Những hiểm họa của đèn laser sân khấu với đôi mắt

Hiện nay, đèn laser sân khấu ngày càng trở nên phổ biến trong các sự kiện giải trí do tạo hiệu ứng ánh sáng độc đáo. Song nếu tiếp xúc trực tiếp, quá lâu với loại ánh sáng này có thể gây ra những tổn thương, đặc biệt là thị lực.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đèn laser được sử dụng rất phổ biến

Laser là viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation", nghĩa là khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích. Đây là một công nghệ tạo ra ánh sáng có các đặc tính đặc biệt, khác biệt với ánh sáng thông thường, ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực giải trí.

Laser hoạt động dựa trên hiện tượng phát xạ kích thích. Trong đó, một môi trường hoạt chất (như khí, chất lỏng, hoặc chất rắn) được kích thích bằng năng lượng bên ngoài (như dòng điện hoặc ánh sáng). Các nguyên tử hoặc phân tử trong môi trường này phát ra photon (hạt ánh sáng) đồng bộ khi chúng quay về trạng thái năng lượng thấp hơn. Quá trình này tạo ra một chùm ánh sáng khuếch đại với đặc tính đồng bộ và định hướng. Khác với ánh sáng thông thường có nhiều bước sóng và lan tỏa mọi hướng, ánh sáng laser có bước sóng cụ thể, tập trung thành chùm tia hẹp và cường độ cao ở khoảng cách xa.

Laser có mặt trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống và khoa học nhờ vào tính chất độc đáo như cường độ cao, tính định hướng và đơn sắc. Trong y học, laser được sử dụng để thực hiện các phẫu thuật chính xác như LASIK (điều trị cận thị), cắt bỏ mô hoặc trị liệu da. Trong công nghiệp, laser là công cụ hiệu quả cho việc cắt, hàn và khắc vật liệu với độ chính xác cao. Trong khoa học, laser hỗ trợ nghiên cứu vật lý, quang phổ học, và đo khoảng cách chính xác trong viễn thám.

Đối với lĩnh vực giải trí, ánh sáng laser tạo ra các hiệu ứng sân khấu ấn tượng và trình chiếu 3D. Trong quân sự, laser được dùng để dẫn đường, đo mục tiêu và phát triển vũ khí hiện đại. Ngoài ra, laser còn hiện diện trong đời sống hàng ngày, từ máy đọc mã vạch, đầu đĩa CD/DVD đến bút laser...

Những hiểm họa khi dùng laser

Mặc dù laser được sử dụng phổ biến do mang lại nhiều lợi ích, song việc sử dụng không đúng cách có thể gây ra những hiểm họa nghiêm trọng như: tổn thương mắt, bỏng da, cháy nổ, và các nguy cơ mất an toàn khác cho phi công, tài xế và những người có thể bị phân tâm hoặc tạm thời không nhìn thấy.

Theo các bác sĩ, đèn laser có công suất ra từ 5 mW - 500 mW và đèn có công suất cao trên 500 mW gây nguy hiểm cho cơ thể con người, đặc biệt là các vùng nhạy cảm như da và mắt. Laser có màu xanh lá cây, đỏ và vàng được tạo ra ở các bước sóng khác nhau.

Hội Nhãn khoa Poona (POS) từng cảnh báo rằng đèn laser có công suất lớn hơn 5 mW có thể gây tổn thương võng mạc nghiêm trọng, dẫn đến nhạy cảm với ánh sáng, mờ mắt và chảy nước mắt. Trong một số trường hợp, tiếp xúc với tia laser mạnh có thể gây mù lòa vĩnh viễn. Hay theo Học viện Nhãn khoa Mỹ, đèn laser công suất lớn hơn 5 mW có thể gây tổn thương võng mạc và mù lòa vĩnh viễn.

Nếu nhìn trực tiếp vào đèn laser có thể gây tổn thương mắt nghiêm trọng, thậm chí mất thị lực vĩnh viễn trong trường hợp nặng. Thực tế đã có trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết võng mạc và sưng do tiếp xúc với đèn laser. Nếu các mạch máu mỏng manh trong võng mạc tiếp xúc trực tiếp với tia laser, có nguy cơ xuất huyết làm suy giảm thị lực.

Nếu tiếp xúc lâu dài với tia laser có thể gây ra các vấn đề nhỏ như mất thị lực tạm thời, giảm thị lực, đau đầu và đau mắt trong vài phút đến vài ngày. Trong trường hợp biến chứng nghiêm trọng, có thể dẫn đến xuất huyết võng mạc, tổn thương không thể phục hồi ngay cả sau khi điều trị. Chảy máu ở phần trung tâm võng mạc có thể gây mất thị lực và không thể phục hồi", bác sĩ phẫu thuật mắt Sanjay Patil, thành viên của POS thông tin.
Tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Anh, Khoa Vật lý, Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM cho biết, các loại đèn laser nhỏ như bút chỉ dùng để trình chiếu có thể gây ảnh hưởng đến mắt do ánh sáng đơn sắc, hội tụ và cường độ cao. Đèn laser có công suất lớn hơn có thể làm tổn thương võng mạc nhanh chóng hoặc gây mù mắt.

Những khuyến cáo khi dùng đèn laser

Khi sử dụng đèn laser sân khấu, cần tuân thủ các khuyến cáo an toàn để tránh những rủi ro không đáng có. Chỉ nên sử dụng đèn laser công suất dưới 5 mW. Nếu sử dụng, chỉ sử dụng thiết bị laser đạt tiêu chuẩn an toàn và kiểm tra công suất của đèn để đảm bảo phù hợp với môi trường trình diễn. Nên hướng chùm tia laser lên trên hoặc về phía bầu trời để tránh chiếu vào mắt người khác. Cần giữ khoảng cách an toàn với đèn laser và đảm bảo không chiếu trực tiếp vào mắt, đặc biệt là trẻ em. Khi gặp các vấn đề về mắt do đèn laser, cần đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Minh Vũ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-hiem-hoa-cua-den-laser-san-khau-voi-doi-mat-post537449.html