Những kinh nghiệm quý rút ra từ đợt hạn mặn lịch sử

Đợt hạn mặn vừa qua gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để ứng phó với hạn mặn mùa khô năm 2019-2020, người dân vùng ĐBSCL đã chủ động gieo sạ vụ lúa Đông xuân sớm hơn 1 tháng so với các năm trước. Các địa phương đã khẩn cấp thực hiện các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, chuyển nước về cứu nguy cho vườn cây ăn trái.

Tại tỉnh Long An, Tiền Giang và Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… chính quyền địa phương đã chủ động đắp đê, đập tạm ngăn mặn trên các kênh, rạch rất hiệu quả. Các địa phương này, còn hỗ trợ hàng nghìn bồn trữ nước, hàng trăm máy máy lọc nước mặn cấp cho các hộ nghèo, cận nghèo. Những giải pháp công trình, phi công trình chung tay ứng phó với hạn mặn rất khẩn trương, tích cực.

Tuy nhiên, do khô hạn kéo dài, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đã gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Toàn vùng có gần 7.000 ha vườn cây ăn quả, 8.700 ha thủy sản bị thiệt hại; khoảng 96.000 hộ dân với hơn 430.000 người bị thiếu nước sinh hoạt trong nhiều tháng liền; hàng trăm địa điểm ven kênh, rạch bị sạt lở, sụp lún đất rất nghiêm trọng.

Tỉnh Bến Tre dù công tác ứng phó với hạn mặn đã thực hiện quyết liệt nhưng có hơn 5.000 ha lúa Đông xuân bị chết trắng, hàng nghìn ha cây ăn trái bị thiệt hại từ 40-70%. Đặc biệt, thiệt hại vườn cây đặc sản, nhất là chôm chôm và sầu riêng rất nặng nề.

Công trình ngăn mặn trên sông Ba Lai (tỉnh Bến Tre).

Công trình ngăn mặn trên sông Ba Lai (tỉnh Bến Tre).

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre chia sẻ: "Những giải pháp của bà con đã áp dụng rất nhiều nhưng rất tiếc không được như ý, bị thiệt hại khá nhiều. Một phần là do ảnh hưởng tưới mặn trực tiếp, một phần thứ hai là do chúng ta không chặn được mặn vào nội đồng. Bà con mua nước sà lan về tưới có 2 nguy cơ: chúng tôi kiểm tra một số mẫu nước có biểu hiện nhiễm mặn; một số nước ngọt nhưng dưới đáy mương nhiễm mặn từ 1-1,5 phần nghìn. Khi chúng ta tưới nước ngọt phía trên, rễ cây ăn xuống phía dưới cây cháy hết".

Người dân tỉnh Tiền Giang vét nước cứu lúa Đông Xuân khỏi bị thiệt hại do hạn mặn.

Người dân tỉnh Tiền Giang vét nước cứu lúa Đông Xuân khỏi bị thiệt hại do hạn mặn.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, so với đợt hạn mặn năm 2016 thì hạn mặn mùa khô năm nay kéo dài hơn nhưng ít bị thiệt hại hơn; trong đó vụ lúa Đông Xuân thiệt hại chưa đến 3% so với tổng diện tích gieo sạ. Cá biệt ở tỉnh Hậu Giang chỉ có 168 ha lúa bị thiệt hại trên 30%. Đạt được kết quả này là do công tác dự báo xâm nhập mặn đã được các đơn vị chuyên ngành, nhất là việc nhận định sớm thời điểm xâm nhập mặn. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ; công tác điều hành sát sao các giải pháp ứng phó của các Bộ, ngành đã giúp các địa phương triển khai sớm kế hoạch, giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Đặc biệt việc khoanh vùng, cắt giảm, chuyển đổi thời vụ sản xuất để né mặn, giảm thiểu diện tích cây trồng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn; công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh; việc thực hiện các biện pháp công trình, phi công trình được triển khai quyết liệt, khẩn trương.

Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Chúng ta nhận dạng rất sớm những thách thức này. Chúng ta đã bàn những nhóm giải pháp để cho công tác ứng phó, thích ứng ngay từ cuối năm 2019. Nguyên nhân thứ 2 là chúng ta đồng bộ triển khai các nhóm giải pháp, 5 công trình triển khai khống chế mặn, công trình liên vùng của chúng ta đẩy rất nhanh. Thứ ba là chúng ta đẩy mạnh các giải pháp sinh học, ví dụ như thời vụ lúa Đông xuân chúng ta đẩy sớm hơn một tháng. Cái quan trọng thứ ba chúng tôi cho rằng đó là sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nhân dân có ý thức rất sớm, chúng ta đẩy nhanh hơn cơ cấu vụ Đông xuân sớm hơn một tháng".

Nhận định của các cơ quan chuyên môn, thời gian tới, do tác động từ thượng nguồn sông Mê Kông, tình hình khô hạn, nước mặn xâm nhập sâu có nguy cơ sẽ tái diễn. Do đó, chính quyền và người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện cần có những giải pháp ứng phó. Trước hết, thay đổi lịch thời vụ gieo sạ lúa theo hướng “né” mặn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng hạn mặn. Đặc biệt, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đề nghị Trung ương cần quan tâm, hỗ trợ kinh phí để xây dựng hoàn thiện các công trình thủy lợi đang thi công dở dang, tiến hành xây dựng các dự án thủy lợi mang tính liên vùng để kiểm soát mặn, ngọt.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị: "Trước mắt, chúng tôi có kiến nghị với Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn hỗ trợ cho các địa trong việc nghiên cứu, để quy hoạch, sắp xếp bố trí lại, chuyển đổi sản xuất theo những định hướng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ phê duyệt. Thứ hai chúng tôi kiến nghị sớm triển khai đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi mang tính liên vùng một cách đồng bộ để nó mang lại hiệu quả như chúng ta mong muốn”.

Mô hình trồng dưa lưới thủy canh của ông Nguyễn Thanh Hùng, tại huyện Chợ Gạo(Tiền Giang) thích ứng biến đổi khí hậu.

Mô hình trồng dưa lưới thủy canh của ông Nguyễn Thanh Hùng, tại huyện Chợ Gạo(Tiền Giang) thích ứng biến đổi khí hậu.

Đối với nước sinh hoạt mùa khô, các địa phương tiến hành củng cố, nâng chất các trạm cấp nước tập trung, kéo đường ống dẫn nước đến nơi hẻo lánh; xây dựng bể, hồ, túi trữ nước mưa, vận động người dân mua máy lọc nước mặn thành ngọt. Đặc biệt, các địa phương vùng ĐBSCL và các Bộ ngành Trung ương cần triển khai Quyết định số 633 và 324 của Thủ tướng Chính phủ về công tác thủy lợi; thực hiện Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến 2030, tầm nhìn 2045”.

Để có thể “sống chung” với hạn mặn", Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp- Nguyễn Xuân Cường lưu ý: "Tới đây chúng ta phải ý thức được, một là luôn luôn chủ động thích ứng, coi đây là việc hiển nhiên. Từ đó, đồng lòng đưa nhóm giải pháp và đồng lòng tổ chức thực hiện, tất cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, chung sức, chung lòng biến những thách thức thành những cơ hội mới. Chúng ta tìm những phương thức sản xuất, biện pháp sản xuất phù hợp nhất để không chỉ hạn chế những tác động tiêu cực mà chúng ta còn khai thác được những lợi thế, đưa ra sản phẩm thủy sản, sản phẩm trái cây, tổ chức lại sản xuất lúa, theo hướng thích ứng ngon, nhân được giá trị, thay đổi được trục sản xuất”.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái lớn nhất cả nước. Việc chủ động ứng phó với hạn mặn, duy trì và phát triển sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi tất yếu. Qua đó, bảo vệ thành quả lao động, ổn định cuộc sống của người dân, góp phần cùng cả nước tạo ra sản phẩm nông- thủy sản, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/tin-24h/nhung-kinh-nghiem-quy-rut-ra-tu-dot-han-man-lich-su-1064409.vov