Những huyền thoại thời trang qua đời trong năm 2020 đầy sóng gió
Loạt nhà thiết kế thời trang lừng danh đã ra đi mãi mãi trong năm 2020 vừa qua khiến công chúng vô cùng thương tiếc. Họ là những người được biết đến như nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà thiết kế tài năng về sau.
Rạng sáng ngày 5/10/2020, truyền thông Pháp đưa tin ông Kenzo Takada – người sáng lập ra thương hiệu thời trang đình đám thế giới Kenzo đã qua đời tại một bệnh viện gần thủ đô Paris vào ngày 4/10/2020. Nguyên nhân là do ông nhiễm virus SARS-CoV-2 và không qua khỏi yên nghỉ ở tuổi 81.
Kenzo Takada sinh năm 1940 tại Himeiji, Nhật Bản trong một gia đình có bố mẹ làm chủ khách sạn. Ngay từ khi còn nhỏ, Kenzo đã có niềm đam mê mãnh liệt với thời trang và luôn mơ ước một ngày được đặt chân tới Paris - một trong những kinh đô thời trang của thế giới.
Quyết tâm theo đuổi ước mơ và biến thành hiện thực thì vào năm 1965 khi mới 26 tuổi, Kenzo đã đắt chân đến Pháp với vai trò của một nhà thiết kế tự do. Sự nghiệp thời trang của ông bắt đầu “nở rộ” khi ra mắt dòng sản phẩm thời trang gắn với tên tuổi của mình.
Bộ sưu tập đầu tiên của ông mang tên "Jungle Jap" đã thu hút giới mộ điệu lúc bấy giờ và nhanh chóng được bán hết. Đây được xem là tuyên ngôn thời trang của ông với biểu tượng con Hổ nhe nanh đầy uy lực trên trang phục.
Khác với các thương hiệu khác, ngay từ đầu nhà thiết kế xác định phương hướng của thương hiệu là dòng ready –to- wear chứ không phải chọn con đường Haute Couture. Tinh thần đậm chất Á Đông được Takada Kenzo thể hiện rõ nét trên nền chất liệu cao cấp,đường kim chỉ tinh xảo pha trộn nét thanh lịch của phương Tây.
Nhà thiết kế Kenzo luôn được biết đến với nụ cười rạng rỡ và tinh thần vui vẻ với câu nói: “Thời trang giống như ăn uống, bạn không nên chọn cùng một thực đơn”. Câu nói của NTK người Nhật dường như truyền cảm hứng để các nhà thiết kế trên thế giới không ngừng sáng tạo.
Sau khi Kenzo Takada tuyên bố nghỉ hưu, bộ đôi giám đốc sáng tạo Humberto Leon và Carol Lim đảm nhận "chèo lái" hành trình Kenzo và đến nay người hiện tại cầm trịch cho thương hiệu là Giám đốc sáng tạo Felipe Oliveira Baptista, người sẽ thừa kế di sản của hãng và bảo tồn bản sắc vốn có của Kenzo.
Nhà thiết kế Sergio Rossi –một trong những nhà sáng lập thương hiệu giày hàng đầu nước Ý đã qua đời vì COVID-19 vào hồi tháng 4/2020 ở tuổi 84.
Ông Rossi đã học nghề đóng giày từ cha và bắt đầu bán những đôi giày do mình tự thiết kế và thực hiện tại các cửa hiệu thời trang ở thành phố Bologna (Ý) hồi năm 1966, trước khi thành lập thương hiệu giày mang tên mình hồi năm 1968. Trong quá trình phát triển thương hiệu, Sergio từng làm việc với nhiều nhà mốt như Versace, Dolce & Gabbana và Azzedine Alaïa.
Những đôi giày của Sergio Rossi luôn mang sự thoải mái cho người dùng. Dù là một bậc thầy trong lĩnh vực da giày nhưng nhà thiết Sergio không bao giờ tự hài lòng với những thiết kế của mình mà ông luôn mong muốn cải thiện và phát triển đạt tới độ hoàn hảo cho những đôi giày của mình.
Thương hiệu của ông được vô vàn các sao nữ Hollywood ưa chuộng như Rihanna, Paris Hilton, Lupita Nyong’o.. Nhà thiết kế Sergio Rossi từng chia sẻ rằng ông muốn tạo nên sự nối dài hoàn hảo cho đôi chân phụ nữ.
Sergio Rossi đã xây dựng nên thương hiệu giày cao cấp vô cùng thành công không những thế con trai Gianvito Rossi của ông với thương hiệu giày riêng ở thời điểm hiện tại cùng các thiết kế giày vô cùng hoàn mỹ, không hề kém cạnh người bố của mình.
Huyền thoại - biểu tượng thời trang Pierre Cardin (người Pháp gốc Ý) đã qua đời ở tuổi 98 vào ngày 29/12/2020 do sức khỏe kém. Ông bước chân vào ngành thời trang bằng công việc thợ may quần áo.
Năm 1947 ông từ chối làm việc cho thương hiệu Balenciaga và trở thành người đứng đầu xưởng may của nhà thiết kế thời trang lừng danh người Pháp Christian Dior sau đó đến năm 1950 ông bắt đầu mở xưởng riêng cho mình và bắt tay vào phân khúc thời trang cao cấp từ năm 1953.
Trong sự nghiệp thiết kế của mình, ông nổi tiếng là người theo đuổi phong cách thời trang vị lai vào những năm 1960 và 1970. Những đột phá trong kĩ thuật may mặc, chất liệu, và cấu trúc kiểu dáng của Cardin đã góp phần lớn giúp định hình ngành công nghiệp thời trang như ngày hôm nay.
Nhà thiết kế người Pháp phát biểu tại Bảo tàng V&A ở London hồi năm 1990 với câu nói vô cùng ấn tượng:“Tôi thích tạo ra quần áo cho những sự sống chưa ra đời – cho một thế giới tương lai".
Ngoài việc thiết kế trang phục cho phụ nữ, ông Cardin còn thúc đẩy cái mà tạp chí Vogue gọi là "cuộc cách mạng" trong trang phục nam giới. Những bộ vest mang tên ông đều được cải tiến đã trở thành món đồ được ưa thích bởi nhiều người nổi tiếng, trong đó có nhóm nhạc The Beatles.
Ngoài được xem là người tiên phong của làng mốt đương đại, Pierre Cardin còn là NTK đầu tiên dám mở rộng đế chế ra toàn cầu với nhiều lĩnh vực ngoài quần áo như trang sức, đồng hồ, đồ nội thất hay dụng cụ ăn uống. Song song đó, Pierre Cardin còn sở hữu nhiều bất động sản giá trị như nhà hàng, khách sạn ở nhiều nơi trên thế giới.