Những khu vực có khả năng cao ngập lụt đêm nay (2/8)

Đêm nay (2/8), mực nước tại các sông sẽ lên nhanh. Người dân tuyệt đối không vớt củi, đánh cá trên sông, cần neo đậu tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản chắc chắn. Không di chuyển bằng thuyền ban đêm.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho biết, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều thủy điện đã mở cửa xả đáy ứng phó với mưa lớn, nước ở các hồ dâng cao.

Trong 24 giờ tới mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống sẽ lên nhanh. Trên sông Hồng tại trạm Hà Nội đạt mức 7,20m, dưới báo động 1 là 2,30m vào sáng ngày 4/8 sau đó giảm chậm. Mực nước các sông suối tại hạ lưu khu vực đồng bằng sông Hồng- Thái Bình sẽ lên chậm và phụ thuộc vào chế độ vận hành của thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang.

Mực nước sông Cầu có khả năng đạt đỉnh trong hôm nay và ở mức trên báo động 1. Mực nước đỉnh triều các sông khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình ở mức trên báo động 1 đến trên báo động 2 vào chiều và tối ngày 2/8.

Lũ trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống dâng cao, nguy cơ ngập lụt cho nhiều khu vực.

Lũ trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống dâng cao, nguy cơ ngập lụt cho nhiều khu vực.

Một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng đồi núi, ven sông suối ở các tỉnh gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên…; khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở tỉnh Vĩnh Phúc và một số khu vực thuộc huyện Ba Vì, Sóc Sơn… thuộc TP Hà Nội. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng và ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven các sông, suối.

Do chịu ảnh hưởng của triều cường kết hợp mưa lớn cục bộ gây ngập lụt tại một số khu vực cửa sông, ven biển và một số tuyến phố nội thành của các khu đô thị và nơi trũng thấp ở các tỉnh/thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên; các tỉnh/thành phố khác có nguy cơ xảy ra ngập lụt với độ sâu ngập lớn

Ông Nguyễn Văn Hiệp cảnh báo, lũ tại một số sông trong khu vực đang ở mức cao kết hợp với triều cường nguy cơ cao gây sạt lở đất, ngập lụt vùng ven sông, các bãi nổi giữa sông, vùng trũng thấp diện rộng, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều vùng dân cư của địa phương có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân và các hoạt động kinh tế-xã hội…

Mực nước lũ các sông suối nhỏ hạ lưu sông Hồng - Thái Bình duy trì ở mức cao nhiều ngày có thể làm lở đất ven sông và ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông đồng bằng sông Hồng - Thái Bình. Lũ, ngập lụt, lũ quét sạt lở đất ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và sinh hoạt, giao thông của người dân.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, với việc các thủy điện lớn Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đồng loạt xả 2 - 3 cửa xả đáy mỗi hồ thì lượng nước theo hệ thống sông Đà, sông Hồng và sông Lô chảy về các vùng hạ lưu sẽ rất lớn.

Bà con sống ở các vùng ven sông, vùng thấp trũng của các tỉnh, thành phố gồm Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình cảnh giác nước lũ lên trong đêm nay và sáng mai.

Việc cần lưu ý là tuyệt đối không vớt củi, đánh cá trên sông; Cần neo đậu tàu thuyền chắc chắn; Neo đậu lồng bè nuôi thủy sản chắc chắn; Không di chuyển bằng thuyền ban đêm; Không đi qua ngầm tràn; Đặt biển cảnh báo vùng ngập lụt ở các tuyến đường ven sông.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-khu-vuc-co-kha-nang-cao-ngap-lut-dem-nay-2-8-169240802173743973.htm