Những kịch bản khi Israel đáp trả Iran
Cuộc tấn công quy mô lớn của Iran nhằm vào Israel là một hành động leo thang chưa từng có tiền lệ, có thể tạo cơ sở để Thủ tướng Benjamin Netanyahu phát động xung đột chống lại quốc gia này.
Bước đi tiếp theo của nhà lãnh đạo Israel có thể sẽ phụ thuộc vào thiệt hại từ cuộc tấn công đêm 13-4, cũng như các mục tiêu mà giới lãnh đạo Iran nhắm đến.
Iran "tính toán kỹ"
Câu hỏi quan trọng để đo lường phản ứng của Israel là bao nhiêu tên lửa và máy bay không người lái (UAV) đã bị đánh chặn trong đợt tấn công trên, theo báo Anh The Telegraph.
Kịch bản thứ nhất: Chỉ một lượng nhỏ tên lửa hoặc UAV vượt qua hệ thống phòng không Israel và đánh trúng một vài mục tiêu quân sự.
Triển khai UAV từ lãnh thổ của mình để tấn công Israel là một hành động leo thang nghiêm trọng. Tuy nhiên, nước đi này vẫn cho phép Israel và đồng minh có đủ thời gian để phản ứng.
Đây có thể là mục tiêu của Iran: một bước đi quân sự táo bạo nhằm trả đũa vụ tấn công trước đó nhưng không ẩn chứa rủi ro gây ra một cuộc chiến toàn diện với Israel.
Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu có thể đáp trả bằng các cuộc không kích nhằm vào các tòa nhà chính phủ hoặc cơ sở quân sự của Iran.
Nhà lãnh đạo Israel cũng có thể ra lệnh không kích trụ sở Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hoặc các cơ sở của lực lượng này trên khắp Iran.
Ở giai đoạn hiện tại, Israel và Iran có thể ngừng hành động thù địch, bởi cả hai nhiều khả năng cảm thấy rằng họ đã thể hiện được lập trường của mình.
Israel đáp trả ra sao?
Kịch bản thứ hai: Trận "mưa" tên lửa và UAV của Iran khiến hệ thống phòng không Israel "choáng ngợp", gây thương vong lớn ở những thành phố như Tel Aviv.
Ở kịch bản "đáng sợ hơn rất nhiều" này, Thủ tướng Netanyahu dường như không có nhiều lựa chọn ngoài đáp trả mạnh tay hơn.
Kịch bản "ác mộng": Iran và Israel xung đột toàn diện, kéo theo những quốc gia như Mỹ và Anh vào vòng xoáy giao tranh, dẫn đến tổn thất khổng lồ về nhân mạng ở hai phe.
Một yếu tố quan trọng trong xung đột Iran - Israel là chương trình hạt nhân của Iran. Khủng hoảng lần này có thể là cơ hội để Israel phá hủy toàn bộ chương trình hạt nhân của đối phương một lần và mãi mãi.
Giai đoạn cực kỳ nguy hiểm
Có nhiều lí do để tin rằng Iran không thực sự muốn một cuộc chiến với Israel.
Giới chuyên gia khẳng định Iran ở thời điểm hiện tại chưa sẵn sàng về mặt quân sự để bước vào một cuộc chiến như vậy, nhất là khi quốc gia này đang vật lộn với lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Tehran nhắm mục tiêu Israel trong một cuộc tấn công được phát động từ lãnh thổ Iran và có sự tham gia của tên lửa, không chỉ mỗi UAV.
Nói cách khác, đây là một cuộc tấn công "bất thường", không giống với những đợt trước đó, khi Iran bí mật công kích Israel hoặc dựa vào lực lượng ủy nhiệm trong khu vực để giúp họ đạt được mục tiêu.
Điều này đồng nghĩa Israel và phương Tây đang bước vào "giai đoạn chưa được biết đến" và "cực kỳ nguy hiểm".
Phép thử dành cho Israel
Đến thời điểm hiện tại, thiệt hại từ cuộc tấn công hôm 13-4 là tương đối nhỏ, được ghi nhận tại một căn cứ không quân ở phía Nam của Israel. Vụ tấn công khiến một vài người bị thương và chưa có trường hợp tử vong nào được xác nhận, đài Al Jazeera cho biết.
Theo giới chuyên gia, điều này cho thấy cuộc tấn công được Iran lên kế hoạch và triển khai một cách cẩn trọng nhằm giúp họ gửi thông điệp nhưng vẫn đảm bảo tình hình không vượt tầm kiểm soát.
Phép thử dành cho Israel là liệu họ sẽ đáp trả như thế nào? Liệu hành động trả đũa của họ có được triển khai một cách cẩn trọng? Liệu Mỹ có gây sức ép để buộc Israel và Iran xuống thang căng thẳng?
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-kich-ban-khi-israel-dap-tra-iran-196240414105843305.htm