao chống lại các lực lượng Nga”.
Các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay không người lái của Mỹ đều có thể ném JDAM, nhưng các quan chức từ chối nêu ra những sửa đổi được thực hiện để máy bay Ukraine có thể ném bom.
Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, cho biết một yếu tố khác về JDAM là Mỹ sở hữu nhiều loại vũ khí này, vì vậy việc cung cấp chúng không liên quan đến áp lực lấy từ kho dự trữ giống như đối với các loại đạn hạn chế khác.
Tuy nhiên, loại bom thông minh này cũng có một nhược điểm, đó là chúng thường được thả khi máy bay bay qua hoặc tới gần mục tiêu. Điều này sẽ gây rủi ro cho các phi công Ukraine vì có thể đưa họ vào tầm ngắm của các hệ thống phòng không Nga./.