Những khoảng trống trong chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng Covid-19
Gần 64.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng Covid-19
Chiều ngày 20/12, Viện LIGHT tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19: Bài học từ thực tiễn” theo hình thức trực tuyến. Tại hội thảo, đại diện Bộ LĐTB&XH thông tin một số kết quả từ quá trình triển khai chính sách hỗ trợ của Chính phủ (Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg) đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, tính đến nay, với nhóm chính sách hỗ trợ tiền mặt, toàn quốc đã có 27,13 triệu lượt đối tượng nhận hỗ trợ với tổng số tiền trên 31,12 nghìn tỷ đồng; bao gồm người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, lao động ngừng việc và chấm dứt hợp đồng lao động, lao động mang thai, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng thuộc diện F0 và F1, các nghệ sĩ, hướng dẫn viên du lịch và các hộ kinh doanh. Và trên 14,33 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ với tổng kinh phí 18,62 nghìn tỷ đồng. Với nhóm chính sách cho vay vốn, đã có 1.761 tỷ đồng dành cho các DN vay vốn phục hồi sản xuất và trả lương cho nhân viên.
Thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có 363.600 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp, tương ứng 9,68 triệu lao động; hỗ trợ tiền mặt cho 29.945 tỷ đồng cho hơn 12,5 triệu lao động.
Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và 44 tỉnh, thành hỗ trợ gần 14 tỷ đồng cho trẻ mồ côi do cha mẹ mất vì Covid-19 và trẻ sơ sinh của sản phụ nhiễm Covid. Thủ tướng Chính phủ xuất cấp hơn 6 nghìn tấn gạo cho hơn 422 nghìn người thiếu đói.
Các chính sách vẫn còn khoảng trống
Các đại biểu đánh giá cao chính sách cứu trợ của Chính phủ trong đại dịch Covid-19. Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và vị thành niên (SCAGA) cho thấy: Chính phủ rất chủ động và kịp thời ban hành một loạt các chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân và các DN chịu tác động bất lợi và gặp khó khăn trong đời sống và sản xuất kinh doanh. Chính sách hỗ trợ người dân và các DN gặp khó khăn do đại dịch đã bao phủ được hầu hết các nhóm dễ bị tổn thương và bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Đặc biệt, lần đầu tiên, các nhóm lao động phi chính thức đã chính thức được hưởng lợi trong các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ trong những tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, phân tích khía cạnh giới và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, nghiên cứu của SCAGA cũng chỉ ra các khoảng trống của những chính sách cứu trợ. Đó là các chính sách cứu trợ và tái thiết đã không được xây dựng dựa trên các phân tích giới về các tác động của đại dịch tới phụ nữ, nam giới và các giới khác. Cũng như chưa có các chính sách, chương trình cụ thể phòng chống bạo lực giới, nhất là bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em.
Trẻ em thuộc các nhóm dễ tổn thương và trẻ em ở các khu vực vùng sâu, vùng xa và hải đảo không có cơ hội học tập bình đẳng trong đại dịch. Với nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức, việc thụ hưởng chính sách cũng gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chưa có các chính sách/chương trình cụ thể phòng chống bạo lực giới, nhất là bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em.
Từ nghiên cứu này, SCAGA khuyến nghị thực hiện phân tích giới trước khi xây dựng các chính sách hỗ trợ và tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện tách biệt theo giới của tất cả các nhóm dân cư khác nhau ở tất cả các cấp.
Kết nối đa bên huy động nguồn lực, phát huy sáng kiến
Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong thực tế cứu trợ Covid-19 và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phối hợp nhiều bên và áp dụng công nghệ trong ứng phó khẩn cấp. Đơn cử như sáng kiến Bản đồ SOSmap cho phép người dân gặp khó khăn gửi yêu cầu giúp đỡ trực tuyến; các tổ chức và cá nhân giúp đỡ xác định được vị trí và nhu cầu trợ giúp để tránh chồng chéo. Hay, sáng kiến Khảo sát hỗ trợ người lao động M-score cho phép người dân phản hồi trực tiếp về việc tiếp nhận hỗ trợ của Chính phủ; Bản đồ D.Map giúp người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy quyền hòa nhập bình đẳng....
Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế và thu nhập của người dân mà tác động không nhỏ tới các vấn đề khác trong đời sống xã hội như sức khỏe tâm thần của người dân, đặc biệt những nhóm dân cư dễ bị tổn thương như lao động tự do, người nghèo, phụ nữ, trẻ em hay các vấn đề về bình đẳng giới, lỗ hổng trong an sinh. Vì thế, Phó Viện trưởng Viện LIGHT Bác sĩ Nguyễn Thu Giang đã khuyến nghị các chính sách hỗ trợ, phục hồi và thích ứng với diễn tiến của đại dịch Covid-19 cần xem xét kỹ lưỡng, đa chiều kinh tế, xã hội, đặc biệt yếu tố giới, y tế và sức khỏe tâm thần. Quá trình xây dựng chính sách phải có tham vấn ý kiến của đại diện các nhóm dễ bị tổn thương và những nhóm có thể bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch Covid-19.
Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam Phạm Quang Tú cho rằng, kết nối đa bên giữa các cơ quan Bộ, ban, ngành của Chính phủ với khối xã hội, DN và người dân là đặc biệt quan trọng trong xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ, phục hồi, thích ứng với các diễn tiến của đại dịch Covid-19. Việc kết hợp đa bên giúp huy động nguồn lực tài chính và phát huy được các sáng kiến trong cộng đồng, thúc đẩy tính hiệu quả và kịp thời trong triển khai, không chồng chéo trong hoạt động.