Những kỉ niệm khó quên
'Tỉnh dài, huyện rộng, hợp tác xã to, Đảng lo việc Đảng, mình lo việc mình'. Đó là câu dân gian than phiền 'huyện rộng, tỉnh to' lúc bấy giờ. Ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế hợp nhất lại thành tỉnh Bình Trị Thiên có chiều dài hơn 300 cây số chạy từ đèo Ngang đến Hải Vân, tỉnh lị lại đóng tại thành phố Huế. Hạ tầng và phương tiện giao thông hồi ấy chưa được như bây giờ. Cán bộ huyện ở vùng Tuyên Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình) về Huế họp có khi phải đi mất hai ngày tàu xe mới đến nơi. Huyện cũng thế, hầu hết nhập hai, ba huyện làm một, ví như huyện Bến Hải bao gồm huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và thị xã Đông Hà; huyện Triệu Hải bao gồm huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và hai xã Ba Lòng, Triệu Nguyên của huyện Đakrông hiện nay.
Tỉnh rộng, huyện to khiến việc điều hành, chỉ đạo gặp nhiều khó khăn, tất nhiên còn thêm nhiều lí do khác nữa, nên từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỉ trước, liên tiếp có những cuộc “tái lập tỉnh”, để các tỉnh, thành trở về với địa giới hành chính cũ được hình thành từ thời thuộc Pháp. Ngày 1/7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại, sau hơn 13 năm sáp nhập ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế với tên gọi là Bình Trị Thiên. Khi chia tỉnh, tỉnh ủy viên là người Quảng Trị có đến 17 đồng chí. Anh Nguyễn Đức Hoan, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên được cử làm triệu tập viên; Tỉnh ủy họp phiên thứ nhất ngày 26/6/1989 thống nhất đề nghị Trung ương chỉ định anh Nguyễn Đức Hoan làm Bí thư Tỉnh ủy; anh Phan Chung làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; anh Nguyễn Bường làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Để chuẩn bị cho ngày di chuyển bộ máy của tỉnh về làm việc tại thị xã Đông Hà, Tỉnh ủy cử anh Nguyễn Minh Kỳ, Tỉnh ủy viên, Ủy viên thư kí UBND tỉnh Bình Trị Thiên; anh Võ Duy Chất, cán bộ Ban Kinh tế Tỉnh ủy; anh Nguyễn Xuyến, cán bộ Sở Xây dựng và tôi ra khảo sát, tìm địa điểm để sắp xếp, bố trí cho các cơ quan cấp tỉnh tạm có chỗ làm việc tại tỉnh nhà. Đông Hà lúc đó đã là thị xã nhưng không có mét đường nhựa nào (trừ Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9 đi ngang qua giữa lòng đô thị). Cả thị xã chỉ có hai ngôi nhà 2 tầng cũ kĩ, nhưng do chiến tranh bị hư hỏng nặng, được sửa chữa lại sau ngày Hiệp định Paris được kí kết năm 1973. Đó là ngôi nhà làm việc cũ của UBND thị xã Đông Hà và Nhà khách UBND tỉnh ở 68, Trần Hưng Đạo hiện nay. Ngoài ra có thêm một ngôi nhà 2 tầng mới được xây cách đó vài năm là trụ sở của Công ty Cung ứng vật liệu xây dựng Bình Trị Thiên, nay là vị trí của Trường Chính trị Lê Duẩn.
UBND tỉnh phải mượn ngôi nhà cấp 4 của Xí nghiệp 8 để làm việc, Tỉnh ủy thì mua lại ngôi nhà 2 tầng của Công ty Cung ứng vật liệu xây dựng Bình Trị Thiên, còn các cơ quan khác thì dựa vào cơ quan cấp dưới của thị xã Đông Hà hoặc mượn nhà dân để tạm có chỗ làm việc. Cán bộ tỉnh ra Quảng Trị làm việc phải đi xin nhà dân để ở hoặc mượn kho tàng, cửa hàng của các công ty hoặc mượn nhà của bộ đội để ở. Điện, nước máy không đủ dùng, không có lưới điện quốc gia, cả tỉnh lúc đó chỉ trông chờ vào 6 tổ máy GE - 66 của Liên Xô (cũ) của Nhà máy điện Đông Hà xây dựng từ năm 1973.
Tuy điều kiện, phương tiện làm việc đến nơi ăn chốn ở vô cùng vất vả và thiếu thốn nhưng cán bộ, công nhân viên chức và công nhân lao động rất phấn khởi vì Quảng Trị - tỉnh nhà đã được trở lại với tên gọi của chính mình…
Lê Hữu Thăng
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140222