Những hợp tác xã sáng tạo, vượt khó

Nhờ sự tâm huyết, sáng tạo, đoàn kết và trách nhiệm của từng thành viên giúp nhiều hợp tác xã (HTX) vượt qua khó khăn, khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường. Đây là bí quyết chung làm nên sự thành công của các HTX nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Long An.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Kiến Bình - Dương Hoài Ân (thứ 3, phải qua) tham gia hội chợ để quảng bá thương hiệu gạo tím

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Kiến Bình - Dương Hoài Ân (thứ 3, phải qua) tham gia hội chợ để quảng bá thương hiệu gạo tím

Nâng tầm nông sản địa phương

Cần Đước, Cần Giuộc là 2 địa phương có diện tích trồng rau lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, nhiều nông dân chỉ quen với việc canh tác theo hướng truyền thống, chưa biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là chú trọng năng suất hơn chất lượng sản phẩm và chưa tìm được đầu ra ổn định cho nông sản, chủ yếu bán qua thương lái. Điều này làm ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân và chưa tạo được điểm riêng, nét đặc trưng cho thương hiệu rau Cần Đước, Cần Giuộc.

Xác định được vấn đề trên, tỉnh tạo điều kiện cho các địa phương thành lập các HTX nông nghiệp với mục đích thay đổi tư duy sản xuất của nông dân từ truyền thống sang kinh tế nông nghiệp. Qua đó, huyện Cần Đước, Cần Giuộc xuất hiện nhiều HTX nông nghiệp tiêu biểu trong hành trình nâng chất lượng nông sản như HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước); HTX Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước); HTX Nông nghiệp, Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc).

Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy cho biết: “Trên thị trường, rau có rất nhiều nên muốn cạnh tranh thì phải có hướng đi mới, đột phá. Do đó, HTX phối hợp các ngành chức năng chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng rau theo hướng hữu cơ, an toàn. Đồng thời, Ban Giám đốc HTX chủ động tìm kiếm thị trường mới và làm các thủ tục để rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP, hữu cơ.

Đến nay, HTX có 30ha rau, trong đó, 12ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, 2,6ha rau đạt chứng nhận hữu cơ và sản phẩm cải bẹ xanh Long Khê đạt chuẩn OCOP. Trung bình, hàng ngày, HTX cung cấp cho thị trường trên 2 tấn rau các loại, trong đó, sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ bán giá cao hơn thị trường 2.000 đồng/kg và được vào hệ thống siêu thị”.

Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai góp phần nâng tầm sản phẩm địa phương

Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai góp phần nâng tầm sản phẩm địa phương

Xã Phước Hậu và một phần xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc từ lâu nổi tiếng với những loại rau ăn lá mang hương vị đặc trưng và nhiều người đánh giá chưa có vùng đất nào trồng được. Phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có ở địa phương, Giám đốc HTX Nông nghiệp, Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng chủ động làm hồ sơ, thủ tục để nhóm rau ăn lá (diếp cá, tía tô, húng quế) được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Từ khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, nhóm rau ăn lá của HTX ngày càng khẳng định được thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, vào được các hệ thống siêu thị, Bách Hóa Xanh.

Ông Đặng Duy Dũng chia sẻ: “Năm 2012, HTX được thành lập với 8 thành viên tham gia cùng diện tích canh tác chưa đến 3ha. Nhờ đi đúng hướng, HTX ngày càng lớn mạnh với trên 30 thành viên chính thức và trên 100 thành viên liên kết. Đặc biệt, HTX còn làm “cầu nối” giữa doanh nghiệp và các HTX bạn trên địa bàn huyện để tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương, giúp người dân ổn định cuộc sống. Trung bình, HTX cung cấp rau các loại trên 5 tấn/ngày”.

Phát huy vai trò người đứng đầu

Một trong những yếu tố quan trọng để HTX hoạt động hiệu quả là phải có đội ngũ cán bộ, quản lý có kiến thức, kỹ năng, dám nghĩ, dám làm, nhất là phải có một trái tim cống hiến vì cộng đồng. Thực tế khẳng định nơi nào có cán bộ HTX hội đủ các điều kiện trên, nơi đó HTX phát triển mạnh, mang lại nhiều giá trị thiết thực cho người dân.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng - Trương Hữu Trí chia sẻ: “Tất cả hoạt động kinh doanh, lợi nhuận của HTX đều được Ban Giám đốc công khai, minh bạch, tuyệt đối không vụ lợi cá nhân. Làm được như vậy, Ban Giám đốc mới tạo được lòng tin cho các thành viên HTX. Ngoài ra, Ban Giám đốc HTX phải năng động, sáng tạo kết nối doanh nghiệp bảo đảm đầu vào, đầu ra cho nông dân”.

Còn tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Kiến Bình (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh), Giám đốc HTX - Dương Hoài Ân luôn kiên trì, tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh với mong muốn quảng bá thương hiệu gạo tím Omega 3.6.9 Kiến Bình, tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Nhờ sự cần cù, chịu khó, sản phẩm gạo tím Omega 3.6.9 Kiến Bình được khách hàng đón nhận. Bình quân, HTX cung cấp cho thị trường trên 80 tấn gạo/năm, giúp nông dân có lợi nhuận vụ Đông Xuân từ 28-30 triệu đồng, vụ Hè Thu từ 18-20 triệu đồng.

Dự kiến, thời gian tới, HTX sẽ mở rộng diện tích trồng lúa tím nhằm kịp thời đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Ông Ân cho hay: “Mục đích tôi tham gia Ban Giám đốc HTX là tạo ra hướng đi mới cho người dân quê mình và khẳng định được thương hiệu nông sản địa phương. Do đó, tôi luôn kiên trì theo đuổi mục đích dù phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí có giai đoạn HTX đứng trước nguy cơ giải thể. Nhìn lại khoảng thời gian gắn bó với HTX, điều tôi tâm đắc nhất là thay đổi được tư duy sản xuất của thành viên HTX từ truyền thống sang kinh tế nông nghiệp, chú trọng chất lượng hơn sản lượng”.

Nhìn chung, những chuyển biến tích cực của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đang góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, tiến đến xây dựng thành công xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao./.

Minh Thư

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-hop-tac-xa-sang-tao-vuot-kho-a159180.html