Những kết quả nổi bật trong chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Mông Cổ, Ai-len, Pháp
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc thành công chuyến công tác thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thông tin với báo chí về những điểm nhấn, kết quả nổi bật đạt được trong chuyến công tác.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, với lịch trình hoạt động dày đặc ở Mông Cổ, Ai-len, Pháp, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn Việt Nam đã có gần 80 hoạt động phong phú, đa dạng trên cả bình diện song phương và đa phương.
Đây là chuyến công tác với nhiều lần “đầu tiên” đặc biệt: Là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Lãnh đạo ta tới Mông Cổ sau 16 năm, tới Ai-len sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tới Pháp sau 22 năm và cũng là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ.
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp với những dấu ấn nổi bật sau:
Thứ nhất, lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội các nước đã dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, chân thành, nồng hậu và chu đáo với nhiều biệt lệ, cho thấy sự coi trọng cao và đặc biệt của các nước đối với vị thế, uy tín của Việt Nam; thể hiện sự tin cậy chính trị sâu sắc giữa Việt Nam với các nước và mong muốn cùng thúc đẩy quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Đáng chú ý, trong bối cảnh Pháp đang tổ chức Hội nghị cấp cao Pháp ngữ với 100 đoàn nguyên thủ, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sự quan tâm đặc biệt với các nghi thức lễ tân cao hơn quy định thông thường.
Thứ hai, chuyến công tác là bước triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, khi đất nước ta đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tạo nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng trong quan hệ với 3 nước, với 3 Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ, Đối tác chiến lược lĩnh vực giáo dục đại học Việt Nam - Ai-len, và nâng cấp quan hệ Việt Nam - Pháp lên Đối tác chiến lược toàn diện; ký kết gần 20 văn kiện trong đó có 7 văn kiện hợp tác với Mông Cổ trong các lĩnh vực an ninh, tư pháp, giao thông vận tải, giáo dục và hợp tác địa phương, 3 văn kiện hợp tác với Ai-len về giáo dục đại học, chuyển đổi hệ thống lương thực, kinh tế, thương mại và năng lượng.
Với Pháp, hai bên cũng đã ký gần 10 văn kiện hợp tác giữa chính phủ, Bộ, ngành, địa phương hai nước, mở ra những cơ hội hợp tác hai nước trong nhiều lĩnh vực mới. Sự thúc đẩy hợp tác toàn diện với các nước trên nhiều lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh sẽ góp phần làm sâu sắc hơn các nền tảng hợp tác sẵn có, khai thác thêm nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng, mở ra những cơ hội mới cho hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và các đối tác có thế mạnh.
Ngoài ra, một số trường Đại học và doanh nghiệp cũng ký các thỏa thuận hợp tác như Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp, Thỏa thuận hợp tác với UNESCO về thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Airbus và Vietjet bàn giao tàu bay mới mang hình ảnh kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp…
Đáng chú ý, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thông báo mở Đại sứ quán Việt Nam tại Ai-len sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ song phương, đáp ứng mong mỏi của cộng Việt Nam tại Ai-len.
Điểm nhấn quan trọng nữa trong chuyến công tác lần này là Việt Nam và Pháp nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, khẳng định bước tiến đột phá sau hơn 10 năm thiết lập và triển khai khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược. Đây sẽ là cơ sở và nền tảng vững chắc để củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam - Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, vì lợi ích của nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Thứ ba, tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh vai trò của các thể chế đa phương, trong đó có Pháp ngữ trong việc thúc đẩy hợp tác, ứng phó với các thách thức chung, cũng như tận dụng các cơ hội có được từ sự phát triển của khoa học, công nghệ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã cùng các nhà lãnh đạo các nước Pháp ngữ thông qua “Tuyên bố Villers - Cotterêts” với cam kết mạnh mẽ tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương vì hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển bền vững. Chúng ta cũng đã tận dụng tối đa dịp này để thúc đẩy quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế, qua đó giới thiệu những tiềm năng to lớn về hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Tại Hội nghị, Việt Nam được nhắc nhiều trong các thảo luận và được coi là hình mẫu phát triển trong Cộng đồng Pháp ngữ.
Trong thời gian tham dự Hội nghị, nhiều nhà lãnh đạo đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của các nước Pháp ngữ, tổ chức quốc tế đã chủ động gặp gỡ, tiếp xúc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước để bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam, mong ta chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xã hội; thúc đẩy hợp tác chính trị - ngoại giao, kinh tế, thương mại, giáo dục đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân… và tăng cường phối hợp về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trên cả bình diện song phương và đa phương.
Những dấu ấn nổi bật này trong toàn bộ chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã một lần nữa khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa đạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng; không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương mà còn thể hiện vai trò và trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế.