1. Nằm ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chùa Bút Tháp là nơi lưu giữ bức tượng tác phẩm điêu khắc được đánh giá là tinh xảo bậc nhất Việt Nam. Đó là Bảo vật quốc gia - tượng Quan Âm Bồ Tát thiên thủ thiên nhãn hay tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, được tạc năm 1656.
Tác phẩm được làm bằng gỗ phủ sơn trên tòa sen với tổng chiều cao là 3,7 mét, tạo hình trong tư thế ngồi thiền định với 42 cánh tay lớn và 952 cánh tay nhỏ. Trong các tay lớn, hai tay chắp trước ngực, hai tay để trên đùi, các tay lớn còn lại có tư thế đa dạng với bàn tay trong tư thế ấn quyết.
Ở phía sau, hàng trăm cánh tay nhỏ tạo thành nhiều lớp vòng hào quang tỏa ra xung quanh pho tượng. Trong mỗi lòng bàn tay có một con mắt, tượng trưng cho sự giác ngộ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bức tượng Quan Âm Bồ Tát thiên thủ thiên nhãn chùa Bút Tháp là tác phẩm điêu khắc xuất sắc hàng đầu của nghệ thuật Phật giáo nói riêng và nghệ thuật tạo hình nói chung của Việt Nam thế kỷ 17 còn được lưu giữ đến nay.
2. Được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo vật quốc gia - tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Hội Hạ là một trong những tác phẩm điêu khắc cổ đồ sộ và tinh xảo bậc nhất Việt Nam. Vốn là tượng thờ của chùa Hội Hạ (Vĩnh Phúc), tác phẩm được tạc từ thế kỷ 16.
Về tổng thể, tác phẩm được tạc bằng gỗ với trọng lượng khoảng khoảng 3 tấn, kết cấu chia làm 3 phần: phần tượng, phần đài sen và phần bệ lục giác. Phần tượng tạc Đức Quán Thế Âm trong thế ngồi thiền với nét đặc sắc là có đến 42 đôi tay.
Một đôi tay chính chắp trước ngực thế Liên hoa hợp chưởng ấn. Một đôi đặt trong lòng kết ấn Thiền định. Các đôi tay khác tỏa đều sang hai bên với các thế ấn khác nhau và cầm các bảo pháp của Phật giáo. Đây là pho tượng cầm nhiều bảo pháp nhất so với hầu hết các tượng Quan Âm cùng dạng.
Bệ tượng được chạm khắc với những biểu tượng về vũ trụ quan: Mặt của bệ tượng trưng cho mặt biển, chính giữa bệ đầu quỉ nhô lên dang hai tay đỡ đài sen. Hình tượng này gắn liền với truyền thuyết Quan Âm Nam Hải giáo hóa quỷ Ô Ba Na Đà sống dưới biển.
3. Bên cạnh tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Hội Hạ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu giữ một Bảo vật quốc gia khác của thời Lê Trung hưng, đó là tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, một tác phẩm có niên đại từ thế kỷ 17.
Tượng có nguồn gốc từ chùa chùa Mật Sơn (Thanh Hóa), tái hiện chân dung hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595 – 166, thời vua Lê Thần Tông). Tượng được tạc bằng gỗ, cao 111cm, tạo hình trong tư thế chân xếp bằng, một tay ngửa ra đặt trong lòng đùi, tay kia giơ kết ấn Vô Úy.
Trang phục của tượng là loại triều phục với ba lớp áo trong và một áo vân kiên khoác ngoài. Riêng tấm áo choàng vân kiên của tượng được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc gỗ Việt Nam với mô típ lưỡng long triều phụng (đôi rồng chầu phượng) trước ngực.
Điểm lôi cuốn nhất của pho tượng chính là gương mặt tươi sáng rạng rỡ, phúc hậu, chân thực với dái tai dài, cổ cao ba ngấn. Các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá, tượng hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là tác phẩm đẹp nhất của nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung người Việt thế kỷ 17.
4. Chùa Ngọc Khám (Bắc Ninh) là nơi lưu giữ ba pho tượng Tam Thế tạc bằng đá, được đánh giá là độc nhất vô nhị Việt Nam. Những bức tượng Bảo vật quốc gia này được tạo tác vào thế kỷ 17 bằng chất liệu đá xanh, có chiều cao cả bệ khoảng 2,7 mét.
Mỗi bức tượng trong bộ tượng đều có hình thể nở nang, nét chạm chắc khỏe, phóng khoáng. Nhìn chung, mặc dù được tạo hình tương đối giống nhau nhưng mỗi pho tượng vẫn có những chi tiết, họa tiết riêng thể hiện cá tính và sắc thái tư duy khác nhau.
Sự độc đáo của các pho tượng này còn thể hiện ở phần bệ tượng với những đường nét điêu khắc rất tinh xảo, với hình tượng rồng có vai trò nổi bật.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, những mô típ hoa văn trang trí trên bệ tượng kế thừa nét tinh túy của nghệ thuật thời Trần và thời Lê Sơ, thời Mạc, tôn vinh được vẻ đẹp lý tưởng của Phật Pháp.
Mời quý độc giả xem video: Giải mã thông điệp ý nghĩa trống đồng Đông Sơn. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.
Quốc Lê