Những kỳ Thế vận hội nhuốm mối lo dịch bệnh
Đại dịch COVID-19 đã khiến Olympic Tokyo phải trì hoãn một năm và vừa khai màn giữa mối đe dọa làn sóng dịch tấn công trở lại. Nhưng đây không phải kỳ Thế vận hội đầu tiên đối mặt với một đại dịch.
Một thế kỷ trước, Thế vận hội Antwerp 1920 đã được tổ chức chỉ vài tháng sau khi đại dịch "cúm Tây Ban Nha" hoành hành thế giới, giết chết ít nhất 50 triệu người. Năm 2010, Thế vận hội Vancouver bị đe dọa bởi đợt dịch do virus H1N1. Vào năm 2016, virus Zika đã thúc đẩy những lời kêu gọi hủy bỏ Thế vận hội Rio. Và gần đây nhất là vào năm 2018, Ban tổ chức Thế vận hội Pyeongchang đã phải chống đỡ với thách thức từ ổ dịch norovirus.
Các sự kiện tụ tập đông người như Thế vận hội luôn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm rất lớn. Du khách có thể mang theo “món quà lưu niệm” là virus về nhà cho cộng đồng của họ. Để quản lý rủi ro, tất cả các thành phố đăng cai Olympic đều phải xây dựng những kế hoạch y tế công cộng thật chi tiết và cẩn trọng.
Dưới đây là những kỳ Thế vận hội đối mặt với mối lo dịch bệnh, theo tổng hợp của CNN.
Thế vận hội mùa Hè Antwerp 1920 – Đại dịch “cúm Tây Ban Nha”
Một thế kỷ trước, thế giới vẫn quay cuồng với cái chết của hàng chục triệu người vì bệnh “cúm Tây Ban Nha” khi khoảng 2.600 vận động viên tập trung ở Antwerp, Bỉ để tranh tài tại Thế vận hội Mùa hè 1920.
Chỉ hai năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nước Bỉ vẫn đang trong tình trạng thiếu lương thực. Đất nước không đủ điều kiện xây dựng một bể bơi Olympic nên các quan chức đã quây khung gỗ trong một con kênh để tổ chức các cuộc thi bơi.
Mặc dù được tổ chức trong những điều kiện thiếu thốn, Thế vận hội Antwerp đã diễn ra suôn sẻ, không có bất kỳ sự cố lây nhiễm hoặc bùng phát dịch lớn nào. Các cuộc tranh tài khi đó được coi là biểu tượng của hy vọng và sự thống nhất trong thế giới thời hậu chiến tranh, hậu đại dịch.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), luôn có nguy cơ dịch bệnh lây lan khi mọi người đi du lịch, nhưng một mối lo ngại khác là sự căng thẳng mà một đợt bùng phát có thể gây ra đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe địa phương, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Một cộng đồng có thể chuẩn bị sẵn sàng để xử lý một đợt bùng phát dịch trong quần thể của mình, nhưng có thể gặp khó khăn nếu số người tại đó tăng theo cấp số nhân. Năm 2012, hơn 8 triệu người đã tham dự Thế vận hội Mùa hè London, tăng gấp đôi dân số của thành phố. Theo một báo cáo được công bố trên tạp chí y khoa Lancet, các nhà chức trách Anh đã bắt đầu lập kế hoạch y tế công cộng trước Thế vận hội London hơn 7 năm trước. Họ cùng nhau phát triển một bản đánh giá sức khỏe rủi ro công cộng, sau đó trở thành nền tảng của việc lập kế hoạch cho Olympic.
Thế vận hội Mùa hè Rio 2016 – dịch Zika
Trước thềm Thế vận hội Rio 2016 (tại Brazil), các diễn đàn đều bị phủ bóng bởi dịch Zika, căn bệnh lây truyền chủ yếu qua vết đốt của muỗi cái Aedes aegypti nhiễm bệnh.
Các triệu chứng bao gồm sốt, phát ban và đau khớp, riêng phụ nữ có thai nhiễm virus Zika có thể gây ra chứng đầu nhỏ, một chứng rối loạn thần kinh khiến trẻ sinh ra có đầu nhỏ bất thường.
Một số vận động viên hàng đầu, như golfer chuyên nghiệp Rory McIlroy, đã bỏ tham dự Thế vận hội lần này do lo ngại dịch bệnh.
Trước Olympic, đội ngũ của Tiến sĩ Brownstein, nhà dịch tễ học tại Trường Y Harvard (Mỹ) đã tạo ra một bản đồ mô hình lây nhiễm tiềm năng của virus Zika tại Olympic, khi Brazil là một điểm nóng và đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc gia trong năm 2015.
Ông Brownstein nói: “Chúng tôi sử dụng máy móc và trí tuệ nhân tạo để rà soát tất cả dữ liệu đó, lọc, gắn thẻ và sau đó cung cấp cho WHO, CDC và những người khác.".
Các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ các khu vực dễ bị nhiễm virus, chẳng hạn như các khu vực châu Á và châu Phi có dịch sốt xuất huyết, các quốc gia gửi nhiều vận động viên nhất cũng như các quốc gia có nhiều du khách đến từ Brazil nhất.
Mặc dù WHO cho biết không có trường hợp xác nhận nào mắc Zika trong số các vận động viên hoặc du khách tham gia Thế vận hội, nhưng các bản đồ như vậy có thể giúp dự đoán và ngăn chặn lây nhiễm virus trước các cuộc tụ tập đông người.
Dịch Zika không ảnh hưởng đến Thế vận hội Rio, nhưng nó tiếp tục tấn công các cộng đồng địa phương nghèo khó trong nhiều tháng sau đó. Các nhà nghiên cứu tại Đại học UC Berkeley cho rằng các mô hình bệnh tật theo mùa tương tự như Zika đã dự đoán sự suy giảm của dịch Zika trước Thế vận hội và sự chuyển hướng của các nguồn lực y tế khan hiếm sang một nhóm dân số có nguy cơ tương đối thấp - là khách du lịch giàu có và vận động viên - thay vì những người dân nghèo đang rất cần chúng, lẽ ra đã phải tránh được.
Thế vận hội Mùa Đông Vancouver 2010 – dịch cúm lợn
Vào tháng 6/2009, bảy tháng trước khi bắt đầu Thế vận hội mùa Đông Vancouver 2010 tại Canada, WHO đã tuyên bố H1N1 - còn được gọi là cúm lợn - là một đại dịch. Có hơn 33.000 ca nhiễm H1N1 và 428 ca tử vong ở Canada trong mùa cúm 2009-2010, theo Cơ quan Kiểm soát bệnh truyền hiễm Canada.
"Có vẻ như đã quá lâu, nhưng tôi nhớ vào mùa thu năm 2009 đã có những cuộc thảo luận cấp cao về tác động của dịch đối với Thế vận hội”, Rob Stewart, Giám đốc Hoạt động Dịch vụ Y tế của Thế vận hội Vancouver 2010, cho biết.
Mặc dù đại dịch về cơ bản đã thuyên giảm vào thời điểm bắt đầu Thế vận hội, các cơ quan chức năng vẫn cảnh giác cao độ.
Sức khỏe cộng đồng được xem xét trong toàn bộ quá trình lập kế hoạch, từ thiết kế địa điểm, thiết lập các cơ sở rửa tay và vệ sinh thích hợp, đến thông điệp công khai về giãn cách xa xã hội. Những khán giả và vận động viên chưa tiêm vaccine tại nhà đã được tiêm vaccine H1N1 miễn phí tại chỗ.
Tiến sĩ Mike Wilkinson, Giám đốc Dịch vụ Y tế tại Vancouver 2010 cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi kết nối với các cơ quan y tế cộng đồng vào khoảng 11 giờ đêm, nhận được số liệu thống kê trong ngày, sau đó sẽ xem xét chúng”. Các tài liệu giao ban hàng ngày bao gồm tất cả mọi thứ, từ mức độ tiêm chủng đến chất lượng không khí cho đến bất kỳ ổ dịch nào bùng phát trong khu vực.
Cuối cùng thì không có vận động viên nào mắc H1N1 tại Thế vận hội Vancouver.
Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang - dịch norovirus
Các biện pháp phòng ngừa tương tự cũng được thực hiện tại Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc, nơi giới chức phải đối phó với một trận dịch norovirus, loại virus gây viêm dạ dày ruột.
Người nhiễm virus này thường gặp các triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa và đau dạ dày, xuất hiện từ 12-48 giờ sau khi tiếp xúc.
Chỉ vài ngày trước lễ khai mạc, norovirus đã lây lan trong các nhân viên an ninh tại một cơ sở lưu trú Olympic, làm lây nhiễm cho 41 nhân viên. Tổng cộng 1.200 nhân viên an ninh đã được đưa vào diện cách ly để hạn chế sự lây lan trong khi cơ quan chức năng tiến hành xét nghiệm.
Rob Stewart, Giám đốc Hoạt động Dịch vụ Y tế của Thế vận hội Vancouver 2010, nhận xét: “Đó là một động thái nhằm chặn sớm dịch. Cô lập những người bị bệnh và giữ họ ở đó. Bởi đợi tới lúc xem xét cả cộng đồng thì có thể sự việc đã đi quá xa. Bí quyết là phải ngăn chặn ngay”.
Các nhân viên đã bị cách ly nhanh chóng được thay thế bằng 900 quân nhân nghĩa vụ Hàn Quốc, những người đã sẵn sàng bổ sung nhân lực theo kế hoạch dự phòng. Tiến sĩ Young-Hee Lee, Giám đốc Y tế của Pyeongchang 2018 cho biết: “Đó là chìa khóa của thành công này”.
Trước thềm Thế vận hội Tokyo 2020, các nhân viên y tế từ các kỳ Thế vận hội trước đã chia sẻ kinh nghiệm và lời khuyên của họ với Ban tổ chức, mặc dù họ thừa nhận lần này là một trận chiến hoàn toàn khác.
Tiến sĩ Wilkinson cho biết: “Mọi thứ đều không là gì so với những gì họ đang phải làm hiện nay ở Tokyo”, nhưng ông cho biết các phương pháp giám sát và ngăn chặn virus phần lớn vẫn giữ nguyên.
“Chúng tôi biết những gì hiệu quả, những gì đã hiệu quả trong lịch sử - vệ sinh cá nhân, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, quy định về ho và tiêm chủng là nền tảng của điều đó”, ông Stewart nói và bổ sung: "Bạn lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất và hy vọng điều tốt nhất".