Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cao Lãnh

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Cao Lãnh, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển ổn định, có 8/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra ở các lĩnh vực thu ngân sách, liên kết sản xuất, tiêu thụ, tỷ lệ lao động qua đào tạo, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng...

Trong lĩnh vực kinh tế, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, nhân rộng một số mô hình mới, cách làm hay mang hiệu quả kinh tế cao gắn sản xuất an toàn, liên kết chuỗi, xây dựng và quản lý mã số vùng trồng cho các loại cây trồng. Diện tích được cấp mã số vùng trồng đạt trên 80% diện tích đất sản xuất; thực hiện đồng bộ dữ liệu ngành nông nghiệp trên nền tảng số; triển khai thí điểm ứng dụng quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm xoài Cao Lãnh và App Cây xoài nhà tôi tại xã Mỹ Xương.

Lãnh đạo huyện Cao Lãnh tặng hoa và quà chúc mừng Hồng Tân Hội quán tại lễ ra mắt

Lãnh đạo huyện Cao Lãnh tặng hoa và quà chúc mừng Hồng Tân Hội quán tại lễ ra mắt

Trên toàn huyện, diện tích lúa xuống giống đạt 68% kế hoạch năm, sản lượng ước đạt khoảng 195.000 tấn; thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp được trên 21.000ha lúa, 9.600 tấn nông sản. Thành lập mới 1 hợp tác xã và ra mắt Hồng Tân Hội quán xã Bình Thạnh với 43 thành viên, nâng tổng số hội quán trên địa bàn huyện lên 20 hội quán nông dân, hơn 1.400 thành viên tham gia sinh hoạt gắn với từng ngành hàng đặc trưng của từng địa phương.

Hoạt động dịch vụ, thương mại trên địa bàn huyện phát triển khá, hàng hóa phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Huyện triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở tham gia các hoạt động tại Lễ hội Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II và các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức góp phần quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP. Các điểm du lịch trên địa bàn huyện đã đón 65.000 lượt khách, có khoảng 1.700 khách quốc tế, ước doanh thu đạt khoảng 12 tỷ đồng.

Công tác mời gọi đầu tư được chú trọng, tiếp tục mời gọi đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Cao Lãnh; Khu công nghiệp Cao Lãnh II, III. Cùng với đó, huyện tiếp tục tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp”; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, công khai quy trình, thủ tục đầu tư, các thông tin kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp, thuế, đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ... tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, đồng thời công khai các kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên Trang thông tin điện tử của huyện. Đến nay, đã có 30 doanh nghiệp thành lập mới, cấp mới 170 giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, vốn đăng ký hơn 14 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND huyện thực hiện quản lý, điều hành tài chính công theo đúng quy định, hiệu quả và tiết kiệm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 61%, chi ngân sách 6 tháng đầu năm ước đạt 61% dự toán. Các ngành tăng cường trách nhiệm và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thủ tục đầu tư các công trình năm 2024; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 55% kế hoạch.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được địa phương quan tâm, thực hiện kịp thời. Đến nay, địa phương đã tạo việc làm cho gần 4.600 lao động, đạt 60% kế hoạch, trong đó 154 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 51% kế hoạch, có 184 lao động đang học định hướng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng về văn hóa tinh thần của Nhân dân; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo thực hiện, chất lượng các dịch vụ hành chính công được cải thiện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành phục vụ Nhân dân như: thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ số để đồng hành, phục vụ Nhân dân (App Cao Lãnh Đồng Hành); mô hình rút ngắn thời gian lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện chi trả tiền bồi thường không dùng tiền mặt; mô hình Tư vấn chăm sóc sức khỏe người bệnh, người dân qua điện thoại, Zalo... góp phần xây dựng chính quyền số thân thiện, phục vụ, nâng cao niềm tin và sự hài lòng của người dân đối với chính quyền.

MỸ LONG

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/nhung-ket-qua-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-huyen-cao-lanh-123525.aspx