Những kẻ lừa đảo khét tiếng được dựng phim giờ ở đâu?
Năm 2022, loạt phim truyền hình lấy chủ đề từ những kẻ lừa đảo có thật gây sốt toàn cầu. Khán giả bị cuốn hút bởi quá trình phạm tội tinh vi, đầu tư và cách tội phạm sa lưới pháp luật. Sau khi xem phim, điều khiến công chúng tò mò nhất là những kẻ lừa đảo khét tiếng nhất truyền hình đang ở đâu?
Anna Sorokin của Inventing Anna
Anna Sorokin (SN 1991) là kẻ lừa đảo người Đức gốc Nga. Trong khoảng thời gian từ 2013-2017, Anna tự tạo danh tính giả là Anna Delvey, một nữ thừa kế giàu có người Đức, để thâm nhập vào giới thượng lưu New York. Bằng các chiêu trò tinh vi, Anna thực hiện hành vi lừa đảo các khách sạn, ngân hàng và nhân vật nổi tiếng giàu có. Anna dùng tiền của người khác tận hưởng cuộc sống xa hoa, ở những khách sạn hạng sang, mua sắm đồ hiệu, du lịch sang chảnh và tiệc tùng.
Năm 2019, Anna bị tuyên 8 tội danh, bao gồm cả ăn cắp, trộm cắp dịch vụ và âm mưu lừa đảo... và bị kết án từ 4-12 năm tù. Do cải tạo tốt, Anna được ra tù trước thời hạn vào 11/2/2021. Tuy nhiên, cô bị ICE bắt chỉ 6 tuần sau đó vì quá hạn thị thực.
Tội ác của Anna Sorokin trở thành đề tài cho loạt phim nổi tiếng Inventing Anna (tựa Việt: Anna: Tiểu thư dựng chuyện).
Ngày 7/10, tiểu thư lừa đảo được phóng thích khỏi trại giam của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) sau khi nộp đủ khoản tiền bảo lãnh 10.000 USD (239 triệu đồng). Anna hiện bị quản thúc tại gia, với thiết bị giám sát đeo quanh mắt cá chân, trong căn nhà thuê ở trung tâm New York (Mỹ). Theo Bloomberg, cô bị cấm sử dụng mạng xã hội cũng như tránh xa các thiết bị điện tử.
Trong cuộc phỏng vấn với The New York Times, Anna cho biết có quyền lựa chọn bị trục xuất sang Đức hoặc ở lại Manhattan và bị bỏ tù. Anna khẳng định hối hận về những hành động của mình. Cô muốn có cơ hội để chứng minh bản thân đã thay đổi.
Thời gian ngồi tù, Anna kiếm bộn tiền nhờ bán tranh, mở triển lãm, bán bản quyền câu chuyện cuộc đời lừa đảo cho Netflix và nhận lời phỏng vấn từ báo giới. Theo Anna, cô đang làm việc cho một podcast, giao lưu với những khách mời khác nhau. Ngoài ra, cô viết sách và muốn làm điều gì đó để thúc đẩy cải cách tư pháp hình sự giúp những cô gái khác.
Simon Leviev của The Tinder Swindler
Simon Leviev (SN 1990), tên thật là Shimon Hayut, đến từ Israel. Simon là nhân vật trung tâm trong bộ phim tài liệu tội phạm The Tinder Swindler (tựa Việt: Kẻ lừa đảo trên Tinder), phát sóng vào đầu tháng 2.
Trong phim, Simon bị cáo buộc lừa đảo số tiền lên tới 10 triệu USD từ những phụ nữ đến từ nhiều quốc gia khác nhau thông qua ứng dụng hẹn hò nổi tiếng nhất thế giới Tinder.
Trên Tinder, Simon tự nhận là “Hoàng tử kim cương”, con trai tỷ phú Lev Leviev – chủ sở hữu tập đoàn kim cương LLD Diamond. Sau khi đã “chinh phục” các cô gái bằng vẻ ngoài bảnh bao, lịch lãm và lối sống xa hoa, hắn bắt đầu bịa ra chuyện bị đe dọa tính mạng để mượn tiền các cô gái và không bao giờ trả lại.
Simon từng thụ án hai năm rưỡi trong một nhà tù Phần Lan do bị kết tội lừa đảo ba phụ nữ. Hắn cũng phải ngồi tù 15 tháng tại một nhà tù ở Israel sau khi bị kết án 4 tội danh gian lận, nhưng được thả sau 5 tháng.
Hiện tại, Simon sống trong một căn hộ cao cấp ở Israel với bạn gái người mẫu nóng bỏng. Giữa tháng 2, có thông tin Simon Leviev ký hợp đồng với người quản lý ở Los Angeles, Gina Rodriguez – đại diện của loạt ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ.
News24 cho hay Leviev tuyên bố đang làm một bộ phim tài liệu nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Kẻ lừa đảo cũng chia sẻ về việc hợp tác với French Montana, Snoop Dogg và 50 Cent. Trên trang cá nhân, rapper Montana ngầm xác nhận dự án hợp tác bằng bức ảnh chụp với Leviev.
Ngoài các kế hoạch công việc, Simon đối mặt với vụ kiện tụng mới. Vào tháng 3, Page Six đưa tin “Vua kim cương” người Nga gốc Israel Lev Leviev và gia đình đệ đơn kiện Simon Leviev với cáo buộc giả mạo danh tính và làm giàu bằng tên của họ.
Anthony Strangis của Bad Vegan: Fame. Fraud. Fugitives
Theo Vanity Fair, Bad Vegan: Fame. Fraud. Fugitives (tựa Việt: Bad Vegan: Danh tiếng. Lừa đảo. Trốn chạy) đạt hơn 44 triệu lượt xem sau một tháng lên sóng kể từ 16/3.
Bộ phim tài liệu mô tả chi tiết cách Sarma Melngailis và Anthony Strangis lừa dối các nhà đầu tư và không trả lương cho nhân viên tại nhà hàng thuần chay của họ ở Manhattan (New York), Pure Food and Wine. Trong phim, Melngailis kể về mối quan hệ của cô với Strangis, cách y thuyết phục cô đưa tiền và đi theo con đường bất chính, thậm chí còn tuyên bố rằng anh ta có thể khiến con chó của cô bất tử.
Năm 2017, Anthony Strangis, còn được gọi là Shane Fox, bị kết án một năm tù giam và 5 năm quản chế với các tội danh âm mưu lừa đảo các nhà đầu tư và gian lận thuế.
Vanity Fair cho biết Strangis kết hôn với nhà văn Jennifer Van Laar vào năm 2021. Y không thông báo đã lấy vợ cho gia đình, còn mượn tiền họ mà chưa trả.
Robert Hendy-Freegard của The Puppet Master: Hunting the Ultimate Con Man
Robert Hendy-Freegard bị tòa án ở London (Anh) kết án tù chung thân vào năm 2005 vì tội lừa đảo, trộm cắp và bắt cóc. Tuy nhiên, y ra tù năm 2009.
Câu chuyện của Hendy-Freegard được khai thác thành phim tài liệu The Puppet Master: Hunting the Ultimate Con Man (tựa Việt: Săn lùng những bậc thầy giả mạo). Phim tiết lộ cách Hendy-Freegard thuyết phục mọi người y là điệp viên chìm đang trốn chạy và cần tiền để sống sót. Y dành nhiều năm để khiến các nạn nhân tin tưởng vào lời bịa đặt và giao ra hết tài sản. Y còn thuyết phục họ cắt đứt quan hệ với gia đình, bạn bè rồi bỏ rơi họ trong cảnh túng thiếu khi phi vụ thành công.
Ngày 3/9, The Guardian đưa tin Hendy-Freegard bị bắt sau khi làm bị thương hai cảnh sát Pháp. Y được cho là lao xe vào cảnh sát trong quá trình tẩu thoát khi bị đột kích nhà riêng vì tình nghi nuôi chó bất hợp pháp. Hendy-Freegard bị bắt ở Bỉ, đang chờ bị dẫn độ về Pháp.
Trước đó, đầu năm nay, có thông tin y đang sống ở Anh và bắt đầu kinh doanh chăn nuôi chó.