Những Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên biển, đảo quê hương
Trong số rất nhiều hành trang mang theo, những công trình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh mà quân, dân Thành phố Hồ Chí Minh mang đến các đảo chứa đựng những giá trị tinh thần lớn lao, thể hiện sự gắn bó và trách nhiệm của đất liền với biển đảo quê hương.

Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trao Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/10.
Các công trình được thiết kế đa dạng, nhiều mẫu mã khác nhau để tiện trang trí trên các đảo, nhà giàn DK. Và đặc biệt, rất nhiều câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp, lời dạy của Người được trang trí đẹp về hình thức, dễ hiểu, dễ nhớ về nội dung để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên đảo.
Công trình của cả trái tim
Anh Nguyễn Nhật Bằng, Phó Bí thư Thường trực Đoàn Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành viên tích cực trong quá trình thực hiện công trình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của tổ Hòn Khoai (thành viên các nhóm được đặt tên theo hòn đảo sẽ đến thăm - PV).
Ban ngày bận rộn với công tác đoàn tại trường, tối về, Nhật Bằng lại miệt mài với việc lên ý tưởng, sưu tầm tư liệu, thiết kế để triển khai công trình. Những cuộc họp nhóm diễn ra liên tục để bàn thảo phương án tâm đắc nhất.
"Đây là công trình rất có ý nghĩa đối với quân và dân trên các đảo nên các thành viên chuẩn bị tỉ mỉ từng chút một. Điều hạnh phúc nhất của các thành viên trong tổ là thấy mình đang được góp sức mang tình cảm của lãnh đạo và nhân dân thành phố, lan tỏa những điều ý nghĩa đến với đảo xa", Nhật Bằng cho biết.

Anh Nguyễn Nhật Bằng cùng cán bộ, chiến sĩ trang trí Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên đảo Hòn Chuối
Chuyến đi lần này, Bằng và các bạn trẻ cũng đã mang theo nhiều đầu sách, hình ảnh tư liệu về Bác Hồ để trao tặng đến cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, nhà giàn DK sẽ đi qua.
Những công trình ý nghĩa này không chỉ thực hiện một cách hiệu quả Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 mà còn thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa nhân dân thành phố và các lực lượng đang bảo vệ chủ quyền Tổ quốc cùng học tập và làm theo lời Bác Hồ kính yêu
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
Còn tại đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa Lớn), nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những công trình văn hóa, tinh thần quan trọng bậc nhất trên đảo đối với quân và dân nơi đây.
Đi vào hoạt động từ năm 2010, trong khu vực chính của nhà tưởng niệm trưng bày rất nhiều hình ảnh, tư liệu gắn với cuộc đời, sự nghiệp hoạt động của Người. Mỗi tư liệu là một câu chuyện lịch sử để các thế hệ mai sau nỗ lực rèn luyện, học tập.

Một góc trưng bày hình ảnh, tư liệu lịch sử và cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa Lớn
Dẫn chúng tôi tham quan địa chỉ này, Thiếu tá Lý Quý Cường, Chính trị viên cụm chiến đấu 2, đảo Trường Sa Lớn cho biết, công tác giáo dục chính trị tư tưởng là nhiệm vụ, trách nhiệm rất quan trọng để mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo trau dồi bản lĩnh chính trị và rèn luyện ý chí trong hoàn cảnh đặc thù trong môi trường biển, đảo. Vì vậy, khu nhà tưởng niệm là “địa chỉ đỏ” mà cán bộ, chiến sĩ thường xuyên lui tới để tìm hiểu, rèn luyện.
Thiếu tá Lý Quý Cường cho biết thêm, trong các chuyến ra thăm đảo của quân và dân đất liền, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều tư liệu, sách, trong đó có tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ. Đây là nguồn tư liệu bổ sung phong phú thêm cho khu vực trưng bày trong nhà tưởng niệm cũng như tủ sách của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông A đọc sách tại tủ sách của đơn vị
Trong đợt công tác đến với biển, đảo tây nam mới đây, ông Dương Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: với những tình cảm đặc biệt dành cho cán bộ, chiến sĩ tại các đảo và nhà giàn DK1/10, ngoài món quà là bộ máy vi tính, máy in để phục vụ công tác thì tổ chúng tôi cũng tâm huyết thực hiện một không gian văn hóa Hồ Chí Minh để gửi tặng cán bộ, chiến sĩ trên các đảo. Đây không chỉ là tấm lòng mà còn là cách để quân dân trên đất liền và biển đảo luôn hướng đến những lời dạy của Bác Hồ để ra sức thi đua, rèn luyện.
Thấm nhuần lời dạy của Bác để yêu biển, đảo hơn
Trong hải trình kéo dài 7 ngày đến các đảo, nhà giàn DK1, đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn đại biểu cùng các thành viên trong đoàn đã trực tiếp trao tặng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại sáu điểm đảo: Hòn Khoai, Thổ Chu, Hòn Đốc, Nam Du, Hòn Chuối và Nhà giàn DK1/10.
Cứ mỗi lần trao tận tay công trình ý nghĩa này, đồng chí Nguyễn Phước Lộc đều nhấn mạnh, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã và đang được chính quyền và nhân dân thành phố lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, các tầng lớp nhân dân thành phố mang tên Bác. Và không gian ấy, khi hiện diện trên biển, đảo quê hương thì sẽ càng trở nên ý nghĩa hơn.

Lãnh đạo Quân chủng Hải quân, Vùng 2 Hải quân và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trao Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ đảo Hòn Đốc
Thông tin đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Minh Tuấn cho biết, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một chủ trương sáng tạo của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Công trình đã được các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố tập trung thực hiện với nhiều cách làm đa dạng, phong phú.
Sinh thời, Bác Hồ từng ba lần đến thăm bộ đội Hải quân (năm 1959, 1961 và 1962). Mỗi lần Bác đều có những chia sẻ, căn dặn rất tâm huyết đối với những người lính ngày đêm bám đảo, bám biển. Khắc ghi lời dạy của Người, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ bộ đội Hải quân luôn ra sức thi đua học tập, rèn luyện để quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đại tá Đỗ Kim Tùng, Chính ủy Trung đoàn 551
Sau gần ba năm triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có khoảng 3.000 thiết chế vật thể giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật viết về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các công trình đều được trưng bày, giới thiệu ở các không gian mở để người dân thuận tiện trong việc tìm hiểu, lan tỏa.
Những công trình ý nghĩa này không chỉ thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 mà còn thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa nhân dân thành phố và các lực lượng đang bảo vệ chủ quyền Tổ quốc cùng học tập và làm theo lời Bác Hồ kính yêu.
Theo Thiếu tá Lê Đình Tiến, Chính trị viên nhà giàn DK1/10, dù diện tích trên nhà giàn không được rộng như trên các đảo nhưng đơn vị sẽ trang trí công trình này ở vị trí trang trọng nhất để mỗi ngày được đọc, được nhìn những hình ảnh về Bác Hồ kính yêu.
Đó cũng là cách anh em trong đơn vị trau dồi tư tưởng, bản lĩnh chính trị; thấm nhuần lời căn dặn “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp ta phải biết giữ gìn lấy nó” của Người.

Chiến sĩ đảo Hòn Đốc với Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Còn Đại tá Đỗ Kim Tùng, Chính ủy Trung đoàn 551 cho biết: Tại đơn vị, cán bộ, chiến sĩ cũng đã xây dựng phòng Hồ Chí Minh là một thiết chế văn hóa, một điểm hẹn văn hóa giáo dục lịch sử truyền thống nên khi được cán bộ, nhân dân trên thành phố mang tên Bác trao công trình càng làm phong phú thêm không gian này cho đơn vị.
Đặc biệt, công trình này sẽ giúp cho các điểm đảo gần hơn với đất liền, thấy được tình cảm của Thành phố Hồ Chí Minh luôn đồng hành, gắn bó với cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Sinh thời, Bác Hồ từng ba lần đến thăm bộ đội Hải quân (năm 1959, 1961 và 1962). Mỗi lần Bác đều có những chia sẻ, căn dặn rất tâm huyết đối với những người lính ngày đêm bám đảo, bám biển. Khắc ghi lời dạy của Người, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ bộ đội Hải quân luôn ra sức thi đua học tập, rèn luyện để quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Được nhận những Không gian văn hóa Hồ Chí Minh từ đất liền, đặc biệt là những tài liệu và hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi vô cùng xúc động. Đây không chỉ là niềm tự hào, mà còn là động lực giúp anh em chiến sĩ vững tin hơn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.