Những kênh theo dõi mưa bão, ngập lụt theo thời gian thực, ai cũng nên biết
Hiện nay, có nhiều nền tảng số và ứng dụng miễn phí cho phép theo dõi tình hình mưa bão, ngập lụt một cách trực quan, thậm chí cảnh báo tốt về lũ quét, sạt lở đất.
Trong bối cảnh nhiều cơn bão hiện nay diễn biến phức tạp, việc tiếp cận thông tin thời tiết theo thời gian thực không chỉ giúp người dân chuẩn bị ứng phó kịp thời mà còn giảm thiểu rủi ro về người và tài sản.
Hiện nay, có nhiều nền tảng số và ứng dụng miễn phí cho phép theo dõi tình hình mưa bão, ngập lụt một cách trực quan. Một trong những công cụ hữu ích nhất là hệ thống Hymetnet - radar thời tiết thời gian thực của Việt Nam.
Hymetnet (website: http://hymetnet.gov.vn/radar/) là sản phẩm của Trung tâm Kỹ thuật Quan trắc khí tượng thủy văn (Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam), cung cấp dữ liệu radar mưa, sét và mưa tích lũy theo thời gian thực.
Khác với các bản tin cố định theo giờ, Hymetnet cập nhật thường xuyên mỗi 5 – 10 phút, cho phép người dùng theo dõi sự phát triển của các khối mây đối lưu, vùng mưa to hoặc khu vực có sấm sét gần như trực tiếp trên bản đồ Việt Nam. Những bản đồ động giúp người dân nhận biết sớm các vùng có khả năng mưa lớn hoặc giông sét.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hệ thống Hymetnet hiện được dùng trong nội bộ để phát hành cảnh báo sớm, nhưng cũng được công khai cho người dân truy cập, hoàn toàn miễn phí.

Ảnh minh họa.
Ngoài ra, lũ quét và sạt lở đất cũng là những loại hình thiên tai cực kỳ nguy hiểm vì không thể dự báo trước được chính xác thời gian, địa điểm xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay có thể cảnh báo các vùng có nguy cơ cao.
Người dân ở khu vực miền núi có thể truy cập vào website https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn để nắm bắt khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Trong thời tiết xấu, thông tin này có thể cứu mạng và hỗ trợ việc sơ tán kịp thời.
Một ứng dụng phổ biến khác là Windy (windy.com), cung cấp bản đồ tương tác về sức gió, lượng mưa, hướng đi của bão và mức độ ảnh hưởng thời gian thực. Người dùng có thể thông qua ứng dụng để xem dự báo về thời tiết trong ngày, tuần.
Theo đơn vị phát triển ứng dụng, Windy lấy dữ liệu từ hệ thống dự báo thời tiết toàn cầu GFS, Trung tâm dự báo thời tiết châu Âu ECMWF và các hệ thống uy tín khác.
Đây là ứng dụng được tải về nhiều nhất trên nền tảng iOS ở Việt Nam thời điểm hiện tại. Windy cũng đứng đầu hạng mục ứng dụng thời tiết trên Android.
Đối với người dân Hà Nội, công cụ giám sát ngập lụt cụ thể theo từng tuyến phố đã được triển khai thông qua hệ thống HSDC Maps.
Cập nhật từ camera thực tế, hệ thống này cung cấp thông tin ngập úng trên Cổng thông tin điện tử Hà Nội (hanoi.gov.vn) và website của Công ty Thoát nước Hà Nội (thoatnuochanoi.vn).
Ứng dụng đi kèm cũng gửi cảnh báo trực tiếp đến người dân.
Ngoài ra, các website chính thức của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia như thoitietvietnam.gov.vn và nchmf.gov.vn vẫn là nguồn tin chuẩn xác nhất, cung cấp thông tin tổng hợp về mưa, lũ, điểm ngập và cảnh báo sớm trên cả nước.
Một lựa chọn sẵn có khác dành cho người dùng smartphone là ứng dụng bản đồ Google (Google Maps).
Khi truy cập để xem đường, Google Maps xuất hiện cảnh báo về bão ngay trong giao diện chính. Khi bấm vào, ứng dụng sẽ cung cấp thông tin gồm vị trí hiện tại và dự báo hướng đi của bão, khu vực có gió mạnh, dựa trên dữ liệu từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản.
Minh Đức (T/h)