Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Mladen Antonov, hãng tin AFP, tuần qua thu hút được nhiều sự quan tâm và bình luận khi được đăng tải trên mạng xã hội Twitter. Tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc sét đánh trúng tòa nhà chọc trời ở thủ đô Bangkok của Thái Lan. Nhiều bình luận đùa rằng nhân vật Thor trong truyện tranh Marvel vừa "ghé thăm Bangkok". Ảnh: AFP.
Các nhà khoa học ước tính mỗi ngày có gần 40.000 cơn giông xảy ra trên khắp thế giới, và trung bình mỗi giây có 100 tia sét đánh trúng mặt đất, theo Live Science. Hiện tượng này biến Trái Đất thành một mạch điện khổng lồ. Trong ảnh, sét đánh thắp sáng cả một vùng trời gần Cung điện Liên bang Thụy Sĩ tại thủ đô Bern vào tháng 5/2018. Ảnh: Reuters.
Sét cũng được tạo ra bởi những cột tro trong những vụ phun trào núi lửa hoặc trong những trận cháy rừng dữ dội tạo ra một làn khói đặc đủ để dẫn điện. Trong ảnh, sét xuất hiện trên đỉnh ngọn núi lửa Sakurajima, miền tây nam Nhật Bản, khi nó phun trào vào năm 2016. Ảnh: Reuters.
Hiện tượng này còn gọi đó là sét khô, được tạo thành mà không cần có độ ẩm vẫn có thể truyền điện trong không khí. Trong ảnh, sét đánh kỳ vĩ trên đỉnh núi lửa Eyjafjallajokul ở Iceland vào tháng 4/2010. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, sét vẫn là một bí ẩn lớn đối với các nhà khoa học về sự vận động của Trái Đất. Nếu tính từ thời điểm Benjamin Franklin và cuộc thử nghiệm nổi tiếng thu sét bằng diều, suốt gần 250 năm qua các nghiên cứu vẫn chưa làm rõ được hoàn toàn cách vận hành của hiện tượng này, theo Live Science. Ảnh: Reuters.
Chúng ta chỉ có giải mã được về bề mặt, rằng điện tích dương được sản sinh trên đỉnh những đám mây giông, và điện tích âm tăng lên ở đáy các đám mây. Tia sét xảy ra khi đám mây tích điện âm đủ lớn, vượt qua được điện trở của không khí và phóng điện xuống mặt đất. Trong ảnh, Nhà thờ Lớn tại Hà Nội khi một cơn giông ập đến. Ảnh: Reuters.
Theo Joe Dwyer, chuyên gia về sét tại Viện Công nghệ Florida, khoa học vẫn đối diện 3 câu hỏi lớn về hiện tượng này: Làm sao để đám mây giông tích điện, sét đánh được kích hoạt như thế nào, và bằng cách nào một tia sét có thể đi hết quãng đường đến mặt đất, nghĩa là biến không khí từ điện trở thành yếu tố dẫn dòng điện. Ảnh: Reuters.
Theo Dwyer, khoa học những năm qua đã phát triển được nhiều phương thức mới để đo lường sét và những cơn bão. Đầu thế kỷ này, các nhà khoa học còn bất ngờ phát hiện sét tạo ra tia X và tia Gamma. Tuy nhiên, hiện tượng vật lý này vẫn là một bí ẩn lớn của thiên nhiên, nên về lý thuyết chúng ta chưa thể loại Thor, thiên lôi hay thần Zues khỏi danh sách nguyên nhân. Ảnh: Reuters.
Hơn 1.200 vụ sét đánh chỉ trong vòng ba tiếng ở Seattle Theo ghi nhận của cơ quan thời tiết quốc gia ở Seattle, Mỹ, một cơn giông kéo dài hơn ba giờ có tới hơn 1.200 vụ sét đánh.
Tinh Minh