Những kiểu con cái khiến cha mẹ đau đầu, nhưng đừng lo lắng vì có thể chúng là đứa trẻ có năng lực, tương lai được mọi người kính nể
Nhiều người còn nghĩ con bị 'bệnh' nhưng thực tế nhiều trẻ khi lớn lên đã thay đổi rất nhiều. Con bạn có như vậy không?
Khi thấy con khác biệt với "con nhà người ta", không ít cha mẹ kêu than "Tôi phải làm gì với con?"; "Không biết sau này con có làm được trò trống gì không?"… Hay nhiều đứa trẻ có kết quả học tập thấp kém, sa sút thì khiến cha mẹ băn khoăn không biết có tự nuôi sống bản thân khi lớn lên được không.
Thế nhưng, thực tế, nhiều đứa trẻ từng khiến cha mẹ đau đầu ngày xưa thì bây giờ lại thành công, có người điều hành công ty của riêng mình. Dù không phải là tỷ phú, triệu phú nhưng đứa bé ấy cũng đã có nhà, có xe, cuộc sống dư dả.
Thế nên, tính cách của con thế nào khi còn nhỏ không có nghĩa là chúng cũng khiến cha mẹ đau đầu khi lớn lên. Đặc biệt đối với những đứa trẻ được liệt kê dưới đây, lớn lên chúng có cuộc sống rất khả quan.
Chuyên gia tâm lý Hồng Lan (Trung Quốc), đã chỉ ra 3 kiểu trẻ như vậy:
1. Trẻ hướng nội và ít giao tiếp với người khác
Trong mắt nhiều bậc cha mẹ, con sống hướng nội có nghĩa là không hòa đồng, ít bày tỏ suy nghĩ và khiến mọi người lo lắng khả năng lớn lên không làm được gì.
Cũng như bao cha mẹ phải đối mặt với những đứa con hướng nội khác, mọi người sẽ cố gắng hết sức để khiến con vui vẻ, hoạt bát. Thậm chí, dù con không thích nhưng cha mẹ vẫn làm mọi cách để lôi kéo con ra ngoài tiếp xúc nhiều người. Cha mẹ luôn lo sợ con nhút nhát, không nhanh nhẹn, quảng giao, lớn lên không có bạn.
Thế nhưng thực tế, những đứa trẻ hướng nội không phải là một khiếm khuyết về nhân cách. Giống như những đứa trẻ hướng ngoại, không có tốt hay xấu. Dù trẻ hướng nội không thích nói nhưng không có nghĩa là trẻ không giỏi nói. Và người hướng nội hành động nhiều hơn lời nói và có thể kiên trì hơn. Khi lớn lên, những đứa trẻ này cũng rất có năng lực nên cha mẹ không cần quá lo lắng.
2. Đứa trẻ nhạy cảm
Một phụ huynh từng than phiền rằng "Con tôi rất nhạy cảm, có thể cảm nhận được từng hành động, thái độ nhỏ của người khác. Khi ai đó nhìn con với ánh mắt không thiện cảm, con sẽ ngồi suy nghĩ rất lâu. Khi gặp sự cố, con bồn chồn, trăn trở rồi tự mình lo liệu. Tôi rất lo lắng cho tính cách quá nhạy cảm của con trai mình".
Tuy nhiên, sau này khi con lớn lên, người mẹ này đã dần hiểu ra sự nhạy cảm cũng rất tốt đối với mỗi người. Chẳng hạn, con có thể dễ dàng nhận ra tâm trạng không tốt của người khác và kịp thời giúp đỡ, hỏi han họ. Từ đó, trong khi có thể quan tâm lo lắng cho người khác thì sẽ chú ý hơn đến bản thân mình, luôn giữ tâm trạng vui vẻ, lạc quan.
3. Trẻ năng động
Trẻ hiếu động thích leo trèo, nhảy nhót, nghịch ngợm sẽ thường xuyên bị trấn thương. Nhiều bậc cha mẹ đau đầu không biết đến khi nào thì con mới có thể cảm nhận được nguy hiểm và ngừng làm đau mình.
Ví dụ như chúng không thể nào ngừng hoạt động trong chốc lát. Những món đồ chơi được dọn dẹp thì trong chốc lát lại được bày khắp nhà. Hay như bạn yêu cầu con đi ngủ nhưng con sẽ có hàng tỷ lý do như đi uống nước, đi vệ sinh sau đó để trốn việc đi ngủ. Tối nào gia đình cũng trong tình trạng người lớn thì buồn ngủ díu mắt còn con thì vẫn còn sung sức... Những đứa trẻ như thế này cũng khiến không ít cha mẹ đau đầu.
Thế nhưng, cha mẹ đừng quá lo lắng. Khi lớn lên, sự nhanh nhẹn, năng động đó lại là một điều có lợi khi con làm việc. Chúng cũng là mẫu người yêu thích sự khám phá bản thân, công việc càng khó khăn càng tạo niềm hứng khởi, động lực lớn.