Những kết quả ban đầu về 'miễn dịch cộng đồng' ở Thụy Điển
Nghiên cứu cho thấy đến cuối tháng 4 chỉ có khoảng 7,3% cư dân ở Stockholm mang trong mình kháng thể chống lại virus corona, rất xa mức 70% cần thiết để có 'miễn dịch cộng đồng'.
Dữ liệu này được xác nhận với CNN bởi Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển, gần giống với tình hình ở các quốc gia khác, và thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 70-90% người có kháng thể - điều cần thiết để tạo ra "miễn dịch cộng đồng".
Thông tin này được đưa ra sau khi Thụy Điển áp dụng chiến lược ngăn chặn virus corona rất khác so với những quốc gia bị ảnh hưởng vì đại dịch.
Các hạn chế đối với người dân trong cuộc sống hàng ngày là tương đối nhẹ nhàng, và không có một lệnh phong tỏa chặt chẽ được áp dụng.
Miễn dịch cộng đồng còn rất xa
Nhà dịch tễ học hàng đầu Thụy Điển, ông Anders Tegnell nhận định con số 7,3% là "thấp hơn một chút" so với dự đoán nhưng "không thấp hơn đáng kể", và chỉ ở mức một hoặc hai phần trăm.
Ông Tegnell nói thêm rằng dữ liệu phản ánh tình hình cách đây vài tuần, và hiện tại ông tin rằng khoảng 20% dân số ở Stockhom đã nhiễm virus.
"Nó thể hiện khá đúng mô hình mà chúng tôi có", ông Tegnell nói thêm trong buổi họp báo tại Stockholm.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển có mục đích xác định tiềm năng miễn dịch cộng đồng trong dân số, dựa trên 1.118 xét nghiệm được thực hiện ngẫu nhiên trong vòng một tuần.
Cứ mỗi tuần, số xét nghiệm như vậy lại được thực hiện và cả quá trình sẽ kéo dài trong vòng 2 tháng. Kết quả từ các khu vực ngoài Stockholm sẽ được công bố sau, theo người phát ngôn của cơ quan.
So với các quốc gia láng giềng ở khu vực Scandinavia, Thụy Điển vẫn cho phép trường học hoạt động, nhà hàng, tiệm tóc và quán bar mở cửa. Không có lệnh cấm nào được đưa ra nhưng chính phủ yêu cầu người dân hạn chế di chuyển những quãng đường dài, và tự tin vào trách nhiệm cá nhân của mỗi người.
Chiến lược này chịu nhiều chỉ trích từ các nhà nghiên cứu, vì họ cho rằng nỗ lực tạo ra miễn dịch cộng đồng là không khả thi. Tuy nhiên giới chức phủ nhận mục đích của chiến lược này là tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Miễn dịch cộng đồng, hay còn gọi là miễn dịch bầy đàn, được tạo ra khi từ 70-90% dân số phát triển khả năng miễn nhiễm với một bệnh truyền nhiễm. Điều này có thể đạt được bởi cả hai cách, khi các bệnh nhân nhiễm bệnh hồi phục hoặc/và những người khác được tiêm vaccine.
Khi một bộ phận lớn dân số miễn nhiễm, dịch bệnh sẽ khó lây lan cho những người không có khả năng miễn nhiễm, vì không có đủ người mang mầm bệnh để lây nhiễm cho họ.
Sự thật là chưa có cộng đồng nào đạt được miễn dịch cộng đồng, và vaccine "sẽ giúp chúng ta đạt miễn dịch cộng đồng nhanh hơn" việc bị lây nhiễm, theo ông Michael Mina, trợ lý giáo sư ngành dịch tễ học tại Trường Y tế Công T.H Chan của Đại học Harvard.
Tỷ lệ người dân có kháng thể ở Thụy Điển không nhiều hơn đáng kể so với các quốc gia áp dụng phong tỏa chặt chẽ. Tại Tây Ban Nha, khoảng 5% dân số đã phát triển kháng thể chống lại virus corona tính đến ngày 14/5, theo kết quả sơ bộ của một nghiên cứu dịch tễ học được chính phủ tài trợ.
Tại Mỹ, Ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm và Chính sách tại Đại học Minnesota, ước tính rằng khoảng 5-15% người dân Mỹ đã nhiễm virus.
Ông cho rằng virus sẽ tiếp tục lây lan trong cộng đồng cho đến khi khoảng 60-70% dân số bị nhiễm, và sau đó sự lây lan sẽ chậm lại.
Nhưng ông cũng cảnh báo rằng nước Mỹ còn "một chặng đường dài" để đạt được miễn dịch cộng đồng. Một báo cáo do ông viết cùng với các nhà dịch tễ học khác ước tính quá trình này có thể kéo dài từ 18 đến 24 tháng.
Chiến lược nguy hiểm?
Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng khái niệm miễn dịch cộng đồng là một "tính toán nguy hiểm.
Ông Bjorn Olsen, giáo sư y học truyền nhiễm tại Đại học Uppsala, cho rằng miễn dịch cộng đồng là một cách tiếp cận "nguy hiểm và không thực tế".
"Tôi nghĩ rằng miễn dịch cộng đồng là một chặng đương dài, kể cả khi chúng ta đạt được điều đó", ông Olsen trả lời Reuters sau khi kết quả về phần trăm dân số có kháng thể được công bố.
Ông Tegnell phủ nhận miễn dịch cộng đồng là mục tiêu của chính phủ, và cho biết Thụy Điển muốn làm chậm sự lây lan của virus để các cơ sở y tế có đủ nguồn lực đối phó. Ông cho rằng việc phong tỏa chặt chẽ có khiến một quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi làn sóng lây nhiễm thứ hai, vì chỉ có một phần nhỏ dân số miễn dịch.
Hôm 24/4, ông Tegnell nói với đài BBC rằng giới chức tin là Stockholm có "mức độ miễn dịch... ở đâu đó trong khoảng từ 15% đến 20% dân số".
Ông cũng cho rằng chiến lược này đã "hiệu quả ở một số khía cạnh... bởi vì hệ thống y tế của chúng tôi đã có thể đối phó. Luôn có ít nhất 20% số giường chăm sóc đặc biệt trống và có thể chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19".
Khi được hỏi liệu cách tiếp cận của Thụy Điển có giúp nước này thoát khỏi làn sóng lây nhiễm thứ hai hay không, câu trả lời của ông Tegnell là có.
"Nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ sinh sôi của virus và làm chậm sự lây lan", nhưng nói thêm rằng chiến lược này sẽ là không đủ để đạt được "khả năng miễn dịch bầy đàn".
Trong khi tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân ở Thụy Điển (376) là thấp hơn so với các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề ở châu Âu như Italy (535), Tây Ban Nha (597) và Anh (538), nhưng nó vượt xa các nước láng giềng như Na Uy (44), Đan Mạch (96) và Phần Lan (55) - những quốc gia có hệ thống phúc lợi và đặc tính nhân khẩu học tương tự, nhưng áp dụng phong tỏa chặt chẽ.