Những hủ tục điềm nhiên

Video vụ xô xát giữa người thả cá phóng sinh và những kẻ chích điện cá phóng sinh ở chùa Diệu Pháp - Bình Thạnh - TP Hồ Chí Minh đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Ở một nơi thanh tịnh và tôn nghiêm như nhà chùa, nơi những việc thiện lành thường diễn ra, chẳng ai ngờ con người lại lấy cái ác để đáp trả cái ác.

Kẻ chích điện bắt cá phóng sinh đã ác, những người cầm đá ném họ từ trên bờ, kèm theo lời cổ xúy "chọi chết nó đi", cũng là hành động ác không kém. Như vậy, ý nghĩa của phóng sinh còn hay không?

Nhân chuyện ấy, chúng ta có lẽ cũng nên tự xem lại về hành động phóng sinh vẫn được nhiều người thực hiện vào những ngày rằm hoặc mùng 1 âm lịch. Cái cách phóng sinh vẫn đang được thực hiện đại trà hiện nay liệu có đúng với tinh thần phóng sinh hay không? Nói thẳng ra là không. Phóng sinh ồ ạt, với suy nghĩ càng thả nhiều cá, nhiều chim càng thể hiện thiện tâm hóa ra lại là thứ khơi nguồn cái ác. Từ nhu cầu phóng sinh số lượng lớn như thế mới dẫn tới cái nghề chuyên bẫy chim, bắt cá bán phục vụ phóng sinh. Thử hỏi, nếu không còn ai có nhu cầu phóng sinh bừa bãi như bao năm qua, liệu cái ngành kinh doanh sinh vật phóng sinh có còn tồn tại nổi?

Về cơ bản, phóng sinh là hành vi thiện và nên được thực hiện lặng lẽ, theo đúng tinh thần của nó. Bước ra chợ, thấy con cá còn sống khỏe mạnh và biết rằng sẽ có người mua nó để giết và chế biến thành thực phẩm, ta mua nó về lặng lẽ thả ra sông, ra hồ. Ấy chính là tinh thần cơ bản của phóng sinh, tức là trao cho một sinh vật quyền được sống tiếp khi nó sắp kề cửa tử. Nhưng khi mọi thứ trở thành hình thức và biến tướng, cái con cá, con chim mà Phật tử mua không phải những sinh vật cận kề cửa tử mà bản chất chúng là những sinh vật vốn tự do nhưng đã bị tước đi sự tự do nhằm phục vụ cho một nghi lễ nặng hủ tục hơn là thiện tâm.

Nói đến hủ tục, có lẽ không chỉ có mỗi phóng sinh. Tháng Bảy âm lịch hàng năm, nạn giật cô hồn ở các tỉnh phía Nam cũng là một dạng hủ tục. Thậm chí, có những người còn tìm thấy niềm vui trong việc đi giật cô hồn này. Kết quả là gì? Đường phố náo loạn, thậm chí đã có những tai nạn giao thông, những xung đột nảy ra giữa các nhóm giật cô hồn khác nhau. Thật lạ, làm người đàng hoàng thì họ lại không muốn, cả một tháng Bảy âm lịch, họ đua nhau thích đi làm cô hồn.

Có những gia đình mâm cúng mới bày ra chưa kịp thắp nén nhang thì cô hồn từ đâu đã ào tới xâu xé không còn một chút nào trên ban cúng. Cúng kiếng vốn dĩ là việc nghiêm trang. Thế mà nạn giật cô hồn đã biến nó thành một trò cười đúng nghĩa. Cái hủ tục ấy lẽ ra phải được ngăn chặn từ lâu rồi nhưng lại nghiễm nhiên tồn tại bởi nhiều người xem nó là phong tục. Xin thưa, đúng trong phong tục của người Việt, chuyện giật cô hồn này không hề tồn tại.

Những hủ tục kiểu phóng sinh bừa bãi và giật cô hồn kể trên thực tế tồn tại rất nhiều trong đời sống hiện nay, và tồn tại một cách điềm nhiên. Thiết nghĩ, để xây dựng một xã hội văn minh hơn, chúng ta cần khai tử các hủ tục méo mó như vậy và việc ấy lẽ ra phải được thực thi từ lâu rồi.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nhung-hu-tuc-diem-nhien-i706190/