Những hi sinh thầm lặng

ĐBP - Ở những bản cheo leo đỉnh núi hay nơi biên cương xa xôi… có những thầy, cô giáo miệt mài, âm thầm 'cõng chữ' lên non, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp 'trồng người'. Dẫu rằng, cuộc sống còn nhọc nhằn, gian khó nhưng họ sẵn sàng hi sinh, kiên cường bám trường, bám lớp, ươm mầm tri thức, thắp sáng tương lai cho nhiều thế hệ học trò vùng khó.

Ân cần chăm sóc trẻ là nhiệm vụ thường xuyên của các thầy, cô giáo. Trong ảnh: Cô Lê Thị Thu Thủy, Trường Mầm non Bình Minh, xã Chiềng Đông (huyện Tuần Giáo) trò chuyện thân thiết với trẻ. Ảnh tư liệu

Miệt mài “cõng chữ”

Trước khi về bản Huổi Khon 1, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) tôi được cán bộ xã dặn: “Đường vào bản mùa này khó đi lắm!. Mấy hôm nay lại mưa lớn nên sẽ còn khó khăn hơn”. Quả không sai, quãng đường chưa tới 12km, nhưng tôi phải vật lộn hơn 1 giờ đồng hồ mới đến nơi.

Xuất hiện trước mắt là cô Vi Thị Hiệp (giáo viên cắm bản), quần xắn tới gối, đôi dép tổ ong lấm len bùn đất. Cô Hiệp bảo: Tranh thủ giờ hoạt động góc của trẻ, các cô xuống chuẩn bị bữa trưa cho học sinh. Cô Hiệp trải lòng: “Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Mẫu giáo Trung ương, tôi tình nguyện lên vùng cao Mường Nhé và được phân công về Trường Mầm non Nậm Kè. Ngày ấy, mới hơn 20 tuổi. Nhiệt huyết đến với học trò vùng cao không như tưởng tượng; lớp học tạm bợ, đường sá khó khăn; những hôm trời mưa phải cuốc bộ 12km mới đến được điểm bản. Bản không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại... mọi thứ đều khó nhọc, gian truân. Việc vận động học sinh ra lớp gặp muôn vàn khó khăn; bởi thế, tôi đến vận động một lần không được, thì hai, ba lần; kiên nhẫn thuyết phục đến khi nào phụ huynh hiểu mà cho trẻ tới lớp. Nhiều khi vượt suối, băng rừng, chân tay xước xát ứa máu, vừa đi vừa khóc vì vất vả mà tới nơi bà con vẫn “cửa đóng, then cài”. Thậm chí nhiều phụ huynh vô tư bảo: “Con tôi nó còn bé tí, cho ở nhà thôi chứ học hành cái gì?

Qua rồi thời gian truân, cực nhọc, sau 10 năm gắn bó với nghề, bằng sự tận tâm, tận hiến vì sự nghiệp “trồng người” nơi rẻo cao Mường Nhé, có lẽ “tài sản” lớn nhất mà cô giáo Vi Thị Hiệp có được không chỉ là những tấm bằng khen, giấy khen, danh hiệu giáo viên dạy giỏi mà hơn thế nữa đó còn là sự trưởng thành của lớp lớp những “mầm xanh” tương lai nơi rẻo cao Huổi Khon heo hút gió ngàn.

Về thăm Trường Mầm non Bình Minh, xã Chiềng Đông (huyện Tuần Giáo); ở đó có cô Lê Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng nhà trường vẫn đang hăng say tiếp lửa cho nhiều thế hệ học trò vùng cao. Cô Lê Thị Thu Thủy giãi bày: Hồi đó (năm 2006), tốt nghiệp ra trường, sau 3 năm công tác tại Trường Mầm non thị trấn, năm 2009 tôi được chuyển công tác về Trường Mầm non Nà Sáy (xã Nà Sáy), giữ cương vị phó hiệu trưởng. Linh kỉnh đồ đạc về nơi công tác mới, tôi lặng người vì khung cảnh sơ sài, trường lớp tạm bợ bằng tranh, tre, nứa lá, nơi ăn, chốn ở của giáo viên không có… Nhận biết những khó khăn, thiếu thốn, để vực dậy sự học nơi vùng cao Nà Sáy, cô Thủy đã cùng tập thể sư phạm nhà trường lặn lội xuống từng bản, từng hộ vận động phụ huynh “ai có gì góp nấy” để xây dựng, kiên cố hóa lại trường lớp; tuyên truyền, thuyết phục đưa học trò ra lớp. Cô Thủy xúc động nói: “Có những lúc lưng cõng một em, tay dắt một em, bấm mũi chân trần trên con đường lầy lội, trơn nhầy, đưa các em đến lớp”. Qua rồi năm tháng, cùng với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, hệ thống cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, chất lượng giáo dục của Trường cũng từng bước được nâng lên. Đến năm học 2014 - 2015, Trường Mầm non Nà Sáy được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I.

Tháng 3/2016, cô Thủy lại rời Nà Sáy về đảm nhiệm công tác tại Trường Mầm non Bình Minh (xã Chiềng Đông) với cương vị hiệu trưởng. Cô Thủy luôn gương mẫu, yêu nghề, có trách nhiệm, hết lòng vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp “trồng người”. Cô chia sẻ: tôi luôn chọn giải pháp mềm dẻo, phù hợp với từng công việc, huy động tối đa sự sáng tạo của tập thể, đồng nghiệp, lấy học sinh làm trung tâm. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, chuyên môn, viết sáng kiến kinh nghiệm… tạo động lực để đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh góp phần nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả trong công tác giảng dạy. Nhờ đó, tỉ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 100%; tỉ lệ chuyên cần đạt 95% trở lên; 1 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 7 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I.

Tiên phong chống dịch Covid-19

Hai năm trở lại đây, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không quản khó khăn, hiểm nguy, nhiều giáo viên trên địa bàn tỉnh đã hăng hái lên đường vào tâm dịch, cùng lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Giữa muôn trùng gian lao, những việc làm bình dị mà cao đẹp của các thầy, cô thật đáng để mọi người nể phục và trân trọng. Tạm xa bảng phấn, học trò, những ngày nghỉ hè, thay vì ở nhà, cô Mào Thị Hợi lại chọn cách tham gia vào tuyến đầu để chống dịch Covid-19. Tất tả với công việc bếp núc, “tay dao, tay thớt” chuẩn bị các suất ăn cho cả người cách ly và lực lượng làm nhiệm vụ. Cô Hợi chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ tại khu cách ly, tôi và các cô giáo luôn cố gắng hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đem lại những bữa cơm ngon, canh ngọt, đảm bảo chất dinh dưỡng cho người cách ly, nâng cao sức khỏe để đẩy lùi dịch bệnh”.

Thầy Trần Hoàng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Mường Nhé chia sẻ: “Thực hiện công tác phòng dịch, nhà trường đã triển khai đồng thời nhiều biện pháp, chú trọng vệ sinh trường, lớp. Bên cạnh đó, nhà trường huy động cán bộ, giáo viên tập trung tổng vệ sinh trường lớp, chuẩn bị, bố trí đầy đủ nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn; thực hiện tốt thông điệp “5K”, cài đặt ứng dụng Bluezone và ứng dụng “An toàn Covid-19” trong trường học, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho cho sinh”.

Thầy Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo chia sẻ: Trong đợt dịch vừa qua, ngành GD&ĐT huyện Tuần Giáo đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên các cấp học chung tay cùng lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 với nhiều việc làm ý nghĩa: Nấu ăn, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm... Phòng cũng chỉ đạo các trường quán triệt đến giáo viên phải tuyệt đối đảm bảo an toàn, đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, rửa tay khử khuẩn thường xuyên và đặc biệt là phải giữ khoảng cách theo quy định. Từ đó, góp phần nhân lên hình ảnh đẹp về người giáo viên Nhân dân không chỉ kiên cường trên mặt trận giáo dục mà còn góp phần chung tay phòng chống dịch.

Sầm Phúc

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/192095/nhung-hi-sinh-tham-lang-