Những khởi nghiệp công nghệ nhỏ sẽ trở thành người khổng lồ

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sáng nay, 9/5.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, tăng năng suất lao động, phát triển nhanh, bền vững, thoát bẫy thu nhập trung bình... là câu hỏi đặt ra cho Việt Nam hiện nay với khát vọng về một đất nước hùng cường, phát triển. Công nghệ chính là lời giải cho những bài toán này. Sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra cơ hội, thời cơ "có một không hai" cho Việt Nam.

"Việt Nam là cái nôi để doanh nghiệp công nghệ đi ra toàn cầu, giải các bài toán toàn cầu. Sử dụng công nghệ nhân loại sẽ đưa Việt Nam ra thế giới", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo ông, đây là lần đầu tổ chức diễn đàn công nghệ mang tầm cỡ quốc gia, bàn về tương lai phát triển của Việt Nam. Slogan "Make in Việt Nam" chính là chiến lược tạo ra điều đó. "Make in Vietnam" là một cách gọi sáng tạo, muốn nói đến sự sáng tạo, thiết kế và sản xuất đều thực hiện tại Việt Nam. Đây là trách nhiệm của chúng ta như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu "Nếu chúng ta chỉ lắp ráp thì không thể giải bài toán năng suất lao động. Công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ông nêu ví dụ, các công ty không thể sản xuất, marketing hiệu quả nếu không áp dụng công nghệ. Các công ty công nghệ, sản suất công nghệ đều là nhân tố quan trọng để phát triển Việt Nam Vì vậy, phát triển công nghệ là ưu tiên hàng đầu.

“Muốn có các doanh nghiệp công nghệ thì việc tạo ra thị trường có lẽ là quan trọng nhất. Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia, nếu chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu, để sinh ra các công ty công nghệ. Chuyển đổi số quốc gia diễn ra nhanh và trên phạm vi toàn quốc, trong mọi lĩnh vực, từ doanh nghiệp tới chính phủ và xã hội, cũng sẽ tạo ra thị trường vô cùng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Năm 2019 này, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia - Digital Vietnam, nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số. Đổi mới sáng tạo diễn ra thuận lợi nhất là trong môi trường số. Bởi vậy mà chuyển đổi số được coi là tiền đề cho đổi mới sáng tạo diễn ra rộng khắp”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Năm 2019, Việt Nam sẽ chuyển đổi số nền kinh tế. Chuyển đổi số là tiền đề cho đổi mới sáng tạo. Nói đến công nghệ là nói đến nhân tài. Ngoài đội ngũ nhân tài trong nước, Việt Nam đang thu hút nhiều nhân tài trong và ngoài nước. Diễn đàn sẽ lắng nghe những đề xuất để thu hút nhân tài toàn cầu.

Theo Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đổi mới sáng tạo không thể không nói đến những startup. Những khởi nghiệp công nghệ này đang tạo ra sự thay đổi trong nền kinh tế, rồi nhanh chóng vươn mình trở thành những tập đoàn công nghệ toàn cầu. "Việt Nam rất cần những doanh nghiệp như vậy", ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Diễn đàn lần này cũng sẽ nói đến hệ sinh thái sáng tạo, startup công nghệ. Theo đó Việt Nam cần các khởi nghiệp công nghệ, bước đầu sử dụng công nghệ để phát triển giải pháp rồi từ đó tạo nên cuộc cách mạnh công nghệ toàn dân. Những khởi nghiệp công nghệ nhỏ sẽ trở thành người khổng lồ.

"Sự chuyển đổi lớn nhất là của tất cả mọi người. Nơi ứng dụng công nghệ đầu tiên là giáo dục và các doanh nghiệp giáo dục. Đổi mới giáo dục, dạy ICT và ngoại ngữ là thiết yếu. Chúng ta cần ngôn ngữ mẹ đẻ để để duy trì văn hóa, tiếng Anh để hội nhập và ICT để giao tiếp với máy móc. Chúng ta đặt ra một khát vọng và một tầm nhìn, chúng ta có niềm tin vào tương lai Việt Nam, niềm tin vào công nghệ và sự phát triển của các doanh nghiệp và sự phát triển của đất nước", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.

N.Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-nghe/nhung-khoi-nghiep-cong-nghe-nho-se-tro-thanh-nguoi-khong-lo-tintuc436406