Những hy sinh thầm lặng
Công cuộc chống dịch Covid-19 của Long An đang bước vào giai đoạn quyết liệt. 'Vùng đỏ' quyết tâm giảm màu, 'vùng xanh' giữ vững không cho dịch xâm nhập. Các đợt test nhanh, tiêm phòng, truy vết được tiến hành trên diện rộng nhằm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Chung tay vào công cuộc đó, những người nơi tuyến đầu tạm gác lại việc gia đình để tập trung thực hiện nhiệm vụ khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
1. Ai cũng có gia đình và những mối lo thường nhật nhưng với những người nơi tuyến đầu chống dịch, nỗi lo ấy được tạm gác lại bởi họ phải tập trung toàn lực cho công cuộc phòng, chống dịch. Hơn 2 tháng nay, Thiếu tá Võ Doanh Phúc - Trưởng Công an xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, chưa được về nhà. Thỉnh thoảng có dịp đi ngang nhà, anh ghé vào gửi vợ ít vật dụng cần thiết: Sữa, quà vặt cho con,... Đứng từ xa nhìn con, đặt túi đồ ngoài cổng, anh gọi chị ra lấy rồi đi, công việc đang chờ! Hai đứa con đứng trong hiên nhà nhìn theo đến khi bóng cha khuất hẳn.
Ôm 2 con nhỏ vào lòng, chị Nguyễn Thị Trúc Phương - vợ anh Phúc, kể: “Hai đứa nhỏ nhớ cha, ngày nào cũng hỏi chừng nào hết dịch để cha về”. Từ khi anh tham gia chống dịch, ở nhà, một tay chị chăm sóc 2 con. Vất vả từ sáng đến khuya nhưng chị không một lời than vãn vì biết rằng khi là vợ quân nhân thì phải chấp nhận việc anh xa nhà để thực hiện nhiệm vụ. Bến Lức là “vùng đỏ” của tỉnh. Mỗi ngày, số ca mắc tăng lên, lòng chị lại bất an.
Chị kể, hôm nào biết anh đi test kiểm tra sức khỏe là hôm đó chị chờ kết quả từng phút, từng giờ. Thương con nhớ cha, lại lo cho chồng, mỗi lần gọi cho anh, chị đều động viên anh yên tâm làm nhiệm vụ. Chị luôn nhắc việc gia đình đã có mình chu tất, anh hãy tập trung thực hiện nhiệm vụ.
2. Sự cảm thông, san sẻ từ gia đình sẽ tiếp thêm sức mạnh để những người nơi tuyến đầu vững vàng hơn trong “cuộc chiến” với dịch bệnh. Đặc biệt, với những gia đình cả hai vợ chồng đều ở tuyến đầu thì sự thông cảm, sẻ chia lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Sau hơn 1 tháng vắng cả cha và mẹ, con trai 5 tuổi của Trung úy Nguyễn Hoàng Vũ (cán bộ Công an thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) và chị Nguyễn Thị Phương Uyên (nhân viên y tế Trạm Y tế xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) thường khóc vì nhớ cha mẹ.
Anh Vũ trực sẵn sàng chiến đấu từ khi huyện áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh. Nhà cách cơ quan vài kilômét nhưng anh chưa ghé qua được lần nào. Là nhân viên y tế, chị Uyên cũng thường xuyên trực đêm tại trạm. Công việc ngày càng nhiều, khi địa phương thực hiện test cộng đồng, chị ở hẳn trong trạm y tế để vừa thuận tiện cho công việc, vừa bảo đảm an toàn cho gia đình.
Mỗi lần gọi điện thoại về, nghe tiếng con thỏ thẻ: “Bi muốn ngủ với cha mẹ”, chị muốn về ngay bên con nhưng đành nén lại nỗi nhớ thương để thực hiện nhiệm vụ khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Xa nhà, nhớ con, công việc áp lực, chị Uyên lại đang mang thai con thứ hai, khó khăn càng thêm chồng chất. Nhớ lại những ngày đầu thai kỳ, bị nghén nhiều, công việc vất vả, ăn uống thất thường, chị sụt cân và mệt mỏi. Những lúc như vậy, chị không tránh khỏi cảm giác tủi thân. Thế nhưng, gác lại mọi chuyện cá nhân, chị vẫn tham gia chống dịch. Được đồng nghiệp và lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện, chị Uyên chủ yếu làm công tác hỗ trợ, không trực tiếp thực hiện những việc nhiều nguy cơ: Lấy mẫu xét nghiệm, truy vết F1,...
Giờ đây, ước mơ lớn nhất của chị là dịch mau qua để được về nhà với con. Mỗi ngày, trong giờ nghỉ, anh Vũ và chị Uyên gọi điện thoại cho nhau. Những cuộc gọi với anh và con là nguồn động lực lớn để chị tiếp tục “hành trình” tìm lại cuộc sống bình thường mới cho tất cả mọi người. Chị biết, anh cũng đang vất vả cùng đồng đội nên chị và con ủng hộ anh hết mình.
3. Thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu, mọi người chấp nhận những rủi ro, làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Vợ chồng Trung tá Lê Thanh Trung - Phó Trưởng Công an thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, cũng vậy. Anh chị gửi con lại nhà cho ông bà chăm sóc, lên đường làm nhiệm vụ. Từ ngày 30/6 đến nay, anh chưa về nhà lần nào. Chị là nhân viên y tế nên cũng thường xuyên vắng nhà. Mọi nhớ nhung gửi qua từng cuộc gọi. Lực lượng công an cấp xã mỏng nhưng số lượng công việc nhiều nên hầu như các anh không có thời gian rảnh. Truy vết, trực chốt phong tỏa, trực khu cách ly,... đều tiềm ẩn nguy cơ, nên đôi lúc đi ngang nhà, anh cũng không dám ghé.
Anh kể, có thời gian đang trực khu cách ly thì hay tin vợ bệnh, cần người chăm sóc nhưng anh vẫn không thể về nhà. “Lúc đó, tôi chỉ muốn được về nhà chăm cho vợ bữa cơm, viên thuốc” - Trung tá Lê Thanh Trung chia sẻ. Anh chị vẫn ngày đêm cố gắng cùng mọi người chống dịch, bao nỗi nhớ nhung, buồn, vui đều gác lại chờ ngày hết dịch để sum vầy.
Giai đoạn chống dịch này được xem là có tính quyết định, mọi người cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Những người ở tuyến đầu đang căng mình chống dịch, đặt niềm tin vào ngày “chiến thắng”, thiết lập cuộc sống bình thường mới./.
Giai đoạn chống dịch này được xem là có tính quyết định, mọi người cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Những người ở tuyến đầu đang căng mình chống dịch, đặt niềm tin vào ngày “chiến thắng”, thiết lập cuộc sống bình thường mới”.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-hy-sinh-tham-lang-a120683.html