Những kỹ năng cần thiết người dân cần biết để bảo đảm an toàn sau bão

Dù bão số 3 (bão WIPHA) đã suy yếu và tan dần, song hoàn lưu bão vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đòi hỏi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, bảo vệ sức khỏe và tính mạng trong giai đoạn sau bão.

Đêm 22/7, nước lũ đổ về xã Tương Dương, Nghệ An khiến nhiều nơi ngập sâu.

Đêm 22/7, nước lũ đổ về xã Tương Dương, Nghệ An khiến nhiều nơi ngập sâu.

Cảnh giác với nguy cơ rò rỉ điện và thiết bị hư hỏng

Một trong những nguy hiểm lớn sau bão là tình trạng rò rỉ điện từ hệ thống dây dẫn bị đứt, cột điện đổ hoặc thiết bị điện bị ngấm nước. Thực tế, đã có nhiều trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra do chủ quan trong việc sử dụng thiết bị điện ngay sau bão.

Người dân cần tuyệt đối không chạm vào dây điện bị đứt, dù có vẻ như đã mất điện. Các thiết bị điện trong nhà nếu từng bị ngập nước cần được kiểm tra kỹ càng trước khi sử dụng. Tốt nhất, nên ngắt cầu dao tổng, sau đó kiểm tra các ổ cắm, dây dẫn và thiết bị điện. Nếu phát hiện bất thường, cần báo cho thợ điện hoặc cơ quan điện lực xử lý, không tự ý khắc phục khi không có chuyên môn.

Ngoài ra, trong quá trình dọn dẹp nhà cửa, người dân cần sử dụng găng tay cao su, ủng cách điện nếu buộc phải tiếp xúc với khu vực có thể có dòng điện rò rỉ.

Kiểm tra và khắc phục an toàn nhà cửa, công trình

Sau bão, nhiều công trình dân sinh bị tốc mái, tường rạn nứt, cửa sổ hư hỏng. Đây là thời điểm cần tiến hành kiểm tra và sửa chữa, song cần đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Không nên trèo lên mái nhà hoặc khu vực cao khi nền đất còn trơn trượt, gió chưa dứt hẳn. Nếu phát hiện công trình có dấu hiệu nghiêng, nứt nẻ, cần báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp ứng phó kịp thời, tránh nguy cơ sập đổ.

Việc dọn dẹp cây đổ, mái tôn vỡ, gạch đá rơi rớt cũng cần thận trọng, sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ. Không nên để trẻ nhỏ hoặc người già tham gia vào quá trình này để hạn chế rủi ro tai nạn.

Bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh

Hoàn lưu sau bão số 3 gây mưa lớn, ngập úng tại nhiều khu vực. Tình trạng rác thải sinh hoạt, nước thải tồn đọng kéo dài có thể là nguyên nhân dẫn đến bùng phát các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh đường ruột, viêm da, đau mắt đỏ và sốt xuất huyết.

Người dân cần nhanh chóng vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý rác đúng nơi quy định. Nguồn nước ăn uống cần được khử trùng hoặc đun sôi trước khi sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm bị ẩm mốc, có dấu hiệu ôi thiu hoặc đã tiếp xúc với nước ngập.

Bên cạnh đó, cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với bùn đất, nước bẩn.

Chủ động ứng phó với sạt lở đất, lũ quét

Với lượng mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 (bão WIPHA), nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang… vẫn đang ở mức cao. Người dân sinh sống ở khu vực sườn dốc, ven suối cần hết sức cảnh giác, theo dõi diễn biến thời tiết từ cơ quan khí tượng và chính quyền địa phương.

Khi phát hiện dấu hiệu bất thường như nước suối dâng nhanh, đất nứt nẻ, cây nghiêng đổ, cần nhanh chóng sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Ngay sau bão, tình trạng đường trơn, ngập úng, cây đổ chắn đường diễn ra tại nhiều nơi. Người dân cần thận trọng khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là trong đêm hoặc thời điểm mưa lớn tiếp diễn. Tuyệt đối không băng qua khu vực nước sâu, cầu cống có nguy cơ sập hoặc đất đá có dấu hiệu sạt lở.

Người dân cần lưu sẵn số điện thoại của chính quyền địa phương, lực lượng cứu hộ, công an, điện lực và trạm y tế xã/phường để kịp thời liên hệ khi có sự cố. Mỗi người dân chủ động nâng cao ý thức phòng ngừa, trang bị kỹ năng bảo đảm an toàn sau bão chính là yếu tố quyết định để sớm ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất và giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 22/7 đến ngày 25/7, trên sông Mã, sông Cả xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 3-8m.

Trong đợt lũ này, thượng lưu sông Cả lên mức báo động 2 - báo động 3, có trạm trên báo động 3. Đỉnh lũ hạ lưu sông Cả ở mức báo động 3.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, các khu đô thị, khu tập trung dân cư thuộc tỉnh Nghệ An, đặc biệt ngập lụt diện rộng vùng hạ lưu sông Cả.

Mây Hạ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhung-ky-nang-can-thiet-nguoi-dan-can-biet-de-bao-dam-an-toan-sau-bao-425567.html