Những 'khắc tinh' của xe tăng trong chiến tranh hiện đại

Trong chiến dịch quân sự đang diễn ra, cả Nga và Ukraine đều thông báo đã tiêu diệt hàng trăm xe tăng, xe bọc thép của nhau nhờ các vũ khí chống tăng

Dù những thông tin này còn cần phải kiểm tra tính xác thực, song có một điều rõ ràng là cùng với xe tăng, phương tiện chống tăng cũng ra đời, phát triển mạnh mẽ và ngày càng tỏ ra là “khắc tinh” của xe tăng trên chiến trường hiện đại.

Tên lửa chống tăng

Tên lửa chống tăng có điều khiển giữ vai trò quan trọng. Chúng chiếm vị trí hàng đầu trong tác chiến do có tầm bắn xa, xác suất trúng mục tiêu cao, khả năng xuyên thép lớn, kích thước và trọng lượng tương đối nhỏ.

Dẫn đầu trong chế tạo tên lửa chống tăng có điều khiển là người Pháp, họ chế tạo ra các tên lửa SS.10, SS.11, SS.12, được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Tên lửa chống tăng có điều khiển đầu tiên của Liên Xô 3M6 Shmel là bản sao chính xác của tên lửa SS.10 của Pháp điều khiển bằng dây. Đó là tên lửa chống tăng có điều khiển thế hệ thứ nhất có hệ thống điều khiển bằng tay, đòi hỏi phải bám theo mục tiêu cũng như tên lửa nên cần có trắc thủ được huấn luyện tốt.

Tên lửa SS.10 của Pháp. Ảnh: Wikipedia

Tên lửa SS.10 của Pháp. Ảnh: Wikipedia

Các tổ hợp thế hệ 2 – TOW của Mỹ, Milan và HOT của Pháp – Tây Đức, Malyutka, 3M11 Fleyta của Liên Xô... đã có hệ thống điều khiển bán tự động, khi đó trắc thủ chỉ cần bám mục tiêu. Việc điều khiển tên lửa được tiến hành theo tia vô tuyến, sử dụng chấm laser trên mục tiêu cũng như các đầu dẫn hồng ngoại theo tương phản nhiệt của xe tăng.

Thế hệ 3 - tên lửa chống tăng Hellfire và Javelin của Mỹ, Kornet-EM của Nga... sử dụng nguyên lý “phóng rồi quên”. Trắc thủ chọn mục tiêu và sau khi đầu tự dẫn “bắt” được nó thì bấm nút, có thể chuyển sang mục tiêu khác hoặc nhanh chóng thay đổi vị trí. Diễn biến các xung đột quân sự những năm qua đã khẳng định hiệu quả của loại tên lửa này.

Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-EM của Nga. Ảnh: Wikipedia

Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-EM của Nga. Ảnh: Wikipedia

Mìn, đạn

Mìn chống tăng tiếp tục phát triển, đặc biệt là sau khi xuất hiện các phương tiện và phương pháp rải mìn mới, như rải mìn từ xa bằng pháo, tên lửa, máy bay. Cách làm này cho phép bố trí mìn trong thời gian cực ngắn, ngay trong đội hình chiến đấu của xe tăng hoặc trước khi chúng cơ động, làm tê liệt hoạt động của chúng và tạo điều kiện để các phương tiện khác sát thương hiệu quả.

Đạn cassette được sử dụng rộng rãi không chỉ trong pháo binh cổ điển, mà cả trong các hệ pháo phản lực bắn loạt, cũng như trong các tên lửa chiến thuật đất-đất. Kho vũ khí chống tăng của không quân bao gồm những loại đạn chính xác cao, bom cassette nhồi các bom con cỡ nhỏ nổ lõm dẫn bằng hồng ngoại và nhiều loại khác.

Quân đội nhiều nước đã có trong trang bị loại đạn sát thương, chống vật lực (APAM) với hai phiên bản 105mm và 120mm, được thiết kế để tiêu diệt bộ binh, trực thăng, xe thiết giáp, tường bê-tông, và các công sự được xây dựng bằng cát và gỗ. Để sát thương diện rộng, người lính sẽ bắn loại đạn APAM bay theo quĩ đạo tấn công vượt qua đầu và bung ra sáu đầu đạn nhỏ, số đầu đạn này lại bắn văng ra những mảnh với năng lượng đủ để xuyên qua lớp giáp bảo vệ thân thể trong một khu vực dài 50m, rộng 20m.

Để tấn công các boong-ke và xe tăng, APAM được bắn như một đạn nguyên khối. Trên chiến trường, những tiểu đội APAM được bố trí rải rác trên bộ, trên xe, trong các tòa nhà và boong-ke.

Máy bay trực thăng

Trực thăng chiến đấu hoạt động bí mật, trên những độ cao siêu nhỏ với khả năng “bay vọt lên” cao 20-30m (tùy theo địa hình và khối chắn tự nhiên) và sử dụng các phương tiện trinh sát và tên lửa chống tăng. Thực tế chiến tranh và những thử nghiệm trên trường bắn cho thấy, tỷ lệ tổn thất của trực thăng và xe tăng trong tình huống chiến đấu thực tế là 1:16-20 tùy theo chiến trường.

Hiện nay, lục quân các nước đưa vào sử dụng nhiều loại trực thăng chiến đấu kiểu mới (như AH-64 B Apache Longbow của Mỹ, Ka-52 Alligator của Nga), được trang bị radar dải sóng millimet, có khả năng phát hiện mục tiêu mặt đất và trên không trong màn khói, ban đêm, trong bão cát, trong mọi điều kiện thời tiết. Hệ thống máy tính xử lý tình huống chiến đấu và xác định các mục tiêu ưu tiên để kết hợp với tên lửa chống tăng tiêu diệt mục tiêu.

Trong chiến tranh hiện đại, yếu tố chủ yếu trong tác chiến chống tăng là ưu thế thông tin trước đối phương trong thu thập, xử lý và truyền thông tin thời gian thực cho người sử dụng.

Các phương tiện trinh sát vũ trụ, hàng không và vô tuyến điện tử phát triển tới mức, chẳng hạn, ngay cả sự xuất hiện đầu tiên của các đội hình xe tăng-nhất là xe tăng tập trung trong khu vực tác chiến, nhất định sẽ bị phát hiện trong mọi điều kiện thời tiết, không phụ thuộc vào thời gian ngày hay đêm. Các thủ đoạn ngụy trang rất khó có thể che dấu hành động của bộ đội xe tăng và tránh bị tiêu diệt.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng xe tăng giờ đây chỉ có vai trò trong các cuộc xung đột cục bộ giữa các nước kinh tế kém phát triển, có quân đội lớn và nguồn dự trữ vũ khí cũ dồi dào. Xe tăng ít có cơ hội giành chiến thắng trong chiến tranh công nghệ cao thế hệ sáu.

Xem tin quân sự trên VietNamNet

Nguyên Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/top-3-khac-tinh-cua-xe-tang-trong-chien-tranh-hien-dai-826021.html