Những 'khoảng trời riêng' của người già và trẻ nhỏ đang dần biến mất

Giữa đô thị ồn ào và bụi bặm 'sân chơi' của các trẻ em, một góc trời yên bình của những người già tại các đô thị mới ở thành phố Hà Nội ngày càng bị thu hẹp lại. Thay vào đó là những không gian bí bách, không được đón nhận những 'góc sân và khoảng trời' trong lành.

Mỗi buổi chiều tan học, lũ trẻ lại tìm đến một “sân chơi” công nghệ hiện đại như ti vi, iPad, những chiếc smartphone, lớn hơn chút nữa thì lại cuốn theo những lớp học thêm. Những trải nghiệm về cuộc sống, hiểu biết về xã hội không hề có. Người lớn cứ trách mãi, rằng tại sao trẻ em bây giờ quá phụ thuộc vào công nghệ, không hề có tuổi thơ vui chơi. Thật ra, những góc sân chơi của trẻ đâu có nhiều để chúng có thể thỏa thích vui đùa, thậm chí chính những người già họ cũng đang cô độc trong căn nhà của mình. Những khoảng sân đang dần bị “đánh cắp” đi, những người cao tuổi và trẻ nhỏ đang mất đi sự kết nối giữa người với người.

Đều đặn chiều nào cũng vậy, bà Nguyễn Thị Tâm (57 tuổi, quê Nghệ An) cũng đưa cháu nội xuống dưới chân tòa nhà Eco Lake View để “đổi gió”. Nhưng sân đông người, lại không có ghế đá nên bà thường ôm cháu ngồi tạm chỗ nào sành sạch. Bà Tâm cho biết, ở chung cư này đến vườn hoa hay khuôn viên sạch sẽ cho trẻ con chơi còn không có, nói gì đến sân tập thể dục hay chỗ đi dạo cho người già. Chỉ cần đó là chỗ sạch, thoáng mát, không có xe chạy qua thì bà và những người ngồi ở dưới chân tòa nhà đã mừng lắm rồi.

Bà Tâm kể: “Tôi ở quê ra Hà Nội cũng được năm rồi, vợ chồng con trai đi làm cả ngày nên bà cháu ở nhà với nhau. Cháu còn nhỏ, ở mãi trong nhà bí bách, muốn sang hàng xóm chơi thì họ cũng đóng cửa cả ngày, còn xuống dưới chân tòa nhà lại đông người, không có chỗ ngồi. Đó là còn chưa kể khói xe, bụi bặm của đường phố. Muốn đi dạo cũng chỉ là ra vào siêu thị, cửa hàng. Mình già rồi, ở quê quen đi ra đi vào cho đỡ buồn tay chân, hàng xóm cũng đông vui. Ra ở thành phố chẳng có chỗ đi lại, mà cũng chẳng dám đi xa vì sợ lạc đường. Già rồi sống thế nào cũng được, chỉ thương bọn trẻ con còn nhỏ hiếu động, sống ở chỗ chật chột, ngột ngạt quá cũng tội”.

Bà Tâm cho hay, sảnh ở tầng 1 chưa bao giờ thấy vắng người. Trẻ con chơi đông, ông bà ngồi trông các cháu, rồi người ra người vào tòa nhà lộn xộn nhiều khi cũng lo lắng va chạm. Trẻ con nhiều khi mải chơi chẳng để ý đến ai nên có khi va vào ông cụ nọ, bà cụ kia đang đi bộ quanh đó. Bà nói, giá mà có cái góc sân diện tích nhỏ thôi, lắp thêm cái cầu trượt là trẻ con cũng vui lắm rồi, ông bà trông cháu cũng nhàn.

Ở một góc sân khác, ông Vũ Đức (quê ở Thái Bình) cho biết, mùa dịch vừa rồi, trường cho học sinh nghỉ học trong khi bố mẹ đám nhỏ vẫn phải đi làm, ông đã phải đưa mấy đứa cháu về quê. Ông Đức thở dài chia sẻ: “Trẻ con sống ở thành phố bây giờ tội quá, không có không gian chơi như mình ngày xưa. Thường ngày đi học, buổi chiều chơi một lát còn đỡ, chứ mỗi năm đến hè là vợ chồng chúng nó lại gửi hai đứa con về quê cho ông bà để vừa có chỗ chơi mát mẻ, bọn trẻ chạy ra chạy vào mới hoạt bát, khỏe mạnh. Chứ ở thành phố, bố mẹ bận đi làm, xung quanh không có chỗ chơi, rồi suốt ngày cắm mặt vào iPad, ti vi… đứa nào cũng cận lòi ra mà cũng chẳng biết giao tiếp với ai như thế nào, có khi cơm ăn toàn là đồ ăn sẵn trong tủ lạnh”.

Ông Đức cho hay, thành phố giờ nhà cửa, xe cộ hiện đại thật, cái gì cũng có mà chỉ thiếu cây xanh, không khí sạch, hồ nước… mà những thứ đó thì có tiền cũng chẳng mua được. Nếu muốn có không gian, nhiều cây xanh, mặt nước, vườn hoa để hít thở không khí trong lành, còn các cháu thì được tha hồ chạy nhảy, khám phá thiên nhiên phải ra công viên hoặc đi du lịch. Khổ nỗi, công viên ở xa chỗ ở, còn đi du lịch thì mỗi năm cũng chỉ được 1 - 2 lần.

Ở thành phố bây giờ ngột ngạt quá, đi đâu cũng thấy xây dựng nhà cửa, đường sá, nhưng cây xanh, hồ nước thì chẳng thấy đâu. Cả ngày đã phải học hành ở trường mà về nhà cứ bắt bọn trẻ ở trong nhà xem tivi với nghịch điện thoại nhiều khi cũng thấy khổ thân các cháu. Xuống sân chơi cũng phải xuống sớm lúc chưa có nhiều trẻ, khi nào nhiều người xuống chơi thì ông cháu dắt nhau về.

Cũng sống ở chung cư được 2 năm, chị Tuyết Ngọc (KĐT Thanh Hà) cho biết, gia đình chọn sống ở đây là vì ngày ấy mua được căn hộ vừa túi tiền và thu nhập của gia đình, tuy nhiên đến khi vào ở mới thấy nhiều bất cập. Hằng ngày, hai đứa con trai của chị tan học buổi chiều, muốn tìm chỗ chơi là rất khó.

Chị chia sẻ: “Nhà tôi có hai cháu trai khá hiếu động, một cháu đang học tiểu học còn một cháu đang học lớp mầm 5 tuổi. Công việc của bố mẹ bận rộn, chiều tan học đón con về thì chúng cũng chỉ ở trong nhà xem ti vi hay đọc truyện, nếu xuống dưới sân thì toàn xe cộ mọi người tan tầm về, trẻ con chẳng may lại va chạm thì nguy hiểm. Cuối tuần mới sắp xếp cho các con đi công viên. Vào kỳ nghỉ hè thì phải gửi các cháu về quê với ông bà, chứ ở đây không có ai trông, mà nhốt con cả ngày ở nhà thì không yên tâm. Giá khu vực nhà tôi có khu vui chơi thì còn cố gắng sắp xếp cho con ở lại cùng bố mẹ, chứ giờ nếu muốn cho con đến khu vui chơi ở các trung tâm thương mại đều mất tiền, mỗi tuần một lần cho các cháu đi chơi còn được chứ hằng ngày thì lại thành gánh nặng kinh tế với gia đình”.

Bé Tú đang chơi quanh quẩn trước một siêu thị trong khi đợi mẹ mua đồ đã nói: “Cháu cũng muốn có một cái sân rộng để đá bóng. Còn ở đây nhiều xe, bố mẹ nói đá bóng hỏng xe của họ không có tiền đền. Nhiều khi bố mẹ không cho bọn cháu xuống sân chung cư chơi vì sợ xe cộ, nếu có xuống đây chơi cũng phải vừa chơi vừa để ý tránh xe nên bọn cháu đều rất khó chịu”.

Dù sống ở đâu, chung cư cao cấp hiện đại hay bình dân giá rẻ nào thì bố mẹ và các con vẫn luôn khát khao có khoảng không gian thoáng đãng để vui chơi giải trí. Với người lớn, định nghĩa đơn giản về một sân chơi cho trẻ em là đủ không gian chạy nhảy, đủ an toàn, đủ lành mạnh giữa thời đại công nghệ số.

Còn với những người già, "góc sân" của họ chỉ đơn giản là chỗ ngồi sạch sẽ, thoáng mát, có vài cây xanh và đủ để họ đi bộ cho giãn gân cốt. Bởi cuộc sống hiện đại khiến con cháu bị cuốn vào nhịp sống hối hả, không còn thời gian để trò chuyện, chia sẻ cùng ông bà, nên dù chưa có thống kê và chưa ai thống kê, nhưng thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều hơn người cao tuổi cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

Ở một góc sân của khu đô thị đông người qua lại, chúng tôi gặp một cụ bà đang chậm chạp bước từng bước nhỏ. Đó là bà Đỗ Hương, 80 tuổi (quê ở Hải Phòng) có 3 người con gồm 2 gái, 1 trai. Sau khi chồng mất, các con gái đều có gia đình riêng và ở xa, không có điều kiện chăm sóc, nên bà theo con trai ra Hà Nội sinh sống. Vợ chồng con trai làm ăn buôn bán nên lúc nào cũng bận rộn.

Các cháu bận học ở trường cả ngày, buổi tối lại đi học thêm, không có thời gian nói chuyện với bà. Cả ngày bà Hương chỉ quanh quẩn trong căn hộ, trừ lúc tối ăn cơm là được thấy mặt đầy đủ con cùng cháu. Nhiều lúc, bà xuống dưới sảnh đi bộ vài bước chân cho đỡ buồn, nhưng các con lại khuyên bà lên phòng cho đỡ mệt, dưới sân chật chội, đông người, trẻ con va vào ngã ra lại khổ. Đã sống với con cháu được một thời gian mà bà vẫn không quen cảnh tù túng, không ai nói chuyện hằng ngày, muốn làm bạn với hàng xóm, láng giềng cũng không có.

Nỗi niềm của bà Hương cũng là nỗi niềm của bao người già khác đang sống ở các đô thị mới. Họ cũng chỉ ao ước có một góc sân có nhiều cây xanh, và chỉ cần được đi dạo loanh quanh, mỏi chân có ghế đá ngồi nghỉ, có những người cùng lứa tuổi trò chuyện đã là hạnh phúc lắm rồi. Thế nhưng “góc sân và khoảng trời” với các cư dân đô thị ngày càng trở nên xa vời...

Theo “Báo cáo kết quả rà soát đánh giá thực trạng vườn hoa, sân chơi công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội” công bố năm 2018, có đến 266 phường xã (trong tổng số 358 phường xã) thiếu số lượng điểm, diện tích sân chơi, vườn hoa. Cần bổ sung hơn 122ha, trong đó các quận nội thành thiếu gần 40ha, huyện ngoại thành thiếu hơn 82ha. Còn theo số liệu từ Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, hiện cả thành phố có 53 công viên vườn hoa với diện tích hơn 320ha (1m2 cây xanh/người). Ngoại thành có 15 vườn hoa công viên với 60ha đất, như vậy thấp rất nhiều so với tiêu chuẩn. Trong khi đó, tiêu chuẩn ngành Xây dựng đặt ra là 2m2 cây xanh/người, đối với đô thị đặc biệt là 7m2 cây xanh/người.

Dạo một vòng quanh trục đường vành đai 3, đi từ bán đảo Linh Đàm về đến tận Mỹ Đình, đâu đâu cũng là nhà cao tầng san sát và nhìn lên tứ phía đều là cao ốc như Linh Đàm, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính… Mỗi chiều tan tầm, người dân tan làm, xe máy, ô tô tràn lên vỉa hè, sân chơi của nhiều tòa nhà và dĩ nhiên những không gian công cộng kết nối cộng đồng giữa các tòa nhà trong một đô thị, kết nối giữa đô thị này với đô thị khác phải chịu áp lực lớn.

Ở tất cả các thành phố đáng sống trên thế giới đều có một thành phần không thể thiếu, đó là hệ thống các không gian công cộng để kết nối cộng đồng cư dân. Thế nhưng tại Việt Nam, thực tế không được như mong đợi. Không gian công cộng đang dần bị biến thành không gian riêng của một số cá nhân làm bãi gửi xe, hàng quán,... thậm chí nhiều khu đô thị, không gian công cộng được sử dụng chung là sảnh thương mại, là vỉa hè có xe cộ chạy rầm rầm khiến người lớn không yên tâm để lũ trẻ chơi đùa.

Cũng đúng thôi, một đô thị lớn như Hà Nội, lúc nào cũng thường trực trên 10 triệu dân nên nhu cầu về vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thư giãn gắn với thiên nhiên là rất lớn. Nhưng đô thị hóa nhanh, cây xanh, công viên nhường chỗ cho nhà cửa, đường sá. Hơn nữa, phần lớn các khu dân cư không có nổi một vườn hoa, vườn dạo hay dăm cái ghế đá sạch sẽ để người dân sau một ngày mưu sinh vất vả ngồi nhìn ngắm cây xanh, thở hít khí trời. Nên trẻ nhỏ hầu như bị nhốt mãi trong nhà, người già cũng bó gối trong phòng bởi thành phố quá thiếu không gian ngoài trời cho hai đối tượng này.

Cái khổ nhất và sẽ còn kéo dài đối với người dân các đô thị mới ở thành phố lớn là họ không có nhiều sự chọn lựa chỗ chơi, chỗ thư giãn cuối tuần và vào những ngày nghỉ lễ ngắn. Thay vì được hòa cùng thiên nhiên, tận hưởng khí trời, chốn vui chơi của người lớn, trẻ nhỏ giờ là các siêu thị, trung tâm thương mại; còn không thì ở nhà, xem ti vi, lướt mạng.

Theo giới phân tích, trong các khu đô thị, không gian công cộng ngoài trời chính là nơi mà người dân thực hiện các hoạt động thể chất ngoài trời như đi bộ, tập thể dục, thể thao. Các không gian ngoài trời này được ví như những phòng khách mở rộng của cư dân. Ở những không gian này, cư dân đô thị có thể thực hiện những giao tiếp xã hội cần thiết như gặp gỡ, trò chuyện với hàng xóm, là nơi người già nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng thiên nhiên, là nơi trẻ em chơi đùa cùng bạn bè…

Theo TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, không gian công cộng là một thành tố không thể tách rời trong phát triển đô thị, là điểm kết nối cộng đồng, thúc đẩy gắn kết cuộc sống của các tầng lớp nhân dân đô thị, góp phần hình thành, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, tạo dựng bản sắc riêng cho từng đô thị mới.

Trong một đô thị, các yếu tố đem tới sự thành công của các không gian công cộng bao gồm việc cư dân được thu hút tham gia các hoạt động; không gian thoải mái, thân thiện và có diện mạo đẹp; và phải là nơi bình đẳng để giao lưu. Thực tế cho thấy, các không gian công cộng có giá trị, ấn tượng, cảm xúc tuyệt vời, thông thường được tạo ra với một tầm nhìn rõ ràng. Nó định ra các đặc điểm, các hoạt động, tính chất, chức năng và ý nghĩa của không gian này với cộng đồng.

Trong hai giá trị vật chất căn bản tạo dựng chất lượng môi trường sống trong đô thị là thiên nhiên (địa hình, khí hậu, mặt nước, cây xanh...) và nhân tạo (không gian, kiến trúc, hạ tầng...) của một đô thị, giá trị nhân tạo thường có vị thế chủ động được điều tiết bởi ý thức của con người. Việc quy hoạch hệ thống không gian công cộng trong cấu trúc đô thị là một yêu cầu, một nguyên tắc bắt buộc trong quy hoạch tổ chức không gian, nhằm đáp ứng các nhu cầu sống, sinh hoạt, giao lưu... tối thiểu của mọi người dân sống trong đô thị, tăng tính kết nối cộng đồng.

Đừng coi thường một sân chơi, một vườn hoa, một mặt nước nhỏ, một đoạn vỉa hè thông thoáng với hàng cây xanh... được quy hoạch, xây dựng, bảo vệ, chăm sóc thường xuyên trong một nhóm nhà. Đừng làm mất đi một lối đi chung tạo nên một ngõ phố thân thuộc... Thách thức đặt ra là liệu chúng ta còn có khả năng đóng góp, dù là khiêm tốn, cho sự phát triển của các đô thị, tức là không chỉ mở rộng ranh giới đô thị, mà còn tiếp tục tạo ra cho người dân một không gian sống có thể thích ứng với những thay đổi về lối sống và những biến đổi về kinh tế hay không? Hoặc liệu chúng ta có thể duy trì được toàn vẹn hệ thống không gian công cộng đô thị khi mà bất động sản đang làm mưa làm gió và phớt lờ tất cả?

Sự sao nhãng tính hiệu quả cùng kẽ hở tại các văn bản pháp quy (luật, nghị định, tiêu chuẩn, quy chuẩn...), cũng như năng lực thiết kế, quản lí còn hạn chế... đã tạo cơ hội cho sự tham nhũng, lãng phí nguồn tài nguyên đất đai; sự chạy đua về lợi nhuận đã làm cho hệ thống không gian công cộng chỉ mang tính hình thức, hàng mẫu để trình diễn là chính nên chúng rất mờ nhạt, không rõ ràng, thiếu minh bạch và không ổn định...

Thúy An (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://batdongsan.petrotimes.vn/nhung-khoang-troi-rieng-cua-nguoi-gia-va-tre-nho-dang-dan-bien-mat-573888.html