Những kỷ lục 'khủng' về loài hổ trên thế giới
Được xem là chúa tể của rừng xanh, đã có những kỷ lục 'khủng' được xác lập cho loài hổ, như: Hổ cao tuổi nhất trên thế giới, hổ lập kỷ lục đi hơn 1.300 km trong 5 tháng, hổ lớn nhất và nhỏ nhất thế giới, hay con hổ 'quỷ dữ' khủng khiếp nhất châu Á và cả quốc gia có nhiều hổ nhất.
1. Hổ cao tuổi nhất trên thế giới
Một con hổ sống tại một khu bảo tồn ở Texas (Mỹ) vào tháng 8/2021 đã được Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness công nhận là con hổ sống lâu nhất trong điều kiện nuôi nhốt khi cán mốc 25 tuổi 319 ngày.
Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness cho biết, con hổ Bengal được tiếp nhận vào Khu bảo tồn Động vật Tiger Creek ở Texas vào năm 2000, được công nhận là con hổ sống cao tuổi nhất trong điều kiện nuôi nhốt.
Thông thường, hổ có thể sống được từ 15 - 20 năm trong điều kiện nuôi nhốt và khoảng 12 năm trong môi trường hoang dã. Với độ tuổi như hiện nay, hổ Bengali đã vượt xa tuổi sống trung bình của một con hổ.
"Cô hổ" Bengal chưa từng sinh con, lúc đầu khi được tiếp nhận vào Khu bảo tồn năm 2000, Bengali rất nhút nhát và thường tránh khách thăm quan. Thời gian trôi qua, giờ đây Bengali đã thích nghi với nơi sống mới, thường nằm ở khu vực sân và giao lưu với khách thăm quan. Việc chăm sóc Bengali khỏe mạnh và hạnh phúc trong nhiều năm được cho là một thành tích đáng kinh ngạc đối với Khu bảo tồn Động vật Tiger Creek.
2. Hổ lập kỷ lục đi hơn 1.300 km trong 5 tháng
Con hổ 2 tuổi rưỡi có tên C1 là một trong ba con non của hổ cái T1 ở khu bảo tồn Tipeshwar tại Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu đeo vòng vô tuyến cho nó hồi tháng 2/2019, sau đó C1 tiếp tục lang thang trong những cánh rừng cho tới mùa mưa để tìm khu vực định cư phù hợp.
Nó rời khu bảo tồn vào cuối tháng 6/2019, đi qua 7 quận ở bang Maharashtra và bang lân cận, Telangana. Cuối tuần trước, C1 được phát hiện ở một khu bảo tồn khác tại Maharashtra.
C1 được ghi nhận ở hơn 5.000 địa điểm trong 9 tháng của năm 2019. Chú hổ này lẩn trốn vào ban ngày và di chuyển vào đêm tối, giết lợn hoang và gia súc để ăn thịt.
“Con hổ có thể đang tìm kiếm bạn tình, thức ăn hoặc lãnh thổ. Phần lớn nơi sinh sống tiềm năng cho hổ ở Ấn Độ đã có chủ và những con hổ mới đang khám phá thêm chỗ khác”, tiến sĩ Bilal Habib, nhà sinh vật học ở Viện Động vật hoang dã Ấn Độ, cho biết.
3. Loài hổ to nhất thế giới
Loài hổ lớn nhất thế giới là giống hổ Siberia sống ở vùng Viễn Đông nước Nga và vùng biên giới Nga - Trung Quốc với chiều dài có thể đạt đến 3,5m và cân nặng là 360kg.
Trong các nguồn thống kê lịch sử cụ thể đề cập đến kích thước cơ thể và trọng lượng của hổ Siberia, một con hổ đực hoang dã bị giết ở khu vực sông Sungaria (Trung Quốc) vào năm 1943 được báo cáo là dài đến 3,5 m “trên các đường cong”, trong đó chiều dài đuôi khoảng 1m, nặng khoảng 400 kg. Một con hổ Siberia khác bị giam cầm từng được ghi nhận đạt trọng lượng cơ thể lên đến 465 kg.
Trong những năm 1980, phạm vi trọng lượng điển hình của hổ Siberia hoang dã được chỉ định là 180–306 kg đối với con đực và 100–167 kg (220-368 lb) đối với con cái. Các cá thể đặc biệt lớn thường bị nhắm mục tiêu và săn bắn bởi các thợ săn.
Vào năm 2005, hổ Siberia đã được cho là có nguy cơ tuyệt chủng cực cao. Tuy nhiên, trong 1 thập kỷ qua, dưới các nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã của Nga, số lượng của hổ Siberia đã dần tăng lên một cách đáng ngạc nhiên. Hiện tại, có khoảng 480 – 540 cá thể loài động vật ăn thịt to lớn này sinh sống ở vùng Viễn Đông nước Nga.
Vì sinh sống chủ yếu ở sâu trong rừng Taiga (Nga), với cân nặng trung bình lên đến 350 kg (kỷ lục về cân nặng được ghi nhận là 465 kg), chúng được mệnh danh là “Chúa tể của rừng Taiga”.
Hổ Siberia sống trong rừng Taiga có bộ lông rậm và dày hơn so với các phân loài hổ khác. Nhờ đó mà chúng có thể chịu được cái lạnh khắc nghiệt vào mùa đông ở đây.
4. Loài hổ nhỏ nhất thế giới
Loài hổ nhỏ nhất thế giới là giống hổ Sumatra ở đảo Sumatra (Indonesia) với chiều dài khoảng 2.6m và cân nặng trung bình từ 75 đến 140kg.
Theo Sách đỏ IUCN, chúng là loài cực kỳ nguy cấp khi quần thể hoang dã chỉ còn khoảng 441 đến 678 cá thể, chủ yếu sinh sống ở 5 vườn quốc gia trên đảo. Hổ Sumatra không có quần thể phụ lớn hơn 50 cá thể và đang có xu hướng giảm dần.
Hổ Sumatra có kích thước nhỏ nhất trong các loài hổ, cơ thể của chúng chỉ nhỉnh hơn một con báo hoa mai. Con đực có chiều dài 2,2 - 2,55m từ đầu đến thân và nặng từ 100 - 140 kg. Con cái nhỏ hơn, dài từ 215 - 230 cm và nặng từ 75 - 110kg.
Dù có ngoại hình không lớn, hổ Sumatra đủ sức săn được những con mồi lớn như đồng loại của nó ở những nơi khác. Cú đánh từ chi trước của nó có thể làm gãy chân của những loài gia súc lớn như trâu hay ngựa. Nhờ đó, hổ Sumatra vẫn là loài động vật ăn thịt đầu bảng trong môi trường sống của mình.
Như loài báo đốm Mỹ và tất cả các phân loài hổ thì hổ Sumatra không sợ nước và bơi giỏi. Đặc biệt của loại này là nó có màng chân giữa các ngón chân.
5. Con hổ quỷ dữ khủng khiếp nhất châu Á
Hổ cái Champawat từng được sách kỷ lục thế giới Guiness công nhận là quái thú giết nhiều người nhất thế giới.
Khoảng đầu những năm 1900, cuộc sống của người dân Nepal bao trùm trong sợ hãi khi các vụ giết người kinh hoàng liên tiếp xảy ra. Tại khu vực gần dãy núi Himalayas, hàng trăm người bị giết trong rừng. “Sát nhân” nhanh chóng được phát hiện là con hổ cái Bengal hung dữ.
Nó từng bị thợ săn bắn bị thương nhưng trốn thoát. Viên đạn làm gãy hai răng nanh bên phải, một ở trên, một ở dưới, khiến con hổ liên tục đau đớn và mất khả năng săn mồi bình thường trong môi trường hoang dã.
Vì vậy, hổ cái chuyển sang săn những con mồi dễ hạ hơn như động vật đã thuần hóa, sau đó là con người, và dần biến thành quái thú ăn thịt người. Tại Nepal, con hổ được cho là gây ra 200 cái chết.
Chính phủ Nepal quyết định điều quân đội đến săn con vật. Đây được cho là lần duy nhất quân đội chính phủ được điều động để xử lý quái thú ăn thịt người. Tuy nhiên, quân đội cũng “bó tay”.
Họ truy đuổi nhưng không thể tiêu diệt được quái thú, thay vào đó, dồn con hổ từ Nepal sang biên giới Ấn Độ, cụ thể là khu vực Champawat.Tại đây, hổ cái đã giết thêm khoảng 236 người, nâng tổng số người thiệt mạng lên tới 436 trong vòng 8 năm. Từ đó trở đi, nó luôn được nhớ tới với cái tên Hổ cái Champawat.
Tại đây, hổ cái tiếp tục giết và tấn công người. Càng giết nhiều người, con hổ càng trở nên hung hãn hơn. Thậm chí, nó còn bắt đầu tấn công giữa ban ngày và đi lang thang khắp làng mạc không hề sợ hãi.
Khi tình hình trở nên quá tồi tệ, chính phủ Anh ở Ấn Độ treo thưởng cho bất kỳ ai giết được quái thú nhưng cũng không thành công. Cuối cùng, họ phải nhờ tới sự giúp đỡ của một thợ săn động vật hoang dã người Anh sinh ra tại Ấn Độ là Jim Corbett để triệt hạ nó vào năm 1907.
6. Quốc gia có nhiều hổ nhất thế giới
Một cuộc điều tra gần đây cho thấy, số hổ hoang dã tại Ấn Độ đã tăng hơn 30% trong bốn năm trở lại đây, làm tăng hy vọng cho sự sống sót của các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện có 2.967 con hổ trong khi con số này là 2.226 con vào bốn năm trước (dựa trên dữ liệu thu thập từ gần 350.000 hình ảnh được chụp bởi 26.000 bẫy camera trong môi trường sống của hổ).
Ấn Độ được xem là một trong những môi trường sống lớn nhất và an toàn nhất cho hổ trên toàn thế giới. Vào thập niên 1980, ước tính có khoảng 2.500 con hổ vẫn còn lang thang ngoài môi trường sống tự nhiên ở Ấn Độ. Trước đó, số lượng hổ ở Ấn Độ đã suy giảm tới 67% trong khoảng thời gian 100 năm.
8 khu bảo tồn tốt nhất ở Ấn Độ nơi người ta có thể nhìn thấy loài động vật nổi tiếng thế giới này. Vườn quốc gia Kaziranga, nằm ở bang Assam, Đông Bắc Ấn Độ là nơi có mật độ hổ sinh sống cao nhất trên thế giới với khoảng 32 con trong phạm vi 100km2.