Những khiếm khuyết của tàu lặn Titan
Năm hôm sau khi tàu ngầm du lịch 'Titan' bị mất liên lạc đang khám phá xác chiếc tàu đắm 'Titanic', ngày 22/6 lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Mỹ và Canada chính thức xác nhận con tàu đã bị nổ và chìm, cả 5 người trên tàu đều tử nạn.
Vào lúc này, truyền thông Mỹ đã khơi lại chuyện bộ điều khiển chiếc tàu lặn “Titan” lại sử dụng bộ điều khiển trò chơi điện tử (gamepad) được bán trên mạng với giá khoảng 50 USD. Người ta nghi ngại vì nó quá đơn giản và tầm thường. Hành trình du ngoạn xuống đáy đại dương trên “Titan” giá 250.000 USD mỗi người lẽ nào tính mạng họ lại thực sự phụ thuộc vào bộ điều khiển trò chơi điện tử rẻ tiền? Một số người đã chỉ ra công ty chủ quản tàu “Titan” “đã đối xử với dự án đắt tiền này bằng thái độ chơi đùa của một đứa trẻ vì toàn bộ tàu ngầm này được điều khiển bằng chiếc gamepad loại rẻ”.
Vào năm ngoái, ông Stockton Rush, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của OceanGate Expeditions, công ty sở hữu tàu “Titan”, khi trả lời phỏng vấn của hãng CBS News đã nói rằng, tàu Titan được điều khiển bằng bộ điều khiển trò chơi điện tử để vận hành. Tạp chí The Wall Street Journal đã căn cứ đoạn video được đăng tải vào thời điểm đó suy luận rằng, bộ điều khiển trong tay ông Stockton Rush trông giống như được hoán cải từ bộ điều khiển trò chơi điện tử không dây sản phẩm của Logitech International, được bán trên Internet với giá 49,99 USD.
Bộ điều khiển mà Titan sử dụng lúc đó dường như là một bộ điều khiển trò chơi Logitech F710 đã được sửa đổi với cần điều khiển được mở rộng thêm. Hiện tại không thể xác nhận liệu sản phẩm của Logitech có được sử dụng trong sứ mệnh lần này của tàu Titan hay không và Công ty Ocean Gate hiện chưa phản hồi hay đưa ra bình luận.
Theo một video quảng cáo do Công ty Ocean Gate phát hành vào năm 2014, phiên bản đầu tiên của tàu lặn mang tên Cyclops, được điều khiển bằng bộ điều khiển (gamepad) của Sony PlayStation 3. Bộ điều khiển trò chơi Logitech F710, được tung ra thị trường lần đầu tiên vào năm 2010, tương thích với các máy tính sử dụng hệ điều hành Windows và ChromeOS. Ông Michael Pachter, Giám đốc điều hành tại Công ty chứng khoán Wedbush Securities cho biết, những bộ điều khiển như vậy có thể được sử dụng để điều khiển các loại máy khác miễn là bộ điều khiển và máy sử dụng cùng một loại tín hiệu.
Nhà phân tích Will McKeon-White của hãng nghiên cứu thị trường Forrester Research cho biết, việc ứng dụng bộ điều khiển trò chơi cho mục đích bên ngoài trò chơi điện tử là khá phổ biến. Người dùng thường thấy quen thuộc với chúng vì chúng tương đối trực quan khi thao tác; quân đội Mỹ và quân đội một số nước đã sử dụng chúng để điều khiển xe cộ và cho các ứng dụng khác. Tuy nhiên Lầu Năm Góc đã không trả lời yêu cầu bình luận về ý kiến này của Will McKeon-White.
Một vấn đề được coi là lỗ hổng nghiêm trọng khác là vấn đề thông tin liên lạc giữa tàu Titan với tàu mẹ “Polar Prince” trên mặt biển. Sau khi tàu Titan mất tích hôm 18/6, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng dịch vụ internet “Starlink” là thủ phạm của vụ tai nạn, nhưng ngày 21/6, ông chủ Starlink Elon Musk đã lên tiếng phủ nhận. Phần lớn sự nghi ngờ bắt nguồn từ các dòng tweet viết trước đó trên tài khoản Twitter của Công ty Ocean Gate Expeditions, công ty chủ quản tàu “Titan”, đã viết “Starlink” sẽ cung cấp thông tin liên lạc cần thiết cho sứ mệnh du lịch thăm tàu “Titanic” trong cả năm 2023.
Theo trang web của Công ty Ocean Gate Expeditions, bản thân chiếc tàu lặn “Titan” đã không sử dụng “Starlink” để liên lạc với tàu mẹ “Polar Prince” trên mặt nước. Thay vào đó, công ty đã sử dụng sonar hoặc hệ thống âm thanh học, người điều khiển và tối đa bốn hành khách trên tàu có thể nhận được tin nhắn văn bản từ tàu mẹ qua hệ thống này. Theo trang web của công ty, thủy thủ đoàn trên tàu mẹ “Polar Prince” cũng sử dụng sonar để theo dõi vị trí của “Titan”. Nhưng giữa hai con tàu lại không có kênh liên lạc nào khác. Bên trong tàu lặn “Titan” có một mạng Wi-Fi, nhưng chỉ dùng cho kết nối giữa các thiết bị bên trong tàu lặn.
Công ty Ocean Gate Expeditions nói rằng, nếu tàu lặn nổi lên thành công, nó sẽ thiết lập liên kết với tàu mẹ thông qua “Starlink”. “Tàu ngầm “Titan” được thiết kế để tự động nổi lên trong trường hợp gặp sự cố và giữ liên lạc với các tàu nổi thông qua kết nối internet được cung cấp bởi hệ thống “Starlink” của Elon Musk”, Ocean Gate thông báo với giới truyền thông. Ngoài ra, công nghệ hiện tại của “Starlink” cũng hầu như không thể hoạt động ở độ sâu cực lớn và sóng vô tuyến tần số cao được các vệ tinh của nó sử dụng cũng không thể xuyên qua quá vài inch nước biển.
Đúng là có chuyện quan hệ đối tác giữa công ty Ocean Gate với “Starlink”, nhưng cả hai bên đều không cho biết liệu dịch vụ internet vệ tinh có được sử dụng để điều hướng trên tàu ngầm hay không. Xét từ quan điểm kỹ thuật, việc truy cập Internet từ tàu ngầm mới chỉ đang ở trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu và không dễ thực hiện, đặc biệt là đối với các tín hiệu tần số cao của Starlink.
Theo kế hoạch, tàu Titan sẽ đưa các du khách thăm xác con tàu Titanic chìm ở độ sâu 3.810 mét dưới đáy đại dương. Chi phí của mỗi người cho chuyến đi dài 10 ngày này là 250.000 USD. Năm người trên tàu tử nạn bao gồm Stockton Rush, Giám đốc điều hành của Ocean Gate Expeditions – Công ty chủ quản tàu “Titan”; Paul Nargeolet chuyên gia lái tàu lặn người Pháp đã nhiều lần tham gia khảo cổ và thám hiểm tàu “Titanic” nên được mệnh danh là “Mr. Titanic”; Hamish Harding, tỷ phú 58 tuổi người Anh, Chủ tịch Công ty Action Aviation, người đã đi vòng quanh cả Bắc Cực và Nam Cực, từng lặn xuống đáy của rãnh Mariana và tham gia sứ mệnh không gian có người lái của Blue Origin hồi năm ngoái. Hai người còn lại là cha con Shahzada Dawood và Suleman Dawood, một trong những gia tộc giàu có nhất Pakistan.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-khiem-khuyet-cua-tau-lan-titan-post1545619.tpo