Những khó khăn của Myanmar khi đối phó với hậu quả của động đất

Myanmar đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc ứng phó với thảm họa do trận động đất có độ lớn 7,7 vừa qua.

Lực lượng cứu hộ tại hiện trường động đất ở Mandalay, Myanmar ngày 30/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Lực lượng cứu hộ tại hiện trường động đất ở Mandalay, Myanmar ngày 30/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh CNA, trận động đất hôm 28/3 đã tấn công miền Trung của Myanmar, gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến ít nhất 1.700 người thiệt mạng và hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy. Động đất xảy ra trong bối cảnh cơ sở hạ tầng, hệ thống y tế và mạng lưới điện của Myanmar ở tình trạng kém, khiến cho khả năng đối phó với thảm họa càng trở nên khó khăn.

Trước khi trận động đất xảy ra, Myanmar đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Liên hợp quốc và các tổ chức viện trợ quốc tế cảnh báo khoảng 19,9 triệu người Myanmar đang cần hỗ trợ nhân đạo. Con số này có thể tăng mạnh sau khi trận động đất xảy ra, khi nhiều khu vực bị tàn phá và nhu cầu viện trợ trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Cô Phyu Lay Khaing, 30 tuổi, gặp lại chồng sau khi được các nhân viên cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát của tòa chung cư Sky Villa bị sập trong trận động đất ở Mandalay, Myanmar, ngày 29/3/2025. Ảnh: The Sun/TTXVN

Cô Phyu Lay Khaing, 30 tuổi, gặp lại chồng sau khi được các nhân viên cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát của tòa chung cư Sky Villa bị sập trong trận động đất ở Mandalay, Myanmar, ngày 29/3/2025. Ảnh: The Sun/TTXVN

Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), trước thảm họa thiên nhiên, hơn 15 triệu dân trong tổng số 51 triệu dân Myanmar không có đủ lương thực hàng ngày. Các tổ chức quốc tế cho biết ngay sau trận động đất, công tác cứu trợ đã gặp nhiều khó khăn, do thiếu thốn nghiêm trọng vật tư y tế, trong khi lực lượng cứu hộ không đủ thiết bị để tìm kiếm người sống sót dưới đống đổ nát.

Trận động đất xảy ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện các biện pháp cắt giảm nhân sự và tài trợ cho các cơ quan viện trợ nước ngoài của Chính phủ Mỹ. Theo đó, một triệu người dân Myanmar sẽ phải đối mặt với việc bị giảm viện trợ từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) sau khi ông Trump chỉ trích Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Chính sách này càng làm trầm trọng thêm tình hình khủng hoảng nhân đạo tại Myanmar, khiến nỗ lực cứu trợ trong bối cảnh thảm họa động đất càng trở nên khó khăn hơn.

Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã đăng tải trên mạng xã hội X rằng: “Những gì chúng ta đang chứng kiến ở Myanmar là mức độ tàn phá chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ qua ở châu Á”.

Lực lượng cứu hộ tại hiện trường động đất ở Mandalay, Myanmar ngày 30/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Lực lượng cứu hộ tại hiện trường động đất ở Mandalay, Myanmar ngày 30/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Hệ thống cơ sở hạ tầng của Myanmar, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong suốt thời gian qua.

Trận động đất cũng đã làm hỏng hệ thống liên lạc, bao gồm các dịch vụ điện thoại và Internet. Các tuyến đường bộ và hàng không bị hư hỏng nghiêm trọng, cản trở việc vận chuyển viện trợ và cứu trợ đến các khu vực bị tàn phá.

Việc thiếu thốn vật tư y tế, bao gồm thuốc gây mê, thiết bị hỗ trợ và các bộ dụng cụ xử lý chấn thương, cũng cản trở nỗ lực cứu chữa những người bị thương.

Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ cho biết các hoạt động cứu hộ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng thiếu hụt vật tư y tế và sự gián đoạn giao thông, khiến công tác ứng phó với trận động đất trở nên khó khăn gấp bội.

Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), các bệnh viện ở một số khu vực miền Trung và Tây Bắc Myanmar, bao gồm Mandalay và Sagaing, đang phải vật lộn để chữa trị cho hàng loạt người bị thương.

“Tình trạng thiếu hụt vật tư y tế nghiêm trọng đang cản trở các nỗ lực ứng phó, bao gồm bộ dụng cụ chấn thương, túi máu, thuốc gây mê, thiết bị hỗ trợ, thuốc thiết yếu và lều cho nhân viên y tế”, OCHA cho biết ngày 30/3.

Người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng bởi động đất ở Mandalay, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng bởi động đất ở Mandalay, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN

Trước tình trạng khẩn cấp này, Liên hợp quốc và các tổ chức viện trợ quốc tế đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ khẩn cấp cho Myanmar. Các tổ chức như Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã đưa ra lời kêu gọi cần 100 triệu CHF (khoảng 113,6 triệu USD) để hỗ trợ 100.000 người dân Myanmar vượt qua thảm họa và giúp họ phục hồi sau trận động đất.

Ông Alexander Matheou, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFRC, nhấn mạnh rằng đây không chỉ là một thảm họa thiên nhiên thông thường, mà là một cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp.

Trong bối cảnh đó, người dân Myanmar đang rất cần sự hỗ trợ vững chắc từ cộng đồng quốc tế để vượt qua không chỉ thảm họa thiên nhiên này, mà còn là những khó khăn chồng chất trong cuộc sống hàng ngày.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhung-kho-khan-cua-myanmar-khi-doi-pho-voi-hau-qua-cua-dong-dat-20250330184626780.htm