Những hiệu sách Pháp gặp khó

Theo tuần báo l'Express (Pháp), các cửa hiệu chuyên bán sách Pháp ở nước ngoài - thành viên của Hiệp hội quốc tế các chủ hiệu sách tiếng Pháp (AILF) - đang đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính khi phải cạnh tranh với các dịch vụ bán sách trực tuyến.

Theo thống kê của AILF, hiện có khoảng 250 cửa hiệu chuyên bán sách Pháp trên thế giới, trong đó có khá nhiều nhà sách đang gặp khó khăn tài chính. Ngay tại Pháp, các cửa hiệu bán sách cũng đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng, nhất là các hiệu sách nhỏ hoạt động độc lập, không thuộc hệ thống phân phối của một tập đoàn xuất bản. Mô hình kinh tế của các hiệu sách nhỏ vốn đã không vững chãi, nay trong thời buổi lạm phát, cước phí vận chuyển tăng vọt ảnh hưởng đến thời hạn giao hàng. Các yếu tố này tác động mạnh đến lượng khách hàng, khiến cho tương lai của các hiệu sách càng thêm bấp bênh.

Dù có sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa Pháp, sau nhiều năm hoạt động khó khăn, khá nhiều chủ hiệu sách Pháp ở nước ngoài buộc phải đóng cửa. Omeisha ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) là một hiệu sách như vậy. Nhà sách này đã phải đóng cửa trong năm 2022. Chủ hiệu sách là bà Okuyama, mua lại hiệu sách đã có từ năm 1947. Là một trong những nhà sách Pháp lâu đời nhất ở Nhật Bản, Omeisha đã cung cấp sách vở cho cộng đồng Pháp kiều, cũng như các học sinh Nhật Bản theo học trường Pháp tại Tokyo trong 75 năm qua. Nhưng rồi doanh thu hiệu sách Omeisha không ngừng đi xuống do nhiều yếu tố cấu thành: số lượng người học tiếng Pháp ở Nhật sụt giảm; sự cạnh tranh dữ dội của các dịch vụ bán hàng trực tuyến; chế độ làm việc và học từ xa trong mùa dịch Covid-19 khiến cho nhiều học sinh ít lui tới các cơ sở giảng dạy.

Được thành lập vào tháng 3-2002, AILF có mục tiêu hỗ trợ các hiệu sách Pháp, đồng thời tạo cơ hội đối thoại giữa các hiệu bán sách và giới xuất bản, phân phối. Lúc ban đầu, AILF có khoảng 40 hiệu bán sách Pháp đại diện cho 30 quốc gia trên thế giới. Hiện AILF quy tụ gần 250 thành viên, đến từ 60 quốc gia. Ngoài việc bán sách đơn thuần, các chủ hiệu sách còn mong muốn tổ chức nhiều sự kiện để phát triển hoặc duy trì ngôn ngữ và văn hóa Pháp.

Theo báo L'Express, sự cạnh tranh gay gắt nhất đến từ phía mạng dịch vụ Lireka, một công ty khởi nghiệp của Pháp được thành lập vào tháng 11-2021, chuyên bán trực tuyến các loại sách tiếng Pháp cho hơn 2 triệu Pháp kiều sống ở nước ngoài và khoảng 230 triệu người nói tiếng Pháp trên thế giới. Lireka đã xây dựng được hình ảnh của một dịch vụ có giá phải chăng, hấp dẫn ngay từ lúc đầu nhờ có giá mềm hơn so với các hiệu sách truyền thống. Trong bối cảnh đó, các hiệu sách gia đình, khi không nằm trong một hệ thống phân phối vững chắc, khó thể nào trụ lại được lâu.

Mặt khác, theo tuần báo Pháp, các trường dạy tiếng Pháp ở nước ngoài hay các viện văn hóa và ngôn ngữ Pháp cũng phần nào có trách nhiệm. Các cơ sở giảng dạy thường được xem là những đối tác tự nhiên và lẽ ra, các trường này được khuyến khích đặt mua hàng tại các hiệu sách Pháp ở nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi trường có quyền quyết định đặt mua sách ở bất kể nơi nào, với giá cả mà họ cho là hợp lý nhất…

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-hieu-sach-phap-gap-kho-post706848.html