Những kỳ SEA Games lịch sử của thể thao Việt Nam: Bóng đá - điểm khởi đầu vinh quang
Là một trong những quốc gia đồng sáng lập Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games, nay là SEA Games, do quyền tham dự được mở rộng đến tất cả quốc gia trong khu vực), Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua đã vươn tầm trở thành một thế lực hàng đầu của khu vực
Tháng 10-1958, nhân dịp tham dự Asian Games lần III tổ chức tại Tokyo - Nhật Bản, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan Laung Sukhumnaipradit đã đề xuất thành lập một tổ chức thể thao có tên gọi Liên đoàn Thể thao bán đảo Đông Nam Á (The South East Asian Peninsular Games Federation hay SEAP Games Federation) và được các nước trong khu vực đồng thuận.
HCV môn bóng đá nam
Liên đoàn Thể thao bán đảo Đông Nam Á có nhiệm vụ tổ chức 2 năm/lần vào năm lẻ, tức là xen giữa các kỳ Olympic và Á vận hội (ASIAD), một đại hội thể thao khu vực nhằm tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, đồng thời không ngừng nâng cao thành tích, kỹ thuật, chiến thuật các môn thể thao.
Liên đoàn Thể thao bán đảo Đông Nam Á được thành lập vào tháng 6-1959 tại Bangkok - Thái Lan với Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Lào, Việt Nam và Campuchia được ghi nhận là các thành viên sáng lập. SEAP Games lần I được tổ chức tại Bangkok vào tháng 12-1959 với hơn 527 VĐV và quan chức thể thao đến từ 6 quốc gia tham gia tranh tài ở 12 môn thi.
Thể thao miền Nam (đại diện Việt Nam) ở các kỳ SEAP Games đầu tiên chỉ tham dự một số môn và hầu hết số huy chương giành được đều thuộc các môn trong hệ thống Olympic như bóng đá, bơi lội, bóng bàn, bóng chuyền, xe đạp, quần vợt, judo, điền kinh… Thành tích ấn tượng nhất trong khoảng thời gian này của thể thao miền Nam Việt Nam chính là HCV môn bóng đá nam tại SEAP Games lần I - 1959 dù lần ấy, các môn quần vợt, bơi lội đã đóng góp đáng kể vào thành tích 5 HCV, 5 HCB và 6 HCĐ, xếp hạng 5/6 toàn đoàn.
Dự đại hội bằng đường bộ
Để chuẩn bị tham dự SEAP Games I tại Thái Lan, tuyển miền Nam Việt Nam có trận đấu giao hữu với tuyển Nhật Bản ngay tại Sài Gòn. Lần đó, tuyển miền Nam Việt Nam thắng 3-0 với thành phần gồm: thủ môn Phạm Văn Rạng và Trần Văn Ðực II; hậu vệ Lê Văn Tỷ, Nguyễn Văn Cụt, Nguyễn Văn Còn, Nguyễn Ngọc Thanh; trung vệ Phạm Văn Hiếu; tiếp ứng Lâm Văn Bôn, Lê Văn Hồ (Myo), Ðỗ Thới Vinh, Nguyễn Văn Nhung; tiền đạo Trần Bá Tỷ, Lý Văn Rỏn, Đỗ Quang Thách, Nguyễn Văn Tư và Hà Tam.
Bảy trong số các tuyển thủ này gồm Phạm Văn Rạng, Nguyễn Văn Cụt, Phạm Văn Hiếu, Lê Văn Hồ, Trần Văn Nhung, Đỗ Quang Thách và Nguyễn Văn Tư từng tham dự vòng chung kết Giải Bóng đá châu Á 1956. Những người được bổ sung như Lê Văn Tỷ, Nguyễn Ngọc Thanh, Đỗ Thới Vinh và Hà Tam đều là các tên tuổi lớn thời bấy giờ.
Khi đến Bangkok, dù không có đủ thời gian hồi phục do phải di chuyển hoàn toàn bằng đường bộ qua cửa khẩu Campuchia nhưng bằng trình độ chuyên môn cao cộng với kinh nghiệm và lòng nhiệt huyết, đội tuyển miền Nam Việt Nam đã thắng Thái Lan 4-0 và Myanmar 3-0 ở vòng bảng. Sớm giành quyền vào chung kết nên trận cuối cùng vòng bảng chỉ còn tính thủ tục, đội thua Malaysia với tỉ số 1-2.
Vào chung kết với đội nhì bảng là Thái Lan, tuyển miền Nam Việt Nam không hề nao núng trước sức ép từ khán giả chủ nhà lẫn các tuyển thủ xứ chùa vàng trên sân. Đỗ Thới Vinh mở tỉ số ở phút 21 và sau đó, Sathan gỡ hòa cho Thái Lan ở phút 31. Cuối hiệp 1, Đỗ Quang Thách nâng tỉ số lên 2-1 và Hà Tam ghi bàn ấn định chiến thắng chung cuộc 3-1 ở cuối trận.
Tròn 60 năm tính đến SEA Games 30 diễn ra vào năm 2019, sau biết bao hy vọng của nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam tài năng và tận hiến, giấc mơ "vàng" SEA Games mới trở lại với bóng đá Việt Nam. Thời khắc đăng quang trong đêm 10-12-2019 tại Manila - Philippines sẽ mãi mãi đi vào lịch sử, là gạch nối 2 thời khắc vinh quang của bóng đá Việt Nam, kết tụ niềm tin và khát khao chiến thắng của nhiều thế hệ để bước lên đỉnh cao khu vực.
Kỳ tới: Gian nan đường hội nhập