Những khóa 'chơi mà học' – rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ
Với mong muốn giúp trẻ tự tin, vững vàng trong cuộc sống, vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong dịp hè, nhiều đơn vị đã đầu tư mở các lớp học ngoại khóa để thu hút học sinh. Ngoài việc mở các lớp năng khiếu như: Bơi, đàn, khiêu vũ, múa, mỹ thuật, âm nhạc..., các khóa học mới với nội dung đa dạng, phong phú hơn, như: 'Học kỳ quân đội', 'Trại hè tự tin tự lập', 'Kỹ năng tự bảo vệ', 'Kỹ năng giao tiếp ứng xử'... thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh.
Các em học sinh Trường Mầm non Họa Mi (TP Thanh Hóa) tham gia học kỹ năng sống tại trường.
Ngay sau khi con trai nghỉ hè được 1 tháng, anh Lê Văn Ninh, nhân viên tại một công ty đóng trên địa bàn TP Thanh Hóa đã nhanh chóng tìm hiểu và đăng ký cho con học kỹ năng sống (KNS) phù hợp theo lứa tuổi và sở thích. Anh Ninh bộc bạch: Tôi thấy khóa học “Trại hè tự tin tự lập” của Trung tâm KNS Tâm Việt Thanh Hóa có nhiều hoạt động bổ ích giúp con rèn luyện và tích lũy kỹ năng phục vụ cuộc sống. Với mức học phí hơn 4 triệu đồng, con trai tôi được trải nghiệm 5 ngày đêm hoạt động theo đội nhóm, được giao lưu với nhiều độ tuổi, được sinh hoạt trong môi trường tập thể đầy tích cực và tính kỷ luật, trách nhiệm, đòi hỏi tình yêu thương bao bọc lẫn nhau. Các cháu cũng sẽ liên tục được rèn luyện và ứng dụng những kỹ năng thiết yếu như: Kỹ năng giao tiếp ứng xử, biết lắng nghe chia sẻ với nhau; kỹ năng tự tin trình bày, thể hiện cùng đồng đội, bày tỏ quan điểm; hình thành nền nếp sinh hoạt cá nhân, thói quen đúng giờ, lối sống tích cực, lành mạnh. Rèn luyện năng lực tự chủ, tự giải quyết vấn đề. Từ đó, phát huy kỹ năng vượt khó, thử thách chính mình để bình tĩnh trước các tình huống xảy ra.
Tương tự như anh Ninh, trước khi con nghỉ hè chị Lê Thị Loan, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) đã đến Tỉnh đoàn Thanh Hóa để đăng ký cho con trai 9 tuổi tham gia chương trình “Học kỳ quân đội”. Chị Loan chia sẻ: Có rất nhiều Trung tâm “mời gọi” đăng ký cho con tham gia các lớp KNS, nhưng tôi quyết định đăng ký cho con trai mình tham gia chương trình “Học kỳ quân đội”. Bởi, qua tìm hiểu từ những người đi trước, được biết khi tham gia khóa học ngoài việc phải học tập, huấn luyện và chấp hành giờ giấc sinh hoạt nghiêm túc theo thời gian biểu của quân đội, các con còn phải tự phục vụ bản thân từ việc gấp chăn màn, tắm, giặt giũ, phơi, gấp quần áo, dọn dẹp phòng ở... “Chính vì muốn con mình được tham gia trải nghiệm, được trang bị những bài học quý giá về tính kỷ luật, ý thức tự giác, tính tự lập, tính trung thực, sự dũng cảm, sáng tạo, sự chia sẻ và ý chí vươn lên trong cuộc sống thông qua những bài học thể dục buổi sáng; các trò chơi vận động; tăng gia sản xuất; các diễn đàn xây dựng ý thức và nhân cách; hoạt động giao lưu văn nghệ, hoạt động thể thao, hành quân dã ngoại, tham quan các di tích lịch sử, các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng... nên tôi đã quyết định đăng ký cho con tham gia chương trình này” - Chị Loan cho biết thêm.
Tại Nhà văn hóa thiếu nhi TP Thanh Hóa, các bộ môn như: Thanh nhạc, khiêu vũ thể thao, múa, họa, cờ vua, đàn... cũng được đưa vào giảng dạy. Dịp hè, đã có gần 1.000 em đến đăng ký các hoạt động văn hóa văn nghệ. Trước nhu cầu học tập ngày càng cao của các em, cùng với việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và nội dung giảng dạy, nhà văn hóa đã hợp đồng thêm trên 10 giáo viên có kinh nghiệm tham gia công tác giảng dạy, đồng thời mua sắm thêm một số trang thiết bị phục vụ học tập và tập luyện. Cùng với dạy các môn văn hóa văn nghệ, nhà văn hóa còn mở thêm các lớp KNS; hướng dẫn khôi phục các trò chơi, trò diễn dân gian mang tính cộng đồng, từ đó nhân rộng các trò chơi này trong năm học mới 2019-2020; tuyên truyền phòng chống đuối nước, phòng tránh tai nạn, thương tích cho trẻ em; hướng dẫn các em cách ngăn chặn kịp thời những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời có chính sách giảm học phí cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các em có tài năng vượt trội và trẻ em ở các xã, phường xa trung tâm TP Thanh Hóa.
Ngoài việc dạy các lớp KNS tại các trung tâm và Nhà Văn hóa thiếu nhi TP Thanh Hóa, tại các cơ sở giáo dục mầm non, việc giáo dục trẻ theo phương pháp trải nghiệm, gắn liền với hoạt động thực tế là một phương pháp giáo dục tiên tiến đang được nhiều trường mầm non áp dụng (đặc biệt là các trường tư thục trên địa bàn TP Thanh Hóa), bước đầu đã nhận được những phản ứng tích cực từ phía phụ huynh, học sinh. Tại Trường Mầm non Họa Mi (TP Thanh Hóa), ngoài việc đổi mới phương pháp dạy học, ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện KNS cho các con và xem đây là hoạt động thường xuyên trong chương trình chính khóa của các khối lớp, vì vậy, mỗi một chuyến tham quan, dã ngoại, đều được nhà trường, giáo viên lên kế hoạch, tổ chức kỹ lưỡng thông qua việc soạn các giáo án. Bằng trải nghiệm thực tế, “học mà chơi - chơi mà học”, hoạt động này đã tạo cho các bé niềm hứng thú tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh. Khi gặp phải các tình huống thực tế, các bé dễ dàng thể hiện cảm xúc, những kỹ năng xử lý; từ đó, bộc lộ những điểm mạnh, yếu của mình - điều mà khi học trong môi trường lý thuyết, sách vở rất ít khi có được.
Qua các hoạt động trải nghiệm bổ ích ở các khóa học KNS các em không chỉ học kiến thức, mà còn được va chạm với thực tế để từ đó phát triển một cách toàn diện, từng bước cải thiện các kỹ năng, nhất là khả năng tự bảo vệ mình trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, để có được kết quả tốt nhất trong giáo dục KNS cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ và khoa học giữa nhà trường và gia đình; giữa giáo viên và phụ huynh; đặc biệt, đòi hỏi cha mẹ phải luôn là người bạn đồng hành cùng trẻ, để kỹ năng học được qua khóa học không bị mai một trong ý thức các em.