Những kế hoạch không tưởng của Elon Musk, Jeff Bezos
Bên cạnh Elon Musk đang cố gắng xây dựng thị trấn của riêng mình, trong những năm qua, các tỷ phú và CEO tập đoàn lớn đều đã chi hàng triệu USD cho những điều không tưởng.
Trong những năm qua, các tỷ phú và CEO những tập đoàn công nghệ lớn đã đổ hàng triệu USD vào việc xây dựng những điều không tưởng cho riêng mình.
Trong số này, có thể kể đến những dự án xây dựng thành phố cho nhân viên như thị trấn Snailbrook của Elon Musk, hay thành phố nổi trên biển đầu tiên của đồng sáng lập Paypal Peter Thiel.
Thậm chí, điên rồ hơn là ý tưởng hồi sinh người mất bằng phương pháp đông lạnh được những lãnh đạo giới công nghệ như Sergey Brin, Larry Page, Jeff Bezos rót vốn hàng triệu USD.
Elon Musk xây dựng một thị trấn trong mơ
Hồi tháng 3, nguồn tin của Wall Street Journal tiết lộ Elon Musk đã mua hơn 14,16 km2 đất trống và đất trồng trọt ở ngoại ô Texas để xây dựng một thị trấn riêng.
Cụ thể, trong cuộc gặp gỡ với các chủ đất và công ty bất động sản, Elon Musk và cấp dưới ở startup The Boring Company đã nói về kế hoạch xây dựng một thị trấn “trong mơ” bên bờ sông Colorado, làm nơi sinh sống và làm việc cho các nhân viên.
Khu vực này sẽ trở thành khu phức hợp nhà ở giá rẻ dành cho toàn bộ nhân viên làm việc ở thành phố Austin, bang Texas tại các công ty của Elon Musk bao gồm The Boring Company, Tesla và SpaceX.
Theo Wall Street Journal, tên gọi Snailbrook lấy cảm hứng từ “linh vật” của The Boring Company là chú ốc sên. Khi vừa mới thành lập startup, Elon Musk đã thách nhân viên tạo ra một cỗ máy có thể “chạy nhanh hơn ốc sên”.
Dự án thị trấn trong mơ của Elon Musk còn bao gồm một khu biệt thự dành riêng cho ông, cách khá xa khu dân cư chung. Vị tỷ phú sẽ là chủ thầu chính và những ai muốn mua đất, sinh sống ở đó phải được ông cho phép.
Dự án thành phố nổi đầu tiên trên thế giới của tỷ phú Peter Thiel
Musk không phải là tỷ phú hay doanh nhân duy nhất lên ý tưởng về việc xây dựng vương quốc của riêng mình.
Trước đó, vào năm 2008, đồng nghiệp, nhà đầu tư và cũng là đồng sáng lập Paypal với Musk, tỷ phú Peter Thiel đã tạo tổ chức phi lợi nhuận Seasteading Institute nhằm quyên vốn để xây dựng thành phố nổi đầu tiên trên thế giới.
Thậm chí, kế hoạch không tưởng này còn mong muốn tạo ra một thành phố như một quốc gia riêng, không chịu sự chi phối của pháp luật nước sở tại.
Thành phố này sẽ được xem như một cách để con người sống chung với tình trạng nước biển dâng cao được dự báo thêm gần 2 m vào cuối thế kỷ. Đầu năm 2017, chính phủ French Polynesian đã cho phép Seasteading Institute bắt đầu thăm dò vùng biển của nước này.
Tỷ phú gốc Đức, người sáng lập ra Paypal, được biết đến là một nhà thiện nguyện và là người từng tuyên bố sẽ chiến đấu hết mình để “chống lại sự lão hóa, chống lại cái chết, chống lại sự tận thế”.
Thành phố thông minh của Bill Gates
Năm 2017, Bill Gates đã đầu tư khoảng 80 triệu USD mua một lô đất khổng lồ thuộc vùng đất sa mạc của bang Arizona (Mỹ) để xây dựng thành phố thông minh cho riêng mình.
Cụ thể, theo nguồn tin từ tờ báo địa phương AZ Central, Belmont Partners - công ty con của tỷ phú Bill Gates có trụ sở tại Arizona, đã mua gần 25.000 mẫu đất để xây dựng một dự án khu dân cư bao gồm nhà ở, hệ thống trường công lập, các tòa nhà văn phòng thương mại và bán lẻ.
Vào thời điểm đó, kế hoạch này sẽ xây dựng 80.000 ngôi nhà, với 3.800 mẫu đất dành cho khu công nghiệp, văn phòng và bán lẻ, 3.400 mẫu đất trống và 470 mẫu đất dành cho các trường công lập.
Belmont Partners cho biết thành phố thông minh này sẽ có mạng Internet tốc độ cao, trung tâm dữ liệu, ôtô tự lái, công nghệ sản xuất mới và trung tâm hậu cần tự động. Tuy nhiên, kể từ năm 2017 đến nay, kế hoạch này vẫn chưa có tiến triển mới.
Ý tưởng đông lạnh người đã mất để chờ tái sinh
Theo Business Insider, dù được cho là bất khả thi, chủ đề về sự sống trường tồn dường như là một danh mục đầu tư hấp dẫn với các tỷ phú của thung lũng Silicon. Theo Guardian, những lãnh đạo công nghệ như Sergey Brin, Larry Page, Jeff Bezos và Peter Thiel đã đổ hàng triệu USD vào các startup để giải quyết cái chết.
Những giải pháp giúp đảo ngược quá trình lão hóa hay cái chết khá đa dạng như thay đổi gen hay "thay máu". Trong số này, cách bảo quản người chết để hồi sinh trong tương lai được xem là khả thi nhất. Nhiều công ty cung cấp dịch vụ bảo quản xác chết ở nhiệt độ -196 độ C bằng nitro lỏng, hay còn gọi là phương pháp cryonics.
Dù không được sự ủng hộ của giới khoa học nói chung, một số người vẫn nuôi giấc mơ rằng vào một thời điểm nào đó trong tương lai, những tiến bộ trong y học sẽ cho phép những người đã làm đông xác sống lại và sống thêm nhiều năm.
Quá trình cryonics thường diễn ra như sau: Khi một người qua đời, một nhóm làm đông xác bắt đầu làm lạnh xác chết xuống nhiệt độ thấp và thực hiện hỗ trợ tim phổi để duy trì lưu lượng máu đến não và các cơ quan.
Sau đó, thi thể được chuyển đến cơ sở đông lạnh, bơm dung dịch bảo quản nội tạng qua các tĩnh mạch và cuối cùng ngâm thi thể trong nitro lỏng.
Theo CNBC, tính đến năm 2018, chi phí để trữ lạnh thi thể bằng công nghệ Cryonics có thể dao động từ 28.000-200.000 USD.