Những kết nối lịch sử tạo đà cho tương lai hợp tác Việt Nam - Trung Quốc rộng mở

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (18/1/1950-18/1/2025) và 'Năm giao lưu Nhân văn Việt Nam - Trung Quốc', phóng viên TTXVN tại Hong Kong đã phỏng vấn Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong và Macau Lê Đức Hạnh và ông Lý Minh Hán, người có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, đồng thời là cố vấn cho bộ phim 'Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong' về những yếu tố góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay cũng như sự hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn vừa qua và tác động đến quan hệ hợp tác Việt Nam-Hong Kong.

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong và Macau Lê Đức Hạnh. Ảnh: Xuân Vịnh/PV TTXVN tại Hong Kong

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong và Macau Lê Đức Hạnh. Ảnh: Xuân Vịnh/PV TTXVN tại Hong Kong

Tổng Lãnh sự Lê Đức Hạnh cho rằng việc Việt Nam nhất quán ưu tiên quan hệ ổn định, lành mạnh với Trung Quốc, coi đây là sự lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu, nhằm mục đích tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Chủ trương này đã được triển khai thành những hành động cụ thể, thiết thực. Đặc biệt, trong năm vừa qua, trong các chuyến thăm, trao đổi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, hai bên đã có nhiều văn kiện hợp tác được ký kết và được triển khai ngay sau đó với các kết quả cụ thể.
Từ quan sát tại địa bàn, Tổng Lãnh sự Lê Đức Hạnh nhận thấy điểm mới của năm 2024 là các địa phương, các bộ ngành phía Việt Nam không chỉ triển khai các hoạt động song phương, mà còn tham gia nhiều hoạt động đa phương diễn ra tại Hong Kong. Ở chiều ngược lại, chính quyền cũng như doanh nghiệp và người dân Hong Kong rất quan tâm theo dõi các thỏa thuận đạt được trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đến Việt Nam và lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thăm Trung Quốc, cũng như tích cực triển khai các chỉ đạo, định hướng của chính quyền trung ương.

Cùng với chủ trương, định hướng lớn có ý nghĩa quyết định và tác động sâu rộng của các hoạt động đối ngoại nhà nước, các thế mạnh bổ trợ lẫn nhau về kinh tế và sự tương đồng về nhu cầu phát triển cũng là những yếu tố then chốt thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, Việt Nam và Hong Kong nói riêng. Tháng 8/2024, trong chuyến thăm lần đầu tiên của một Trưởng Đặc khu Hong Kong đến Việt Nam, ông Lý Gia Siêu (John Lee) đã dùng từ “sự đồng điệu lớn” (great synergy) để mô tả quan hệ hai bên, trong chuyến thăm có 33 văn kiện hợp tác được ký kết. Sau đó vào tháng 9/2024, trong chuyến thăm Hong Kong tham dự Hội nghị cấp cao “Vành đai và Con đường”, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu “Hai nền kinh tế Việt Nam và Hong Kong có nhiều điểm tương đồng, nhiều thế mạnh bổ trợ lẫn nhau”. Trong trao đổi bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Peru, Chủ tịch nước Lương Cường và Trưởng Đặc khu Lý Gia Siêu cũng đề cập đến nội dung này.

Theo Tổng Lãnh sự Lê Đức Hạnh, sự gần gũi về văn hóa giữa nhân dân hai nước, cũng như giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và giữa Việt Nam và Hong Kong tạo thành dòng chảy tự nhiên thúc đẩy quan hệ. Theo một giai thoại văn nghệ Việt Nam, bộ phim đầu tiên của Việt Nam được quay ở Hong Kong, với một trong những diễn viên điện ảnh đầu tiên của Việt Nam là nhà văn Nguyễn Tuân. Bên cạnh đó các món ăn như phở Việt, bánh mì Việt rất được ưa chuộng ở Hong Kong.

Tổng Lãnh sự Lê Đức Hạnh cho rằng một yếu tố hết sức quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hong Kong nói riêng cũng như quan hệ Việt Nam-Trung Quốc nói chung, đó là quan hệ hữu nghị giữa hai đảng cộng sản cũng như việc Trung Quốc nói chung và Hong Kong nói riêng là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng có ý nghĩa đối với cách mạng Việt Nam. Người Hong Kong rất tự hào vì là nơi có 3 nhà cách mạng tiền bối, sáng lập đất nước của các nước từng hoạt động, một trong số đó là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập tại Hong Kong. Cho đến ngày nay, lịch sử hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng tiền bối của Việt Nam vẫn tiếp tục đóng góp các giá trị vật thể và phi vật thể cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Hong Kong. Di tích nhà tù Tai Kwun là nơi Bác Hồ đã bị giam giữ trong thời gian hoạt động tại Hong Kong, hiện nay vẫn được phía Hong Kong bảo vệ, gìn giữ, tự hào giới thiệu. Không chỉ đông đảo du khách Việt Nam coi đây là một địa điểm “phải đến” mà rất nhiều du khách nước ngoài cũng đến tham quan khu di tích này.

Theo Tổng Lãnh sự Lê Đức Hạnh, trong thời gian qua, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong đã tăng cường thúc đẩy các hoạt động giao lưu nhân dân với Hong Kong, tích cực tham gia và nhiệt tình phối hợp với các hoạt động, sự kiện văn hóa do Hong Kong tổ chức. Trong năm 2025, Tổng Lãnh sự quán dự kiến sẽ tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tống Văn Sơ ở Hong Kong - Hành trình của một nhà cách mạng vĩ đại” nhằm triển khai Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài”. Hoạt động này cũng có ý nghĩa chào mừng 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc và 135 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như là cơ hội để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, làm sâu sắc thêm quan hệ với Hong Kong - nơi ghi dấu một giai đoạn quan trọng trên chặng đường cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như nơi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Hong Kong, ông Lý Minh Hán, cho biết các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc luôn coi trọng và gìn giữ tài sản quý báu của tình hữu nghị truyền thống mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các thế hệ tiền bối đã gây dựng và dày công vun đắp, đồng thời tích cực kế thừa, tiếp nối để không ngừng xây đắp tình hữu nghị giữa hai nước. Chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 8/2024) và chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình cuối năm 2024 càng thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp. Những năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và Hong Kong trên các phương diện kinh tế thương mại, du lịch, giao lưu nhân văn đều có sự phát triển mạnh mẽ, rất nhiều người Hong Kong đi du lịch Nha Trang và đánh giá cao điểm đến này. Ông Lý Minh Hán hy vọng sự giao lưu trao đổi giữa Việt Nam và Hong Kong trên các phương diện nói trên sẽ không ngừng thúc đẩy đi lên.

Mạc Luyện - Xuân Vịnh - Thành Nam (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/nhung-ket-noi-lich-su-tao-da-cho-tuong-lai-hop-tac-viet-nam-trung-quoc-rong-mo-20250118175823817.htm