Những kinh nghiệm bảo dưỡng giúp 'xế yêu' luôn khỏe sau những chuyến đi dài

Sau những chuyến đi dài ngày các kỳ nghỉ Hè, dịp Lễ, các tài xế cần phải bảo dưỡng một số hạng mục của xe để giúp 'xế cưng' của mình giữ được sự khỏe mạnh, an toàn cho những hành trình tiếp theo.

Sau những chuyến du lịch hè dài, những chiếc xe ôtô có thể đã trải qua những thử thách lớn do thời tiết khắc nghiệt và quãng đường di chuyển liên tục. Để đảm bảo "xế yêu" luôn hoạt động tốt, việc bảo dưỡng sau kỳ nghỉ là điều cần thiết.

Anh Lê Thế Hải, chuyên viên bảo dưỡng, sửa chữa ôtô giàu kinh nghiệm từ hãng xe Honda cho biết nhiều chủ xe thường bỏ qua việc bảo dưỡng xe sau những chuyến đi, điều này có thể dẫn đến những hư hỏng tiềm ẩn và tốn kém về sau. Việc kiểm tra và bảo dưỡng đúng cách sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của xe và đảm bảo an toàn cho người lái và gia đình trên mọi hành trình.

Dưới đây là một số kinh nghiệm đáng lưu ý về bảo dưỡng xe sau những kỳ nghỉ mà anh Hải chia sẻ tới độc giả của Báo Điện tử VietnamPlus:

Vệ sinh nội, ngoại thất

Sau hành trình dài thì việc vệ sinh lại xe là điều nên làm đầu tiên. Khi đi trên đường trong nhiều ngày liền, nhất là khi di chuyển ở đường làng, quốc lộ, cao tốc… xe sẽ bị bám nhiều chất bẩn như đất, bụi, nhựa đường, dầu thải, xác côn trùng...

 Vệ sinh xe sau những chuyến đi giúp chiếc xe trở nên sạch sẽ, bóng bẩy hơn. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Vệ sinh xe sau những chuyến đi giúp chiếc xe trở nên sạch sẽ, bóng bẩy hơn. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

“Các chất bẩn bám lâu ngày sẽ khiến lớp sơn bị ăn mòn, mất độ bóng, làm xe bạc màu. Ngoài ra, bụi phanh bám trên vành xe để lâu cũng gây tình trạng gỉ sét, khiến bánh xe xỉn màu mất thẩm mỹ,” anh Hải cho biết.

Vì vậy, chủ xe nên vệ sinh phần ngoại thất bằng khăn mềm và dung dịch chuyên dụng. Bánh xe phải dùng khăn, cọ, bàn chải riêng để vệ sinh, nhằm tránh các vết mạt sắt gây xước sơn nếu dùng chung một khăn hoặc bàn chải để lau chùi thân xe.

Đối với nội thất, anh Hải đưa ra lời khuyên rằng nên hút bụi ở sàn và ghế trước tiên, sau đó dùng khăn sạch để vệ sinh các thành phần khác. Tốt nhất là dùng dung dịch vệ sinh riêng cho từng loại chất liệu như da, da lộn, nỉ, nhựa và dùng riêng khăn cho mỗi loại dung dịch vệ sinh.

Kiểm tra và thay thế các loại dung dịch trong xe

Các loại nhiên liệu, dung dịch của xe như dầu máy, nước làm mát, dầu phanh… sẽ hao tổn và cạn kiệt sau những chuyến đi dài, vì thế việc thay thế là hoàn toàn cần thiết để kéo dài tuổi thọ của chiếc ôtô.

 Kiểm tra và bơm nhiên liệu để xe vận hành trơn tru hơn. (Ảnh minh họa: Carcam)

Kiểm tra và bơm nhiên liệu để xe vận hành trơn tru hơn. (Ảnh minh họa: Carcam)

Theo đó, loại nhiên liệu cần kiểm tra đầu tiên là dầu máy. Nếu dầu máy gần đến hạn (đối với xe phổ thông khoảng 4.000-10.000km tùy loại) thì cần châm thêm nếu thiếu hụt. Chủ xe có thể kiểm tra bằng que thăm dầu hoặc trên màn hình thông tin trong xe.

Đối với các loại nhiên liệu khác như nước làm mát, dầu phanh, nước rửa kính, chỉ cần châm thêm cùng chủng loại đang sử dụng nếu thiếu hụt. Chủ xe có thể mở capô để kiểm tra mức của các dung dịch này, một số xe đời mới có khả năng kiểm tra qua màn hình thông tin giải trí, những thông tin này được ghi rõ ở hướng dẫn sử dụng xe.

Kiểm tra hệ thống đèn, gạt mưa

Trải qua thời tiết khắc nghiệt như mưa bão, nắng nóng cũng có thể làm giảm tuổi thọ của bóng đèn và các bộ phận khác của hệ thống đèn, tương tự cả với lưỡi gạt mưa khi được sử dụng quá nhiều. Vì vậy, việc bảo trì hệ thống đèn và gạt mưa trước/sau cũng cần hoạt động tốt để đảm bảo khả năng quan sát.

 Kiểm tra hệ thống đèn xe cũng rất quan trọng. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Kiểm tra hệ thống đèn xe cũng rất quan trọng. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Do đó, chủ xe cần kiểm tra tất cả các loại đèn trên xe, bao gồm đèn pha, đèn cốt, đèn xi nhan, đèn phanh, đèn lùi, đèn sương mù... nếu phát hiện bóng đèn bị cháy, mờ hoặc không sáng, cần thay thế ngay. Nếu không bị hỏng hóc thì vệ sinh đèn pha và đèn hậu bằng khăn mềm và nước sạch để đảm bảo khả năng chiếu sáng tốt nhất.

Đối với hệ thống gạt mưa, người lái nên kiểm tra tình trạng lưỡi gạt mưa, nếu thấy mòn, rách, cong vênh hoặc lỏng lẻo, không gạt sạch nước mưa, cần thay thế ngay hoặc nên thay thế sau 12-18 tháng sử dụng. Để kéo dài tuổi thọ của cần gạt mưa, chủ xe nên vệ sinh chúng thường xuyên bằng nước sạch và tránh để chúng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trực tiếp trong thời gian dài.

Bảo dưỡng hệ thống phanh, lốp

Trải qua các cung đường đèo, dốc trong thời gian dài, các bộ phận quan trọng của xe như phanh, lốp sẽ bị mài mòn và rất nguy hiểm nếu không được kiểm tra và bảo dưỡng kịp thời.

 Bảo dưỡng, kiểm tra lốp thường xuyên sẽ giúp vận hành an toàn hơn trong mỗi chuyến đi. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Bảo dưỡng, kiểm tra lốp thường xuyên sẽ giúp vận hành an toàn hơn trong mỗi chuyến đi. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Theo đó, anh Hải cho biết với lốp xe thì có thể kiểm tra độ mòn của gai lốp bằng các vạch biểu thị độ mòn có in sẵn trên lốp, vạch này ở vị trí khác nhau tùy vào chủng loại và nhãn hiệu lốp. Thông thường, lốp ôtô có tuổi thọ 30.000-70.000 km hoặc 5-6 năm vì thế nên cần thay thế khi đã quá mòn.

Bên cạnh đó, chủ xe cần kiểm tra áp suất lốp sau mỗi chuyến đi. Khả năng cao lốp sẽ thiếu hơi một chút sau khi xe di chuyển liên tục trong nhiều ngày, do đó nên bơm thêm theo đúng mức khuyến cáo của nhà sản xuất.

Đối với cụm phanh, chủ xe nên thực hiện việc kiểm tra độ mòn của má phanh lẫn đĩa phanh để thay thế cho phù hợp. Đĩa phanh và má phanh có tuổi thọ khoảng từ 50.000-100.000 km, hoặc 3-7 năm, tùy vào điều kiện lái, cách lái xe.

Ngoài ra, người lái cũng cần tình trạng dầu phanh. Nếu dầu phanh bị thiếu hoặc bẩn, cần bổ sung hoặc thay thế ở xưởng dịch vụ chính hãng trong những lần bảo dưỡng và thay thế nếu cần thiết./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhung-kinh-nghiem-bao-duong-giup-xe-yeu-luon-khoe-sau-nhung-chuyen-di-dai-post969211.vnp