Những 'kinh nghiệm xương máu' của người Việt khi mua xe ôtô cũ
Những tình huống dở khóc dở cười được người dùng Việt không ngần ngại chia sẻ để giúp 'người đi sau' đỡ phải 'mất học phí' khi tìm mua ôtô cũ đã qua sử dụng.
Khi mua ôtô, ai cũng thích "đập hộp" để tận hưởng mùi thơm của xe mới. Thế nhưng, không phải ai cũng có đủ điều kiện tài chính để mua mới. Để có thể sở hữu một chiếc xe mới, bên cạnh mức giá niêm yết, các chi phí để hoàn thiện thủ tục ra biển, lăn bánh cũng đủ để khiến người mua phải “nâng lên đặt xuống”, cân nhắc tính toán. Chính vì vậy, mua xe ôtô cũ đã qua sử dụng có thể xem là bài toán kinh tế cho người dùng Việt nếu muốn nhanh chóng thực hiện giấc mơ bốn bánh.
Mua ôtô cũ đặc biệt là các mẫu xe “lướt” với ODO thấp đang là bài toán kinh tế được nhiều người dùng Việt ưa chuộng.
Tuy nhiên, không phải lúc nào các phép toán cũng cho kết quả đúng. Thậm chí, những lựa chọn sai lầm khi mua ôtô cũ còn khiến người dùng không chỉ phải trả giá bằng tiền bạc mà còn bằng… rất nhiều tiền bạc. Đặc biệt khi những thợ xe tại các garage Việt Nam giờ đây có khả năng “phù phép” một chiếc xe cũ thành mới hay thậm chí tân trang cả những chiếc ôtô đã từng đâm đụng hoặc thủy kích.
Mới đây, trong một cộng đồng người dùng ôtô trên mạng, một bài thảo luận kêu gọi chia sẻ các “kinh nghiệm xương máu” khi mua ôtô cũ đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Qua đó, có thể thấy những câu chuyện “dở khóc dở cười” nhưng đầy tính chất “cảnh tỉnh” từ những người đã từng mua ôtô cũ.
Đầu tiên, một người dùng chia sẻ đã từng mua một chiếc Kia Morning cũ nhưng gặp phải đúng “taxi hoàn lương”. Cụ thể, theo anh này chia sẻ, chiếc Kia Morning đã từng được sử dụng làm taxi sau đó được “mông má” lại và bán cho anh với mức giá ngang với một mẫu xe gia đình.
Những chiếc xe chạy taxi thường không được bảo dưỡng, chăm sóc kỹ càng nên khi mua phải, người dùng sẽ phải tốn nhiều công cũng như chi phí thay thế, sửa chữa nếu muốn xe “ngon”. Cuối cùng, người dùng này cũng chia sẻ, sau khi bán lại chiếc Kia Morning, anh đã lỗ tới hơn 100 triệu đồng.
Một trường hợp khác không liên quan đến việc xe ôtô nát được mông má lại mà về hiện tượng “đánh tráo” phụ tùng. Đây cũng là điều người dùng cần kiểm tra kỹ khi đi mua xe mới. Cụ thể, một người dùng cho hay, lốp dự phòng nguyên bản của chiếc xe mình mua lại đã bị “đổi” sang loại lốp thường. Giá trị của phụ tùng này có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
Một người dùng khác cũng chia sẻ về hiện tượng “tráo” linh kiện nhưng nặng hơn lại là động cơ. Tuy không ảnh hưởng đến vận hành nhưng không làm được thủ tục sang tên vì “không thấy số máy”.
Cá biệt hơn, có người dùng còn chia sẻ về kinh nghiệm mua phải ôtô cũ có nguồn gốc không chính xác: “Mình mua phải xe cắm ngân hàng, làm giả giấy tờ y như thật. Đi sang tên mới phát hiện ra sau phải nhờ công an vào cuộc mới lấy lại được tiền”. Cũng trong bình luận này, một người dùng khác phản hồi: “Thằng bạn em mua trúng xe giấy tờ giả, thằng bán thì trốn truy nã, xe thì công an giữ. Coi như mất trắng”.
Theo dòng chia sẻ, nhiều người dùng cho rằng nên mua xe cũ từ người quen để có thể yên tâm hơn về chất lượng xe. Phản bác lại điều này, một người dùng đã kể trường hợp của mình: "Lần đầu mua xe cũ là một con Ford Laser từ bạn của ông anh quen, lúc đó lơ ngơ không biết gì, ông anh thì cứ bảo yên tâm. Hóa ra xe dạy lái, đến khổ, mất cơ số tiền sơn rồi sửa linh tinh. Lúc bán năm 2012 còn lỗ toi con SH”. Sau khi đọc chia sẻ này, mọi người lại rút ra kết luận: nên mua xe cũ từ người thân là yên tâm hơn cả.
Chưa hết, còn có một người mua xe cũ gặp vấn đề về… tâm linh. "Nó ở Bắc Ninh, mua con Cẩm Ly (Toyota Camry) đời 2005, 2007 gì đó. Lúc mua về trao tiền chạy về nhà lái ngon lành. Hôm sau lôi ra đi thì không thể nổ máy được, gọi thợ các kiểu cũng không nổ được. Đến khi vợ nó bảo gọi thầy cúng xem thế nào thì ông thầy phán là 1 người vẫn nằm dưới xe... cúng xong thì chạy được và hôm sau bán vội”, người dùng này cho biết.
Ngoài ra, nhiều người dùng khác bình luận trong bài đăng này còn chia sẻ những lời khuyên hữu ích dành cho những người đang có ý định mua ô tô cũ, đã qua sử dụng. Đầu tiên và quan trọng nhất đó chính là sự tìm hiểu. Nếu nhắm tới mẫu xe nào đó, người dùng nên nghiên cứu kỹ, tham khảo qua trải nghiệm của người khác để nắm được độ bền và bệnh vặt để quyết định rằng mẫu xe cũ này liệu có xứng đáng để đầu tư hay không.
Tiếp đến, nếu có mua xe cũ của người quen thì nên thật sự là người thân quen và quan trọng là phải nắm được lai lịch, nguồn gốc của xe cũng như quá trình mẫu xe này được sử dụng.
Ngoài ra, những showroom, đại lý bán xe cũ uy tín cũng là địa điểm người dùng có thể tham khảo. Tuy giá bán của xe ở những địa chỉ này chắc chắn sẽ cao hơn giá người dùng bán lại, nhưng bù lại có thể yên tâm về chất lượng cũng như nguồn gốc.
Trong trường hợp mua xe gia đình cũ, người dùng nên chịu phí vài triệu đồng để mời thợ từ các garage sửa chữa xe uy tín đi cùng. Thêm vào đó, người dùng nên kiểm tra xem chiếc xe cũ mình đang định mua có dính phải các lỗi phạt nguội hay không. Thông thường, hệ thống camera phạt nguội sẽ cộng dồn các khoản xử phạt hành chính và thông báo vào thời điểm xe được mang đi đăng kiểm hay sang tên. Do đó, cũng có nhiều trường hợp người dùng không chi trả các khoản phạt nguội này và để lại tình huống khó xử cho người mua lại xe của mình.
Đồng thời, người dùng cũng không nên ham rẻ mà mua lại những mẫu xe có đời khá sâu. Nguyên nhân là do những chiếc ôtô như vậy sẽ đòi hỏi một khoản tiền lớn hàng năm để bảo dưỡng, thay thế linh kiện, phụ tùng. Do đó, nhiều người dùng Việt thường tìm đến những mẫu xe lướt với giá có thể vẫn hơi cao nhưng yên tâm hơn về chất lượng.