Những kết quả đạt được trong thực hiện liên thông TTHC tại địa phương
Vừa qua, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Hà Nam, đồng thời đi khảo sát, đánh giá tình hình triển khai thí điểm cấp bản tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử thực hiện liên thông TTHC tại địa phương.
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ “Tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến 2030” (Đề án 06) tại các Bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo;
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp 10/2/2023 về việc triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Đề án 06, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm tạo lập bảng điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử phục vụ liên thông điện tử đối với 2 nhóm TTHC: Đăng ký khai sinh, Đăng ký thường trú, Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng tại các cơ quan giải quyết TTHC trên địa bàn TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam từ ngày 17/4/2023.
Để nắm bắt, đánh giá kết quả triển khai thí điểm, ngày 19/5 Tổ công tác triển khai Đề án 06 tổ chức Đoàn khảo sát, đánh giá tình hình triển khai thí điểm cấp bản tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử thực hiện liên thông TTHC tại TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh làm Trưởng đoàn.
Thông qua buổi khảo sát trực tiếp tại Hà Nội, Đoàn công tác ghi nhận từ 18/4 đến 16/5/2023, đã cấp 5.478 bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử thực hiện liên thông TTHC, trong đó Giấy khai sinh cấp 5.003 bản; Trích lục khai tử cấp 475 bản.
Tại UBND phường Quán Thánh, quận Ba Đình, các hồ sơ đăng ký khai sinh thực hiện liên thông TTHC từ ngày 18/4 đến ngày 17/5/2023 đều xuất được bản điện tử Giấy khai sinh, chuyển liên thông cho cơ quan bảo hiểm và công an. Đối với hồ sơ Đăng ký khai tử do không có trường hợp nào thực hiện liên thông TTHC nên không có bản điện tử Trích lục khai tử.
Để triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành văn bản về thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử thực hiện liên thông TTHC trên địa bàn tỉnh, giao Sở Tư pháp chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện theo đúng tài liệu hướng dẫn do Bộ Tư pháp cung cấp và làm đầu mối triển khai thí điểm tại địa phương.
Sau 1 tháng thực hiện thí điểm, các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng hướng dẫn về quy trình thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các kết quả này góp phần quan trọng trong việc thực hiện Đề án 06 nói chung và thực hiện thí điểm 2 nhóm dịch vụ công liên thông, thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử khi thực hiện liên thông TTHC nói riêng.
Theo đó, từ 17/4/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có 769 trẻ em được cấp bản điện tử Giấy khai sinh; 268 trường hợp được cấp bản điện tử Trích lục khai tử.
Đoàn công tác đánh giá, việc cấp bản điện tử đã hỗ trợ công chức xử lý hồ sơ liên thông nhanh, gọn hơn, ngay sau khi đăng ký thành công, được cấp số định danh là có thể gửi liên thông sang cơ quan bảo hiểm và công an, rút ngắn thời gian chờ ký, đóng dấu. Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp gồm: Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Công nghệ thông tin đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh.
Từ khi triển khai cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử và tích hợp trả kết quả điện tử trên phần mềm dịch vụ công liên thông đã giảm bớt được thời gian hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ và quá trình thao tác xử lý hồ sơ. Tạo thuận lợi cho cán bộ hộ tịch trong việc giải quyết hồ sơ, việc đính kèm kết quả hộ tịch điển tử QR Code được thực hiện một cách nhanh chóng, thao tác đơn giản.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thí điểm cấp bản tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử thực hiện liên thông TTHC vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Quy trình mới còn phức tạp, nhiều thông tin còn thủ công nên nhiều người dân khi thực hiện kê khai bị rối, đặc biệt là những người lớn tuổi và những người ít tiếp xúc công nghệ thông tin; chất lượng hạ tầng truyền dẫn đến đơn vị giải quyết TTHC hoạt động chưa ổn định, còn chậm, lỗi…
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của 2 địa phương trong thời gian triển khai thí điểm. Để việc thực hiện cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử được triển khai và nhân rộng toàn quốc trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đơn vị, cơ quan có liên quan tại Hà Nội, Hà Nam. Tiếp tục bám sát và kịp thời trao đổi, giải quyết, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tiếp tục quan tâm đến hoạt động tư pháp phường cũng như công chức tư pháp xã, phường để công tác này được thực hiện tốt hơn, tạo thuận lợi tối đa cho người dân.