Những khúc hát tháng 7
Một dịp tình cờ, các ca sĩ, nhạc sĩ chuyên lẫn không chuyên cùng gặp nhau, thực hiện chương trình kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ (27-7), thông qua sự kết nối của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang. Điểm chung lớn nhất giữa họ là tấm lòng đau đáu về những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, là chuỗi ký ức đậm sâu về người lính, là trăn trở tìm hài cốt đồng đội đang thất lạc…
Đại tá Lê Thanh Tâm (giữa) trình bày ca khúc "Đi tìm đồng đội" cùng nghệ sĩ ưu tú Thanh Danh (bìa phải) và một nghệ sĩ saxophone
Đại tá Lê Thanh Tâm (nguyên Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nguyên Chính trị viên Đội K93) về hưu, tận hưởng cuộc sống bình dị bên gia đình sau mấy mươi năm phục vụ trong quân ngũ. Nhưng ông nào quên được những tháng ngày vất vả, sát cánh cùng Đội K93 đi quy tập, cải táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trong và ngoài nước.
Đầu tháng 6-2020, trại sáng tác các hoạt động văn học - nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống lực lượng vũ trang địa phương (26-8-1945 _26-8-2020) được tổ chức, ông và các văn nghệ sĩ cùng tham gia.
Trùng hợp thay, thời điểm ấy Đội K93 tìm thấy 1 hài cốt liệt sĩ tại xã An Phú (Tịnh Biên). Ông nâng niu mặt thắt lưng còn sót lại trong tấm bạt ny-lon bằng đôi tay đen sạm, với ánh mắt đong đầy tiếc nuối: lại là một hài cốt liệt sĩ chưa thể xác định danh tính!
Chiều hôm ấy, ngay tại nơi ấy, ông cất giọng hát đầy nội lực, trầm buồn: “Tay cuốc tay leng đào đào bới bới/ Tôi vẫn tìm anh cho dù nơi đâu/ Mênh mông non nước chập chùng/ Trong lòng quê hương anh nằm đâu?”. Đặc biệt hơn, đó là bài hát “Đi tìm đồng đội”, được phổ nhạc trên lời thơ do ông sáng tác.
“Thời điểm sáng tác, tôi đang công tác tại Đội K93. Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vất vả lắm, nên mỗi khi tìm được hài cốt các chú, các anh, trong lòng chúng tôi là cảm xúc dâng trào khó tả. Điều đó thôi thúc tôi sáng tác một bài hát nói riêng về Đội K93, về hành trình đi tìm những đồng đội đã hy sinh. Năm 2002, tác phẩm hoàn thành, tôi trực tiếp thể hiện bài hát, được mọi người đón nhận, phản hồi tích cực. Đến mãi hôm nay, những câu hát trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh, ý chí, giúp cán bộ, chiến sĩ Đội chuyên trách hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - đại tá Lê Thanh Tâm bày tỏ.
Không trực tiếp đi tìm hài cốt liệt sĩ như cán bộ, chiến sĩ Đội K93, nhưng thượng tá Ngũ Văn Tranh (Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) lại đồng hành cùng họ kể từ khi thành lập Đội K93 đến nay (năm 2000). Hai mươi năm tham gia tuyên truyền công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong và ngoài nước để lại cho ông những cung bậc cảm xúc không thể nào quên.
“Nghĩa trang Dốc Bà Đắc (Tịnh Biên) nằm giữa thung lũng, bốn bề là núi, với hơn 3.000 ngôi mộ, anh linh liệt sĩ. Mỗi lần tổ chức lễ cải táng vào tháng 7 hàng năm, không hiểu vì sao có một đàn sếu đều đặn bay về, mây vần vũ phía trên. Năm 2012, lễ cải táng diễn ra trong cơn mưa lớn, mọi người phải mặc áo mưa để hoàn thành buổi lễ. Lúc ấy, xuyên qua màn mưa, tôi cảm thấy các liệt sĩ như người thân của mình, là cha chú, là anh của mình. Bao nhiêu năm trời, họ nằm lặng lẽ phương xa, giờ mới được trở về với quê hương xứ sở. Khung cảnh ấy khắc sâu vào lòng tôi” - thượng tá Tranh nhớ lại.
Đêm hôm ấy, ông gần như thức trắng, ghi chép lại từng lời thơ tự động hiện ra trong đầu. Ông đặt tên cho tác phẩm là “Chiều nghĩa trang Dốc Bà Đắc”. Nhạc sĩ Mộng Hải rất thích bài thơ này, nên ông phổ nhạc thành bài hát “Chiều nghĩa trang”.
“Bài thơ vốn đầy nhạc tính, nên tôi phổ nhạc chỉ trong một buổi tối. Tôi đặt nặng cảm xúc vào những câu hát “Quê anh là bếp chiều, hương rạ/ Đau đáu thân cò mẹ đợi con/ Khi anh đi, bằng lăng tím tiễn chân/ Nay anh về, đàn sếu lượn chào anh” Hai câu kết “Đón anh Tổ quốc muôn đời nhớ/ Đất mẹ nghiêng mình hôn các anh” rất tuyệt vời, tạo nên cảm xúc lắng đọng khi bài hát ngừng lại” - nhạc sĩ Mộng Hải chia sẻ.
Tác phẩm không “lên gân”, không chia sẻ lại những điều sáo rỗng, chỉ như lời tự sự của một người còn sống, nặng lòng với người đã khuất. Đó là hình ảnh người mẹ, người cha năm xưa tiễn con đi chiến đấu, rồi mãi mãi không gặp lại. Họ đau đáu chờ con trở về bên mái nhà tranh, bên bếp lửa, vào thời khắc chiều tà, khi chẳng còn biết làm gì để bận rộn, để vơi đi nỗi thương nhớ.
Với nghệ sĩ ưu tú Hồ Thanh Danh, được hòa mình vào những ca khúc về người lính, về những chiến tích hào hùng của quê hương là hạnh phúc lớn lao. Khi giọng hát của đại tá Lê Thanh Tâm cất lên “Tay cuốc tay leng…”, ông đệm đàn guitar, tiếng đàn quẩn quanh trong khu vườn, níu chặt trái tim người nghe.
Bản thân ông thường xuyên hát nhiều bài hát viết về cách mạng, về người lính, bằng tất cả sự gắn bó, tình cảm của mình. Trong dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ năm nay, ông tái hiện lại bài hát “Tức Dụp lá chắn anh hùng” (Thanh Tầm sáng tác năm 1985).
Ông tâm sự: “Bài hát có quãng rộng, giai điệu dễ đi vào lòng người. Tôi may mắn có chất giọng phù hợp, nhờ bài hát góp phần đưa tên tuổi tôi đến gần với công chúng. Tôi rất thích những câu hát “gạt đạn mà đi, đội bom mà lớn”, thể hiện hình ảnh các anh, các chú đã không ngại hy sinh, vượt mọi khó khăn tiến lên phía trước, tạo nên chiến thắng vang dội. Vào các dịp lễ lớn, tôi đều lấy bài hát này phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh An Giang, như lời tri ân của mình đến những người đã hy sinh cho hòa bình hôm nay”.
Các nhân vật trong bài viết của tôi tự sáng tác, tự hát bằng trái tim rung động, bằng trải nghiệm của chính mình. Vì vậy, lời hát ít đi sự hoa mỹ, nhiều thêm sự lắng đọng khôn nguôi. Giữa mỗi giai điệu là mênh mang tâm sự, là nỗi nhớ đồng đội, nhớ đơn vị cũ, nhớ nghề nghiệp nặng mang. Những tâm tư ấy càng đặc biệt hơn khi tháng 7 đã về…
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhung-khuc-hat-thang-7-a278059.html