Những kỳ quan của Thổ Nhĩ Kỳ biến mất vì động đất
Trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 6/2 vừa qua là trận động đất mạnh nhất tấn công đất nước này kể từ năm 1939. Không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản mà dư trấn của nó đã cướp đi vĩnh viễn những kỳ quan thế giới ở nơi đây.
Theo các chuyên gia giải thích, Thổ Nhĩ Kỳ dễ xảy ra động đất vì nó nằm ở giao điểm của ba mảng kiến tạo vỏ Trái đất: mảng Anatolia, mảng Ả Rập và châu Phi.
Trong đó, mảng Ả Rập đang di chuyển về phía bắc, hướng vào châu Âu, khiến mảng Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên mảng này) bị đẩy ra phía tây. Các quốc gia nằm trong vùng ranh giới các mảng kiến tạo quy mô châu lục có những đứt gãy phát sinh động đất rất mạnh.
Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia nằm trên “vành đai lửa” – ranh giới các mảng kiến tạo lớn như Nhật Bản, Philipines, Indonesia… cũng có nhiều nguy cơ xảy ra động đất lớn và hủy diệt.
Trận động đất dữ dội đã gây thiệt hại nặng nề cả về người và cơ sở vật chất cho Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng nghìn người đã thiệt mạng, hàng loạt công trình sụp đổ, hư hỏng. Những địa danh, kỳ quan thế giới cũng không nằm ngoài số phận này.
Lâu đài Gaziantep ở tỉnh Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ là công trình lịch sử, di tích được UNESCO công nhận. Lâu đài được xây dựng từ thế kỷ 2-3 sau Công nguyên. Trận động đất khủng khiếp đã làm một số phần tường thành và tháp canh sụp đổ, gây hư hại các rào sắt, tường chắn...
Nhà thờ Yeni Camii ở Malatya cũng bị hư hỏng nặng, với phần mái vòm và tường sụp nhiều mảng lớn. Đây cũng là lần thứ ba nhà thờ bị phá hủy bởi động đất, sau khi được xây lại, sửa chữa vào năm 1894 và năm 1964.
Trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ từng xảy ra nhiều trận động đất rất mạnh do nằm trong ranh giới các mảng kiến tạo có khả năng sinh ra các trận động đất lớn. Cụ thể như vào năm 1999, một trận động đất đã khiến 17.000 người thiệt mạng. Vào tháng 12.1939 ở đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ đã có trận động đất mạnh 7,8 độ richter diễn ra gần thành phố Erzincan, phá hủy 116.720 tòa nhà và khiến 32.968 người thiệt mạng.
Cũng trong những lần động đất đó những địa danh nổi tiếng thế giới của quốc gia này đã vĩnh viễn biến mất. Lăng mộ Maussollos (hay Lăng Halicarnassus) là một lăng mộ được xây dựng giai đoạn 353 – 350 trước Công nguyên tại Halicarnassus (Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay).
Lăng mộ Maussollos được coi là một trong 7 kỳ quan thế giới.
Công trình này dành cho Mausolus, vị vương hầu một tỉnh thời Đế chế Ba Tư. Nó được 2 kiến trúc sư Hy Lạp Satyrus và Pythius thiết kế. Công trình cao gần 45 m và mỗi mặt đều được trang trí bởi một trong 4 nhà điêu khắc nổi tiếng Hy Lạp.
Khi hoàn thành, công trình được coi là một thành công lớn về nghệ thuật tới mức nó được coi là một trong 7 kỳ quan thế giới. Tuy nhiên, sau 16 thế kỷ tồn tại, một loạt trận động đất phá hủy ngôi đền tuyệt mỹ này. Hiện ngôi đền chỉ sót lại nền móng cùng với một bảo tàng nhỏ. Một số bức điêu khắc còn tồn tại hiện được trưng bày trong Bảo tàng Anh tại London.