Những kẻ thích đùa: Bớt nghĩ cho đời dễ thở
Lướt qua vài trang trong cuốn 'Thế giới của ý thức', Alex Moran nhận ra mấy đứa bạn nghịch ngợm không hẳn ác ý. Anh tin vào luận điểm sự tồn tại của người láu cá là lời đáp trả mạnh mẽ chống lại tư tưởng nghiêm trọng hóa vấn đề. Họ như thứ gia vị độc đáo, 'bẻ cong' quy tắc khô khan, chọc phá thế giới ổn định để giúp chúng ta nhận ra sự cần thiết của việc nới lỏng suy nghĩ cho đời... dễ thở.
Niềm vui của trò đùa tinh quái
Một trong những điểm tham quan kỳ lạ trong khuôn viên Đại học London là bộ xương mặc quần áo của nhà triết học vị kỷ Jeremy Bentham, với một cái đầu bằng sáp. Truyền thuyết kể rằng chiếc đầu thật của Bentham đã bị một số sinh viên từ Đại học Kings College London đánh cắp và đòi tiền chuộc như một trò đùa chống lại các trường đối thủ. Dù thật hay giả thì những câu chuyện như vậy vẫn khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, coi nghịch ngợm như một dạng hành vi sai trái, rồi quở trách kẻ đứng sau thay vì khen ngợi.
Lịch sử chứng kiến sự tồn tại của câu lạc bộ Bullingdon ở Oxford - nơi chôn giấu “tuổi trẻ ngông cuồng” nghịch ngợm phá phách của những nhân vật giàu có và quyền lực bậc nhất nước Anh. Các thành viên từng chơi khăm phá hỏng một chiếc đàn violin Stradivarius “độc nhất vô nhị, rồi đền bù bằng một tấm séc “vứt” ở hiện trường. Hành động này khiến dư luận khó chịu đến mức báo chí miêu tả Bullingdon bằng nhiều tính từ tiêu cực kiểu “đáng lên án”, “vô dụng”, hay “đám thượng lưu rỗi hơi”.
Tư duy của sinh viên triết học Alex Moran hoàn toàn trái ngược. Sự nghịch ngợm không hẳn giống thứ phiền nhiễu khó chịu. Chàng trai trẻ khẳng định bất cứ ai hay nghịch ngợm đều thể hiện những đức tính thú vị đến mức người thường sẽ phải... ngưỡng mộ. Về bản chất, nghịch ngợm là một hình thức gây rối vui vẻ, chủ yếu tạo ra sự thích thú cho những người liên quan. Thế nên chúng ta cần khen ngợi họ vì đã giữ lại được nét cá tính “bung xõa” lúc còn nhỏ nhưng dần mất đi trong cuộc sống sau này.
Triết gia Bertrand Russell, trong “Hành trình theo đuổi hạnh phúc”, từng nói nghịch ngợm là sản phẩm của một đam mê bất tận với cuộc sống, một loại niềm vui truyền cảm hứng cho chúng ta thay đổi mỗi ngày. Năm 1959, ông đã gửi một lá thư “mỉa mai” tới tờ The Times, phân trần rằng mình thường xuyên bị nhầm với một luật sư cùng tên nào đó ở Liverpool nên các bài đăng của hai người... thật giả lẫn lộn. “Thưa quý báo, chúng tôi Russell, vì không muốn độc giả hoang mang, nay khẳng định ông Russell viết thư này không phải là ngài Russell ở Liverpool kia”.
Không nạn nhân, không thiệt hại, thậm chí không có bất kỳ vi phạm quy tắc đạo đức nào. Đó là sự hồn nhiên, tinh quái mà cũng thực tinh tế ở dạng đơn giản và thuần khiết nhất. Hiển nhiên, bông đùa kiểu này đáng được ca ngợi, chỉ nhằm mục đích làm cho thế giới trở nên tốt đẹp, thú vị hơn. Bertrand Russell đã đúng khi coi thái độ vui vẻ làm nền tảng cho hành động nghịch ngợm, hướng tới kiến tạo hạnh phúc, cùng một cuộc sống chẳng có mấy sân si.
Triết gia Friedrich Nietzsche suy đoán, loài người tạo ra tiếng cười vì phải chịu đựng quá nhiều. Sự hài hước ở đời tựa cái ghế cao, nếu con người rơi vào trạng thái bi thảm thì chỉ cần đứng lên ghế, nhìn thế giới ở vị trí cao hơn bằng tiếng cười giòn tan và sự thanh thản trong tâm trí. Có lý khi tin rằng kẻ nghịch ngợm là hiện thân của sự khôn ngoan, tận dụng mọi cơ hội để “chọc phá” không chỉ bản thân mà thậm chí cả mọi người và vạn vật xung quanh.
Diễn viên hài Spike Milligan là người như thế, cho đến khi qua đời vẫn vui vẻ đùa rằng trên bia mộ cần khắc dòng chữ “đã nói rồi, tôi ốm mà”. Một tư duy thú vị, đồng thời là tiếng nói lạc quan cho chiến thắng trước cái chết không thể tránh khỏi. Ở Trung Quốc từng nổi lên câu chuyện về “Đức Phật cười” Budai với những trò đùa tinh quái. Biết rằng sẽ bị hỏa táng, ngài nhét đầy túi thuốc súng và pháo hoa, để những người theo dõi sẽ ngạc nhiên, và biết đâu đó lại nở nụ cười, khi chứng kiến màn trình diễn sắc màu kì lạ. Nghe thật lạ lùng, nhưng Alex Moran tin vào sự vui vẻ của những người nghịch ngợm, vượt qua mọi ranh giới để thách thức cả chính sự kết thúc cuộc đời.
Khôn ngoan và lém lỉnh
Bên cạnh sự hài hước, cá tính nghịch ngợm nói chung thường đi kèm với sự thông minh. Điển hình như trường hợp của Giacomo Casanova, một trong những người tinh quái nhất lịch sử. Cuốn hồi ký “Chuyện đời tôi” miêu tả cuộc vượt ngục không tưởng khỏi cung điện Doge u ám ở Venice của “vua sát gái” nổi tiếng thế kỷ 18 nhờ mưu đồ kết thân với lính canh, mua chuộc bạn tù. Nhiều quan điểm nhận định, bản chất Giacomo Casanova cực kỳ tinh ranh, dám thách thức chính quyền, đồng thời liều mạng dàn dựng một vụ nổ để lôi kéo “đồng minh”. Độc giả “Chuyện đời tôi” cảm thấy thú vị khi nghe lời tự bạch của kẻ đào tẩu: “Đánh lừa kẻ ngốc là nỗ lực xứng đáng của gã thông minh, tạo nên chiến thắng sau những rắc rối khó chịu...”.
Sự tinh quái còn nằm ở điểm Giacomo Casanova lừa một số quý tộc Venice về năng lực dự đoán tương lai bằng... toán học. Vài kẻ lắm tiền hứng thú với ma thuật siêu nhiên, trở thành “con mồi” cho Giacomo Casanova khai thác sự cả tin. Đổi lại, Giacomo Casanova nhận được nhiều món tiền khổng lồ để trở nên giàu có. Nghịch lý xuất hiện: lừa những người giàu không gây ra tổn hại lâu dài nào cho họ, nhưng câu chuyện sẽ đi theo hướng tiêu cực nếu Giacomo Casanova “móc túi” những đồng cuối cùng của người nghèo. Điều này cho thấy sự nghịch ngợm vốn chứa đựng một yếu tố đạo đức, ngăn cản mọi thứ đi quá xa.
Một ví dụ khác đến từ triết gia Hy Lạp Diogenes, nổi tiếng với nhiều hành động thách thức, đặc biệt nhất là câu nói đầy hàm ý “coi thường” Alexander Đại đế: “Ngài hãy tránh xa khỏi ánh sáng của tôi” khi ông đang tắm nắng. Thậm chí, Diogenes còn ngờ vực tư tưởng Plato về con người là một loài động vật hai chân không lông vũ. Diogenes được cho là đã bước vào học viện của Plato, cầm con gà đã nhổ lông, thốt lên ba từ “Người của Plato”. Trò nghịch ngợm này, dù cho bị nhiều người coi là hành động thất lễ, lại đưa ra phản ví dụ hoàn hảo về một định nghĩa triết học còn nhiều lỗ hổng.
2000 năm sau, trên giảng đường Đại học Columbia, một vị giáo sư chậm rãi khẳng định phủ định hai lần đối với một số ngôn ngữ trở thành khẳng định, còn ở vài ngôn ngữ khác lại tạo ra tư duy phủ định mạnh hơn. Tuyệt nhiên, không có ngôn ngữ nào được loài người biết đến mà hai lần khẳng định đồng nghĩa với phủ định. Nghe thấy điều này, triết gia Sidney Morgenbesser bật dậy, rõng rạc tuyên bố: “Đúng, đúng”, với tông giọng trầm đầy hoài nghi khiến mọi người phải hiểu rằng vị giáo sư đã nhầm lẫn.
Nhiều khi, những kẻ thích đùa, kiểu nhà văn trào phúng Jonathan Swift, tận dụng các biện pháp văn học để châm biếm. “Một đề xuất khiêm tốn” (1729) khen người chủ ăn thịt những đứa con của kẻ thuê nhà, gọi người nghèo đang nhanh chóng chết đi là “hy vọng”. Jonathan Swift đề xuất người Ireland nghèo nên bán con để thoát khỏi gánh nặng, đồng thời cải thiện tình trạng kinh tế trong bối cảnh nạn đói kéo dài. Jonathan Swift sử dụng ý tưởng ăn thịt trẻ emnhư một phép ẩn dụ về sự bóc lột người nghèo, rồi thẳng thắn mỉa mai để thuyết phục quốc hội Ireland cải thiện điều kiện cho người nghèo.
Đối với Alex Moran, những người tinh quái chẳng hề phiền toái, mà đóng vai trò quan trọng của một xã hội tiến bộ. Anh nghĩ đến Socrates - một trong những người khôn ngoan nhưng cũng không kém phần tinh quái nhất thành Athens. Socrates vô cùng thích thú khi chế giễu các nhân vật quyền lực của Athens, chỉ ra vị tướng không biết bản chất thực sự của chiến tranh, hoặc nhà lập pháp mù mờ khái niệm công lý. Nơi nào có sự khôn ngoan, nói đó có Socrates sẵn sàng thách thức đặt ra những câu hỏi khó.
Động lực thúc đẩy Socrates không đơn thuần là tò mò, ham muốn giải trí mà còn nằm ở hành trình kiếm tìm trí tuệ. Những cá tính độc đáo như Socrates làm thế giới trở nên đa màu, đồng thời kiến tạo những môi trường sống khác biệt mà ở đó chúng ta được gặp gỡ nhiều ngôi sao xuất sắc trong vô vàn lĩnh vực, từ nghệ sĩ, nhà thơ đến nhà thám hiểm và giới chính khách. Hình dung một thế giới không màu sắc tinh nghịch, thiếu mấy trò tinh ranh thì chắc gì đã xuất hiện những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, các cuộc cải cách chính sách cùng tư duy phản biện thay đổi cuộc sống.
Alex Moran giả định không có sự tinh quái của Socrates thì loài người sẽ chẳng biết tới kỹ thuật đặt câu hỏi dựa trên đối thoại sâu sắc, hay phương pháp truy vấn biện chứng bác bỏ bằng logic. Mọi thứ ở đời đều có hai mặt, nếu cứ chỉ nhìn vào sự tiêu cực mà không hành động thì có lẽ cuộc sống không thể tiếp diễn. Như Shakespears từng viết trong “Julius Caesar”, đại ý rằngdù bản chất chúng ta nghịch ngợm tới đâu, hãy cứ tự tin làm thứ mình muốn theo con đường trải đầy niềm tin, lạc quan và hy vọng...