Những hy sinh thầm lặng...

Ở tỉnh Thanh Hóa có 3.113 gia đình có từ hai nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC); 1.670 hộ trong gia đình có cả 3 thế hệ là NNCĐDC. Thật khó đong đếm hết nỗi đau của những người cha, người mẹ khi phải chứng kiến giọt máu của mình sinh ra với hình hài, trí óc không trọn vẹn. Tuy vậy, vượt lên nỗi đau đó, những người thân của nhiều NNCĐDC đã không quản ngại khó khăn, vất vả, trở thành điểm tựa cho các nạn nhân.

Điển hình như gia đình ông Nguyễn Xuân Lự ở xã Mỹ Lộc, huyện Hậu Lộc. Vợ chồng ông là cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Năm 1976, vợ ông sinh con trai Nguyễn Thành Chung, nhưng thay vì niềm vui là nỗi buồn khôn tả. Hơn 44 năm qua, người con trai độc nhất của ông bà điên dại, la hét, cào xé, gặm nát cả khung cửa sổ nơi mình nằm. Vượt qua những vất vả hằng ngày, trên cương vị là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông Lự đã đến từng nhà có NNCĐDC để động viên, chia sẻ họ vượt lên nỗi đau da cam, hòa nhập cộng đồng.

 Bà Hoàng Thị Gấm (phường Đông Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) hơn 30 năm chăm sóc hai con là nạn nhân chất độc da cam.

Bà Hoàng Thị Gấm (phường Đông Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) hơn 30 năm chăm sóc hai con là nạn nhân chất độc da cam.

Bà Vi Thị Thủa, người dân tộc Thái ở xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, có chồng và con bị nhiễm chất độc hóa học. Hằng ngày, bà Thủa vừa lao động sớm hôm, vừa phải nuôi chồng, nuôi con. Bà Thủa chia sẻ: “Tôi phải sống để như cây gậy chống cho chồng, cho con tựa vững!”. Hay như chị Nguyễn Thị Tích ở xã Nga Phượng, huyện Nga Sơn. Anh trai của chị là NNCĐDC, đã mất; sau đó không lâu, chị dâu cũng qua đời, để lại hai cháu là NNCĐDC mồ côi, điên dại, tâm thần. Chị Tích thương hai cháu mồ côi, hy sinh cả hạnh phúc riêng của mình để chăm sóc. “Tháng 7 vừa qua, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đến thăm cháu, nhìn thấy cảnh chị Tích đang đánh vật với cháu để tắm giặt và bón cháo... đoàn cán bộ càng cảm phục và trân quý tấm lòng nhân hậu của chị”-đồng chí Dương Đình Khải, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.

Còn đó rất nhiều các mẹ, các chị ở tỉnh Thanh Hóa đã gồng mình để nhận hết nỗi đau da cam, chỉ mong sao cho chồng, con, cho cháu được sống trên đời dù là thêm một tháng, một năm. Sự hy sinh thầm lặng ấy cùng sự chung tay của xã hội đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: THÀNH TRUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/nhung-hy-sinh-tham-lang-631445