Những 'kho báu' dưới đáy biển

Theo Giáo sư Mắc Xta-ni-phót, Đại học Monash của Ô-xtrây-li-a, người có thâm niên 40 năm nghiên cứu về khảo cổ học dưới nước: 'Số lượng di tích tàu cổ đắm và di sản dưới nước ở vùng biển Việt Nam rất nhiều. Tiềm năng khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam rất lớn và có niên đại hàng chục nghìn năm. Các cảng và thương cảng cũng có niên đại ít nhất 2.000 năm trước Công nguyên'. Câu chuyện của ông đã hé lộ những kho báu ẩn giấu dưới biển.

Giáo sư M.Xta-ni-phót có nhiều ý kiến đóng góp cho khảo cổ dưới nước của Việt Nam.

Giáo sư M.Xta-ni-phót có nhiều ý kiến đóng góp cho khảo cổ dưới nước của Việt Nam.

Tuyến hàng hải 500 năm

Năm 1511, các thương nhân Bồ Đào Nha đã lập thương điếm tại Ma Cao để giao thương buôn bán. Các năm 1601, 1613 và 1617, tàu Đông Ấn của Hà Lan đã vào Đàng Trong, năm 1633 thiết lập quan hệ buôn bán và lập thương điếm ở Hội An, do ông Đu-díc-cơ phụ trách. Suốt nhiều thế kỷ nối tiếp, dọc theo chiều dài bờ biển Việt Nam diễn ra các hoạt động giao thương tấp nập của thương nhân các nước Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Việt Nam, Hà Lan…

Trong cuốn du ký của nhà hàng hải người Anh là Uy-li-am Đam-pi-ơ đã ghi chép khá tỉ mỉ và đầy cảm xúc khi hải trình theo tàu buôn qua Xin-ga-po, qua Côn Đảo, Cù Lao Ré (Lý Sơn), Cù Lao Chàm và mô tả xứ Đàng Ngoài: "Những hoa tiêu ở vùng cửa sông này là dân chài ngụ cư trong một xóm ngay ở cửa sông có tên là Batsha (Tiên Lãng, Hải Phòng). Thôn này nằm tại một địa điểm thuận tiện để họ có thể trông thấy các tàu đang chờ hoa tiêu và cũng dễ dàng nghe thấy tiếng đại bác mà người Âu hay bắn để báo tin họ đang tới".

Lịch sử về con đường giao thương dọc theo bờ biển Việt Nam giờ tiếp tục được kể lại từ những con tàu cổ chìm đắm nhiều thế kỷ dọc bờ biển Việt Nam. Những con tàu này vừa có giá trị về mặt di sản, vừa mở ra cơ hội khai thác du lịch và trở thành điểm đến của du khách trên thế giới. Từ trước đến nay, Việt Nam đã tổ chức khai quật 6 con tàu đắm. Con tàu đầu tiên được khai quật tại Hòn Cau của Vũng Tàu.

Và con tàu cổ được phát hiện và thu hút sự chú ý nhiều nhất, đó là tàu cổ tại bãi biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn vào ngày 26-3-2013. Dù bị chìm từ thế kỷ XIII, nhưng con tàu này vẫn còn tương đối nguyên vẹn và được biển cả bảo vệ. Vị trí tàu chìm cách bờ 200m, nằm dưới độ sâu 4m. Tàu có chiều dài 20,5m, rộng 5,6m; thân tàu được chia làm 13 khoang với 12 vách ngăn.

Phải bồi đắp sử liệu

Quảng Ngãi là địa phương đang "nóng" thông tin phát hiện tàu cổ. Cả nghĩa địa tàu cổ nằm tập trung tại vùng biển Bình Châu kéo dài ra đảo Lý Sơn. Những con tàu cổ này hé lộ con đường giao thương trên biển suốt nhiều thế kỷ mà Bình Châu - Lý Sơn là một trong những điểm đến. Trong cuộc họp báo chiều 13-10 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay, tại vùng biển Quảng Ngãi còn một số con tàu cổ khác được phát hiện, nhưng thông tin về địa điểm sẽ được bảo mật.

Còn ông Lâm Dũ Xênh, nhà nghiên cứu cổ vật tại tỉnh Quảng Ngãi thì cho biết, đang lưu giữ 3 con tàu cổ được trục vớt từ vùng biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Công ty Đoàn Ánh Dương thì mới công bố cũng vừa phát hiện thêm 2 chiếc tàu chở vật liệu làm bằng đá sa thạch, thế kỷ XV. Cách đây 1 tháng, ngư dân xã Bình Châu tiếp tục lén khai quật một chiếc tàu cổ nằm ở vị trí giáp ranh giữa 2 xã Bình Châu và Bình Phú. Con tàu này chở theo nhiều cổ vật và nằm sát mép nước nên đã bị lấy đi khá nhiều gốm sứ.

Tại Hội thảo "Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á" vừa được tổ chức tại Quảng Ngãi, với sự tham dự của 170 đại biểu trong nước và quốc tế (48 nhà khoa học, nhà nghiên cứu nước ngoài đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ; hơn 120 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa trong nước), các đại biểu đã có ấn tượng đặc biệt khi thăm nghĩa địa tàu cổ Bình Châu với rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp như: "Tại sao các con tàu chìm vào thế kỷ XIII và thế kỷ XV đều có nguyên nhân do hỏa hoạn?".

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu Việt Nam chỉ gói gọn câu trả lời: "Có thể tàu các nước hành trình dọc "con đường tơ lụa trên biển" và bị cướp biển tấn công; tàu hành trình trên biển đã ghé vào cửa biển Sa Kỳ để tiếp nhiên liệu, lương thực và bị sóng đánh chìm".

Giáo sư M.Xta-ni-phót, chuyên gia hàng đầu về khảo cổ dưới nước đã gây ngạc nhiên tại Hội thảo "Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á". Ông có trong tay nguồn tư liệu đầy sống động như một cuốn phim quay chậm về những con tàu của Công ty Đông Ấn Hà Lan bị chìm tại vùng biển Việt Nam vào đầu thế kỷ XVII trong các năm 1634, 1637, gần Hội An. Câu chuyện lưu lại số phận con tàu rất tỉ mỉ, dù sự kiện trên đã trải qua vài trăm năm.

Kiếm hàng tỷ USD từ xác tàu

Câu chuyện của Giáo sư M.Xta-ni-phót đã gợi nhắc các nhà khảo cổ Việt Nam trong nhiều năm tới, cần tiếp tục bồi bổ nguồn sử liệu cho những con tàu cổ. Nếu nghĩa địa tàu cổ Bình Châu có được bức chân dung toàn cảnh thì có thể trở thành di sản, thu hút du khách khắp nơi trên thế giới. Tại đảo Ha-oai của Mỹ, chiếc tàu Arizona bị Nhật Bản đánh chìm trong trận Trân Châu Cảng đã trở thành một kỳ quan. Giáo sư, Tiến sĩ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, mỗi năm, xác tàu cổ này mang lại lợi tức hàng tỷ USD từ khách du lịch khắp nơi trên thế giới.

Con tàu cổ 700 tuổi được khai quật tại Bình Châu.

Con tàu cổ 700 tuổi được khai quật tại Bình Châu.

Nhưng để có cách ứng xử với những con tàu cổ dưới nước, các nhà khảo cổ đều nhất trí với phương án tốt nhất là "đừng đưa lên khỏi mặt nước, chỉ di chuyển vào vị trí thuận lợi hơn". Giáo sư M.Xta-ni-phót chia sẻ cách ứng xử với cổ vật. Đó là Ô-xtrây-li-a có quá nhiều di sản dưới biển, trong khi không đủ kinh phí để bảo tồn, các nhà khảo cổ lấy lên đo đạc rồi lại chôn xuống lưu trữ cho con cháu sau này nghiên cứu.

Một số đại biểu khác cho biết: "Đối với tàu đắm thì người dân địa phương là quan trọng nhất trong việc tham gia quản lý và khai thác. Người dân tham gia thì sẽ không có nhiều rắc rối xảy ra. Vì họ có tình cảm và mối quan hệ ở đó, nếu chúng ta quan tâm đến họ thì mới có bài toán bền vững được".

Con tàu cổ có thể "lưu" lại trong lòng biển để bảo quản và nghiên cứu lâu dài, nhưng nhiệm vụ của các nhà khảo cổ là không ngừng "đào" ra số phận xung quanh con tàu, tạo ra "cảm xúc cổ vật" để trở thành trang sách giáo khoa cho thế hệ tương lai. Đồng thời cũng là cơ hội để thu hút khách du lịch.

Nếu có sự kết nối thì những con tàu cổ dưới đáy biển này còn có giá trị chứng minh cho các du khách nước ngoài biết, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm. Bản đồ Livro da marinharia - Piinto năm 1560; Sinensis Oceanus (Biển Đông) của anh em Van Lang-den, người Hà Lan, in năm 1595; Bản đồ Indiae Orientalis (bản đồ Đông Ấn) của nhà hàng hải Méc-ca-tô được in năm 1606, tại Am-xtéc-đam, Hà Lan. Những bản đồ này đều thể hiện quần đảo Hoàng Sa thuộc về xứ An Nam.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-kho-bau-duoi-day-bien/