Những kỹ sư bám đồng 'bắt bệnh' cho cây trồng

Phía sau những mùa vụ bội thu ở Hải Dương là sự cống hiến thầm lặng, bền bỉ, trách nhiệm của đội ngũ kỹ sư bảo vệ thực vật thường xuyên bám đồng.

Các kỹ sư bảo vệ thực vật điều tra sâu bệnh gây hại lúa tại cánh đồng thôn Lễ Độ, xã Kim Anh (Kim Thành)

Các kỹ sư bảo vệ thực vật điều tra sâu bệnh gây hại lúa tại cánh đồng thôn Lễ Độ, xã Kim Anh (Kim Thành)

'Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời'

Ngày làm việc trong tuần nhưng Phòng Nghiệp vụ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương chỉ có Trưởng phòng Phạm Đức Lộc ngồi một mình. "Từ sáng sớm, toàn bộ đội ngũ cán bộ, kỹ sư đã xuống đồng ruộng. Nếu không hẹn chờ anh thì giờ này tôi cũng đang ở dưới ruộng rồi", anh Lộc giải thích.

Tại cánh đồng thôn Lễ Độ, xã Kim Anh (Kim Thành), 6 kỹ sư của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kim Thành đang bì bõm lội ruộng, bóc tách từng lá lúa để điều tra, thu thập mẫu sâu bệnh. Sáng mùa hè, trời nắng chói chang, công việc của họ càng thêm vất vả.

Sau một thời gian điều tra, quần áo lấm lem bùn đất, mồ hôi ướt nhẹp vai áo nhưng họ không nghỉ ngơi mà ngồi thảo luận ngay tại bờ ruộng.

Anh Bùi Duy Đông, kỹ sư Phòng Nghiệp vụ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nói: "Giống với một số khu đồng chúng ta đã điều tra, mật độ bướm, sâu non gây hại lúa tại khu đồng này rất cao. Tôi đề nghị trung tâm khẩn trương ra thông báo khuyến cáo nông dân phòng trừ theo hướng dẫn".

Anh Bùi Duy Đông, kỹ sư Phòng Nghiệp vụ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (bên phải) thường xuyên có mặt tại đồng ruộng để điều tra sâu bệnh

Anh Bùi Duy Đông, kỹ sư Phòng Nghiệp vụ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (bên phải) thường xuyên có mặt tại đồng ruộng để điều tra sâu bệnh

Anh Đông là một trong 6 kỹ sư của Phòng Nghiệp vụ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, phụ trách huyện Kim Thành, Thanh Hà và thị xã Kinh Môn. Bình thường, mỗi tuần anh Đông đi cơ sở 2 lần. Giai đoạn này đang là thời kỳ cao điểm phòng trừ sâu bệnh nên số buổi đi cơ sở tăng lên gấp đôi. Cùng với chiếc xe máy cũ, không quản ngại nắng mưa, anh rong ruổi khắp các khu đồng để điều tra dịch bệnh.

"Mỗi lần đi cơ sở là cứ phải 50 - 60 cây số. Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa rồi, tôi không nghỉ mà vẫn xuống đồng làm việc. Mùa này sâu bệnh phát triển, gây hại lúa rất mạnh, chỉ cần 1 - 2 hôm là đã diễn biến phức tạp, khó lường nên không thể lơ đãng. Chúng tôi phải đi, phải xuống tận ruộng mới đánh giá tình hình và khuyến cáo nông dân phòng trừ hiệu quả", anh Đông chia sẻ.

Thấy các kỹ sư xuống đồng, bà Phùng Thị Quy đang chăm sóc ruộng lúa gần đó chạy lại nhờ tư vấn phòng trừ sâu bệnh. Bà Quy tuổi đã cao, có phần nặng tai nên nghe thông tin phòng trừ sâu bệnh trên loa truyền thanh bập bõm. May là thỉnh thoảng bà gặp kỹ sư xuống đồng để hỏi.

Bà Phùng Thị Quy (bên trái) được kỹ sư Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kim Thành tư vấn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa ngay tại ruộng

Bà Phùng Thị Quy (bên trái) được kỹ sư Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kim Thành tư vấn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa ngay tại ruộng

Rời huyện Kim Thành, tôi tiếp tục theo chân anh Lộc đi điều tra dịch bệnh gây hại cây trồng tại thị xã Kinh Môn. Trên đường đi, anh Lộc cho biết, ngoài lúa, Hải Dương còn có đa dạng các loại cây trồng khác như vải, nhãn, ổi, na, bưởi, chuối, cà rốt, ngô, ớt, bầu, bí, hành, tỏi, rau xanh các loại... Sâu bệnh thường xuyên xuất hiện gây hại trên tất cả các loại cây trồng này. Riêng với cây lúa, mùa cao điểm sâu bệnh gây hại thường diễn ra từ tháng 4 đến hết tháng 5 và từ tháng 8 đến hết tháng 9.

Nếu như công tác dự báo thời tiết, thủy văn... có máy móc hỗ trợ thì việc dự báo tình hình sâu bệnh chủ yếu làm thủ công. Khi xuống đồng, các kỹ sư phải mang theo vợt, kính núp, ống hút, khay, túi ni lông, lọ đựng mẫu. Họ phải đi đến nhiều khu đồng điều tra, ghi chép số liệu, thống nhất với các đồng nghiệp phụ trách địa bàn khác để đánh giá và đưa ra khuyến cáo phòng trừ sâu bệnh đúng, trúng tình hình.

"Không phân biệt thời tiết, càng mưa bão lại càng phải đi. Công việc của chúng tôi không chỉ là điều tra, khuyến cáo phòng trừ dịch bệnh mà còn phải đi nắm tình hình xem cây trồng bị thiệt hại có bị ngập úng, đổ gẫy do mưa bão không để còn tư vấn khôi phục sản xuất", anh Lộc thông tin thêm.

Thỉnh thoảng, chuông điện thoại của anh Lộc lại reo lên. Phía đầu dây bên kia là kỹ sư các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, chủ nhà vườn gọi hỏi, nhờ anh tư vấn về chủng loại thuốc bảo vệ thực vật, thời điểm phun cho lúa và một số loại cây như vải, nhãn. Anh vui vẻ tư vấn nhiệt tình.

Không thể kể hết số loại sâu bệnh gây hại cây trồng, chỉ riêng trên lúa cũng có hàng tá như: sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, rầu nâu, rầy lưng trắng... Tôi thắc mắc làm cách nào để các kỹ sư có thể nắm bắt, phân biệt ngần ấy loại sâu bệnh.

Việc điều tra, lấy mẫu sâu bệnh chỉ thực hiện bằng biện pháp thủ công nên đòi hỏi các kỹ sư phải đi lại thực địa nhiều lần

Việc điều tra, lấy mẫu sâu bệnh chỉ thực hiện bằng biện pháp thủ công nên đòi hỏi các kỹ sư phải đi lại thực địa nhiều lần

Anh Lộc giải thích, về cơ bản các kỹ sư đều đã được đào tạo về cách nhận biết các loại sâu bệnh, trừ những loại sâu bệnh mới phát sinh. Trong quá trình đi làm, họ tiếp tục đúc rút từ thực tiễn, được các đồng nghiệp đi trước hướng dẫn và tham dự các lớp tập huấn nên dần dà chỉ cần nhìn biểu hiện là đã có thể biết được cây trồng mắc bệnh gì.

Về cánh đồng phường An Phụ, tôi gặp chị Nguyễn Thị Lan, kỹ sư Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Kinh Môn đang cặm cụi điều tra sâu cuốn lá gây hại lúa. Chị được giao làm nhiệm vụ điều tra sâu bệnh trên hơn 2.000 ha đất sản xuất thuộc 7 xã, phường, gồm: An Phụ, Lê Ninh, Bạch Đằng, Thất Hùng, An Sinh, Phạm Thái, Hiệp Sơn.

Địa bàn phụ trách rộng nên gần như tuần nào chị Lan cũng phải xuống đồng từ 3 - 4 ngày. Mỗi ngày chị đi khắp 7 xã, phường điều tra, đánh giá tình hình sâu bệnh, dịch hại. Chị đã có hơn 20 năm theo nghề.

Công việc vất vả nhưng chị Nguyễn Thị Lan, kỹ sư Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Kinh Môn luôn lạc quan, yêu nghề

Công việc vất vả nhưng chị Nguyễn Thị Lan, kỹ sư Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Kinh Môn luôn lạc quan, yêu nghề

"Tôi có thể nắm được hết các đặc điểm, thời kỳ phát sinh, chu kỳ sinh trưởng, mật độ... gây hại của các loại sâu bệnh trên cây trồng. Tuy nhiên, để đánh giá đúng tình hình, tư vấn phòng trừ trúng đích, hiệu quả thì vẫn phải xuống đồng. Công việc vất vả nhưng vui vì sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng luôn được kiểm soát tốt", chị Lan nói.

Vạch lá tìm sâu

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Hà Phạm Thị Thơm và Trưởng Phòng Nghiệp vụ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phạm Đức Lộc kiểm tra sâu bệnh gây hại trên cây vải

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Hà Phạm Thị Thơm và Trưởng Phòng Nghiệp vụ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phạm Đức Lộc kiểm tra sâu bệnh gây hại trên cây vải

Buổi trưa, tôi cùng anh Lộc về tới vườn vải ở xã Thanh Tân (Thanh Hà). Trong khi hầu hết nông dân đã về nhà nghỉ ngơi thì chị Phạm Thị Thơm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Hà và 2 kỹ sư khác vẫn đang miệt mài vạch lá tìm sâu.

Giai đoạn này, cây vải đang thời kỳ nuôi quả nên các loại sâu đục hạt, sâu đục cuống... gây hại khá nhiều. Bóc cho tôi xem một quả vải non bị sâu đục hạt, chị Thơm nói: "Như thế này mà chúng tôi không phát hiện để tư vấn cho bà con phòng trừ kịp thời thì nguy cơ giảm năng suất, chất lượng quả vải sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu, mục tiêu tăng trưởng của địa phương. Diện tích vải, lúa và cây ăn quả khác ở Thanh Hà nhiều nhưng số lượng kỹ sư ít nên chúng tôi phải tranh thủ tối đa thời gian làm việc".

Toàn huyện Thanh Hà có 3.285 ha vải, 900 ha lúa và hàng nghìn ha ổi, quất, nhãn, chuối, bưởi... Do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Hà chỉ có 3 kỹ sư bảo vệ thực vật nên khối lượng công việc rất nhiều, mỗi người phải phụ trách 5 - 6 xã.

Sâu đục hạt gây hại vải được các kỹ sư phát hiện

Sâu đục hạt gây hại vải được các kỹ sư phát hiện

Giai đoạn này đang là thời kỳ cao điểm phòng chống sâu bệnh, dịch hại trên vải, nhãn và lúa nên các kỹ sư gần như ngày nào cũng có mặt tại đồng ruộng. Dù trời mưa hay nắng, họ vẫn miệt mài bám ruộng, bám đồng điều tra, dự tính, dự báo, hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh đúng danh mục cho phép, bảo đảm hiệu quả, an toàn, bảo vệ môi trường. Sau khuyến cáo, các kỹ sư còn thường xuyên quay lại kiểm tra xem nông dân đã phòng trừ đúng hướng dẫn hay chưa, có hiệu quả không. Từ đó, rút kinh nghiệm cho công tác dự tính, dự báo cho năm sau.

Việc bám sát ruộng đồng trong nhiều năm liên tục giúp đội ngũ kỹ sư bảo vệ thực vật ở Hải Dương nắm chắc các vùng cây trồng thường xuyên bị sâu bệnh gây hại. Nhiều năm theo dõi, các kỹ sư phát hiện tại huyện Ninh Giang có nhiều khu vực cấy lúa BC15 bị nhiễm bệnh đạo ôn rất mạnh. Họ đã tham mưu cho chính quyền thay thế bằng giống lúa VNR 20 (giống cứng cây), bệnh đạo ôn xuất hiện rất ít.

Tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng ở Hải Dương luôn được kiểm soát tốt nhờ sự tận tâm với nghề của đội ngũ kỹ sư bảo vệ thực vật

Tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng ở Hải Dương luôn được kiểm soát tốt nhờ sự tận tâm với nghề của đội ngũ kỹ sư bảo vệ thực vật

Nhiều năm trước, nông dân 2 xã Cao Thắng, Tứ Cường (Thanh Miện) thường cấy các giống lúa Bắc thơm số 7, BC15, lúa hay bị bệnh bạc lá. Sau này, nông dân được khuyến cáo thay bằng các giống khác phù hợp hơn nên tỷ lệ lúa nhiễm bệnh bạc lá giảm đi trông thấy. Khu vực các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, TP Chí Linh thường xuyên có mật độ rầy nâu gây hại lúa cao. Các kỹ sư xác định việc những địa phương này cấy muộn hơn các nơi khác (vẫn trong khung thời vụ) nên cuối vụ rầy nâu thường xuyên tập trung về những nơi này, phải khuyến cáo phòng trừ từ sớm...

Sâu bệnh gây hại cây trồng ngày càng có xu hướng phát triển, diễn biến phức tạp do môi trường, thời tiết có nhiều thay đổi và hệ số sử dụng đất lớn... Các kỹ sư bảo vệ thực vật ngoài việc bám sát đồng ruộng vẫn phải thường xuyên cập nhật kiến thức thông qua các lớp đào tạo, tập huấn chuyên ngành mới có thể làm tốt nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh.

Dù công việc vất vả nhưng các kỹ sư bảo vệ thực vật vẫn kiên trì bám ruộng, bám đồng vì nông dân

Dù công việc vất vả nhưng các kỹ sư bảo vệ thực vật vẫn kiên trì bám ruộng, bám đồng vì nông dân

Hơn 12 giờ trưa, các kỹ sư ở Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Hà mới tạm gác lại công việc để trở về nghỉ ngơi. Ngoài lương cơ bản, đội ngũ này chẳng có nguồn thu nhập nào thêm. Tính chất công việc vất vả nên các kỹ sư là nữ giới ít có thời gian chăm sóc sắc đẹp và chăm lo gia đình. Ấy vậy mà họ vẫn bám ruộng, bám đồng, tận tâm, trách nhiệm với công việc được giao.

Tôi nhớ mãi câu kỹ sư Phạm Thị Dung nói lúc chia tay: "Mình vất vả nhưng bà con cứ được mùa là mình vui. Đó mới là cái được lớn nhất của những người theo nghề này".

BÌNH MINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-ky-su-bam-dong-bat-benh-cho-cay-trong-411602.html