Những học sinh Khmer ở trường y
Điều đáng ghi nhận là ngoài cố gắng học tập, các em tích cực tham gia các hoạt động, mang đến 'làn gió mới' trong phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của trường.
Năm học 2022-2023, Trường trung học Y tế có nhiều em học sinh người dân tộc Khmer, chủ yếu ngụ khu vực Khedol, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh. Điều đáng ghi nhận là ngoài cố gắng học tập, các em tích cực tham gia các hoạt động, mang đến “làn gió mới” trong phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của trường.
Gặp nhóm học viên lớp Điều dưỡng chính quy 24A2, cùng ngụ tại ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, nghe các em chia sẻ về những cố gắng để theo học nghề mình yêu thích.
Em Thị Nguyễn Trung Hiếu, sinh năm 2002 là con lớn trong gia đình, em yêu thích ngành y từ còn học phổ thông, Hiếu chia sẻ: “Em nghĩ, theo nghề y sẽ giúp được nhiều người, giúp họ hết bệnh, thấy họ hồi phục sức khỏe là mình có niềm vui”. Nhưng vì điều kiện gia đình nên sau khi tốt nghiệp lớp 12, Hiếu đi làm công nhân, tưởng đã khép lại ước mơ, rồi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Hiếu xung phong tham gia trực chốt phòng, chống dịch.
Đây là thời điểm giúp Hiếu thực hiện lại ước mơ của mình: “Thời gian này, thấy những cực nhọc, vất vả của các y, bác sĩ em càng thấy công việc này nhiều ý nghĩa. Vậy là sau dịch, em quyết tâm đăng ký theo học nghề mình thích”.
Em Cao Văn Y (sinh 2004) chia sẻ, từ nhỏ đã chứng kiến nhiều người nghỉ học, chị lớn của Y cũng nghỉ học do hoàn cảnh. Nên Y luôn cố gắng học hành. Chị gái thứ hai đã học xong Trung cấp Y tế và có việc làm ổn định, Y càng có thêm động lực để đến trường, theo đuổi ngành nghề mình yêu thích. Y chia sẻ: “Em biết nghề nào cũng cực cả, nhưng em không ngại. Em muốn mình có việc làm ổn định và sẽ cố gắng với việc mình thích”.
Cao Thị Dương (sinh năm 2004) cũng quyết định theo học ngành y sau khi suy tính kỹ. Trong gia đình, Dương là chị lớn và còn hai em đang học phổ thông. Ba mẹ em làm thuê kiếm sống, dù vậy, chị em Dương luôn được ba mẹ động viên đi học. Tốt nghiệp lớp 12, Dương chọn học tại Trường Trung cấp Y tế để đỡ phần nào chi phí. Dương chia sẻ: “Thấy ba mẹ đi làm rất cực, nên em phải cố gắng học để tìm công việc ổn định hơn”.
Cao Thị Danh (sinh năm 2004) chia sẻ: “Mẹ em muốn em học nghề điều dưỡng, em cũng thích nghề này nên chọn học. Học trung cấp tại tỉnh phù hợp với điều kiện gia đình và không phải đi xa”.
Ông Phạm Thành Hoàng Nam- Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân cho biết, ấp có 226 hộ người dân tộc Khmer với 951 nhân khẩu, đời sống kinh tế của bà con ổn định, con em được quan tâm việc học hành.
Các em học xong tiểu học được giới thiệu đến học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú, nhiều em đã học lên các cấp cao hơn như trung cấp, cao đẳng, đại học. Tại ấp, vài năm qua có hơn 10 em đã và đang học tại Trường Trung cấp Y tế, ra trường có việc làm ổn định. Bên cạnh đó, thanh niên người dân tộc Khmer còn đi làm công nhân, học nghề đều có việc làm, thu nhập ổn định.
Tính từ năm 2019 đến nay, Trường Trung cấp Y tế tiếp nhận đào tạo 15 học sinh người dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt trong năm học 2022-2023 có 13 em theo học. Đây là năm đầu tiên trường tiếp nhận cùng lúc nhiều học sinh người Khmer.
Vào trường, bên cạnh việc học chuyên ngành, các em tích cực tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, đặc biệt là mang đến những tiết mục múa, hát mang đậm truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Em Cao Văn Y có giọng hát hay, em Thị Nguyễn Trung Hiếu có tài văn nghệ và biên đạo các tiết mục múa; các bạn Dương, Danh tích cực góp mặt trong những phong trào văn hóa, văn nghệ của trường.
Cô Võ Thị Anh Hoài- Phó Bí thư Đoàn trường trung cấp Y tế cho biết, trường có nhiều phong trào cho học sinh theo chủ đề hay các dịp lễ, tết; có nhiều hoạt động ý nghĩa như tri ân thầy cô giáo, xuân biên giới. Các em học sinh còn được tham gia các hoạt động thực tế, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Các em học sinh dân tộc Khmer rất năng động, tham gia vào các tiết mục văn nghệ, đặc biệt là biểu diễn những điệu múa truyền thống của dân tộc Khmer, tạo không khí sôi động, đầy màu sắc. Vừa qua, các em được chọn kết hợp cùng chiến sĩ Trung đoàn 174 biểu diễn văn nghệ tại Tiểu đoàn 14. Cô Anh Hoài chia sẻ: “Các em đều tích cực tham gia các phong trào. Dù ban đầu có hơi nhút nhát, nhưng sau vài tháng vào trường đã mạnh dạn và sôi nổi hơn, nhiều em là nòng cốt trong các hoạt động phong trào”.
Theo cô Anh Hoài, sự tham gia của các em học sinh Khmer giúp phong trào văn nghệ của trường sôi nổi và thu hút hơn. Các em mời thầy cô, bạn bè đến giao lưu nhân các ngày lễ tết truyền thống của dân tộc tại địa phương. Sắp tới, Đoàn trường có kế hoạch phối hợp với địa phương tổ chức giao lưu. Bên cạnh đó, Đoàn trường dự kiến thành lập thêm CLB tiếng Khmer để các bạn cùng giao lưu, tạo thêm một sân chơi khác ngoài CLB tiếng Anh đang hoạt động.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhung-hoc-sinh-khmer-o-truong-y-a152464.html